'Hồi chuông' cảnh tỉnh ở Saudi Arabia: Mỹ-Nga-Trung Quốc không chịu 'sát cánh' lúc này thì bao giờ?

Cuộc tấn công ở Saudi Arabia là một tiền lệ nguy hiểm, khi các vũ khí truyền thống như S-400, Patriot sẽ không phải là công cụ có thể đối đầu với những thiết bị công nghệ thời đại mới như UAV.

Cuộc tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia là một tiền lệ nguy hiểm.

Cuộc tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia là một tiền lệ nguy hiểm.

Tiền lệ xấu ở Saudi Arabia

Mặc dù chỉ tiêu tốn số vũ khí vài triệu USD nhưng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình hôm 14/9 vào Saudi Arabia đã gây thiệt hại kinh tế ngay lập tức được tính bằng tỷ USD.

Trên tực tế, sự tổn thương của các cơ sở dầu mỏ trọng yếu ở vùng Vịnh có thể mang đến những rủi ro gây thiệt hại còn nhiều hơn con số nói trên, thậm chí là tác động đến quy mô toàn thế giới, Carlos Pascual, Phó Chủ tịch cấp cao về năng lượng toàn cầu và các vấn đề quốc tế tại IHS Markit viết trên CNBC.

Đây được coi là một tiền lệ nguy hiểm, khi khả năng UAV phá vỡ hệ thống phòng thủ quân sự truyền thống có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho cách thức mà khủng bố hành động trên toàn cầu. Về lâu dài, chính các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga mới phải chịu tổn hại nhiều nhất.

Đây chính là động lực để các quốc gia nói trên gác lại sự đối đầu với nhau để tạo ra một mạng lưới phòng thủ mới chống lại khủng bố sử dụng máy bay không người lái và không gian mạng.

Cuộc tấn công vào cơ sở chế biến dầu của Saudi Arabia đã thổi bay mất 5,7 triệu thùng dầu, chiếm 60% sản lượng của vương quốc Ả Rập mỗi ngày. Cùng ngày vụ tấn công xảy ra, giá dầu thế giới đã tăng 15%, lên hơn 69 USD/thùng.

Tuy nhiên, với cam kết khôi phục lại sản xuất của Saudi Aramco, dầu đã quay trở lại mức 60 USD. Mặc dù chưa gây ra những hậu quả quá nghiêm trọng nhưng cuộc tấn công đã khiến người ta bất an hơn ở Trung Đông. Bởi rõ ràng, những động thái khủng bố như vậy sẽ không dừng lại. Trong khi đó, các quốc gia trong cuộc vẫn đang mải mê đổ lỗi cho nhau.

Bắt đầu với Trung Đông. Nhiều người lo ngại, Saudi sẽ trả đũa ngay lập tức đối với Iran – quốc gia bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công, bất chấp việc phiến quân Houthi đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Chắc chắn, với lập trường của mình, Iran sẽ đáp trả lại không chùn tay. Lúc này đây, sự ổn định và cam kết bảo vệ an ninh năng lượng ở vùng Vịnh có nguy cơ lung lay. Khủng bố sẽ thừa cơ hội đưa ra những hành động táo bạo hơn, thậm chí còn tràn vào các mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.

Mỹ và các quốc gia cởi mở với công nghệ máy bay không người lái sẽ là những đối tượng đáng lo nhất. Trên trang bán hàng Amazon, bất cứ ai cũng có thể đặt mua máy bay không người lái cỡ nhỏ với giá dưới 300 USD. Đây chính là nguồn cung vũ khí không thể tốt hơn cho khủng bố.

Với 250.000 USD, ai cũng có thể sở hữu một mẫu máy bay không người lái chuyên nghiệp cỡ lớn, tải trọng lên tới 200kg. Về cơ bản, ngay cả một mẫu UAV cỡ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại đáng kể đối với các cơ sở hạ tầng như nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hoặc con đập.

Trung Quốc nên cảm thấy lo ngại trước một chu kỳ bạo lực mới ở Trung Đông. Họ nhập khẩu dầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và khoảng 50% trong số đó đến từ khu vực này.

Sự gián đoạn cung cấp dầu không chỉ gây ra tổn thất về tài chính mà còn khiến các lĩnh vực khác của Trung Quốc rơi vào bế tắc.

Về phần mình, Nga cũng từng có khoảng thời gian đau đầu với vấn nạn khủng bố ở khu vực Bắc Kavkaz.

Mỹ, Nga, Trung Quốc rơi vào cuộc chiến lúng túng

Mỹ-Nga-Trung Quốc cần sát hành động cùng nhau để khiến tình hình không tồi tệ thêm.

Bên cạnh mối đe dọa nói trên, Mỹ, Nga và Trung Quốc còn phải đối mặt với sự trớ trêu khi bước vào cuộc chiến liên quan đến máy bay không người lái và không gian mạng, vốn được coi là sở đoản của mình.

Bị lôi kéo vào một cuộc xung đột như vậy, các cường quốc sẽ mất đi ưu thế quân sự truyền thống. Thay vào đó, họ phải tham gia vào một trò chơi mà bản thân không am hiểu, nơi có nhiều người chơi cùng một lúc, bao gồm cả những người chơi là các phần tử nguy hiểm chứ không đơn thuần là giữa các quốc gia với nhau.

Đặt một bên là các quốc gia với những vũ khí chiến tranh mạnh mẽ như máy bay, tên lửa và một bên là mối đe dọa không gian mạng, máy bay không người lái - chúng ta sẽ thấy sự bất cân xứng.

Chi phí để tiến hành một cuộc tấn công như ở Saudi Arabia rất thấp. Nhưng một cú đánh tương tự vậy có thể lan truyền nỗi sợ chính trị và gây ra hỗn loạn kinh tế.

Có vẻ như trong kỷ nguyên mới của "xung đột quyền lực lớn", cuộc tấn công vào Saudi Arabia sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ, Trung Quốc và Nga nên tìm kiếm hành động mang tính toàn cầu để đặt ra các quy tắc cho chiến tranh không người lái và chiến tranh mạng.

Bước đơn giản đầu tiên, Mỹ, Trung Quốc và Nga nên sử dụng vai trò ra quyết định tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia sáng kiến toàn cầu mới, hướng tới kiểm soát sử dụng máy bay không người lái, chiến tranh mạng và bảo vệ chống lại các mối đe dọa khủng bố.

Cả ba sẽ cần tạo ra một khuôn khổ đáng tin cậy để kêu gọi sự tham gia của quốc tế và đóng khung các quy tắc tiềm năng về công nghệ, điều kiện, cách chúng được cấp phép, bán và sử dụng trong mục đích quân sự.

Thật khó để tưởng tượng về khả năng Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin có thể đồng ý với nhau về điều này. Nhưng có một thực tế rõ ràng: Không ai trong số họ muốn thấy sức mạnh quân sự của mình bị phá hoại bởi thứ công nghệ dễ tiếp cận nhưng lại có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không tinh vi.

Có lẽ ngay lập tức, một lời kêu gọi hành động chung của 3 cường quốc là cần thiết để giúp Saudi Arabia và Iran thoát khỏi một cuộc xung đột đáng lo ngại, có khả năng khiến cả Trung Đông đến gần hơn với chiến tranh.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/don-thuc-tinh-danh-cho-my-nga-trung-quoc-neu-khong-muon-s-400-hay-patriot-bi-qua-mat-hay-nam-tay-cung-nhau-a450389.html