Hồi chuông cảnh báo

Cho đến nay, tương lai của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) vẫn còn chưa rõ ràng bởi lập trường của Mỹ và Nga - hai quốc gia tham gia hiệp ước đang còn nhiều khác biệt. Trước tình hình này, giới chức Mỹ đưa cảnh báo về những hệ quả nếu START-3 tan vỡ.

Theo Defense News, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) mới công bố một báo cáo, trong đó cảnh báo sự sụp đổ của START-3 có thể khiến Lầu Năm Góc tiêu tốn 439 tỷ USD cho việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và 28 tỷ USD cho chi phí bảo trì hằng năm các đầu đạn và phương tiện mang. Báo cáo của CBO cho biết: “Nếu START-3 hết hạn, Mỹ có thể chọn cách không thay đổi kế hoạch hiện tại về các lực lượng hạt nhân. Trong trường hợp đó, sẽ không có thêm chi phí nào. Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết định tăng cường lực lượng hạt nhân ở quy mô lớn thì việc này sẽ khá tốn kém”. CBO cho rằng, việc tăng chi tiêu cho lực lượng hạt nhân có khả năng gây áp lực cho ngân sách quốc phòng Mỹ và ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác.

 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (bên trái) và ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí. Ảnh: RIA Novosti

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (bên trái) và ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí. Ảnh: RIA Novosti

Không chỉ liên quan đến vấn đề ngân sách, giới chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về những hệ quả khác của việc chấm dứt START-3. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ Adam Smith và Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nhấn mạnh, nếu không gia hạn START-3, Mỹ có thể tiến tới một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Về phần mình, ông Kingston Reif, Giám đốc Chương trình chính sách giải trừ quân bị và giảm mối đe dọa của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Mỹ nhận định: “Khi không có cơ chế kiểm soát vũ khí, chi tiêu cho vũ khí hạt nhân sẽ ngày càng tăng. Điều này sẽ làm suy yếu sự ổn định chiến lược và tổn hại đến cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.

Những lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Moscow vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh việc gia hạn START-3 vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021. Tại vòng đàm phán Mỹ-Nga về ổn định chiến lược ở Vienna (Áo) gần đây, ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí, người dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ cho biết, nước này sẽ đồng ý gia hạn hiệp ước nếu Nga ủng hộ một khuôn khổ thỏa thuận tham vọng hơn trong tương lai. Đơn cử như Mỹ đã đề xuất bổ sung thêm vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn vốn không được tính đến trong hiệp ước hiện nay. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, trưởng đoàn đàm phán Nga nhấn mạnh, Moscow sẽ gia hạn hiệp ước nhưng không kèm theo các điều kiện mới.

START-3 là hiệp ước song phương kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn giữa Mỹ và Nga nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. Ngày 8-4-2010, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga lúc bấy giờ là ông Barack Obama và ông Dmitry Medvedev đã đặt bút ký START-3 tại thủ đô Prague (Cộng hòa Czech). Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. Thêm vào đó, hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Lâu nay, Nga luôn tỏ rõ lập trường mong muốn ngay lập tức gia hạn START-3 bởi nước này coi đây là “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân. Moscow nhiều lần đề nghị Washington không trì hoãn vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang chần chừ trong việc gia hạn START-3. Theo ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), các hiệp ước như START-3 là một phần không thể tách rời trong lĩnh vực không phổ biến và giải giáp vũ khí. LHQ hy vọng rằng Mỹ và Nga có thể tìm thấy tiếng nói chung và đi đúng hướng.

Từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có nhiều quyết định gây tranh cãi, đặc biệt là việc rút nước này khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Bước đi này phản ánh rõ nét chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông chủ Nhà Trắng theo đuổi suốt thời gian qua. Sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga vào tháng 8-2019, hồi tháng 5 vừa qua, ông Donald Trump lại tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia Hiệp ước Bầu trời mở. Với động thái này của Washington, cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ START-3 đổ vỡ khi thời hạn hiệu lực của thỏa thuận này không còn dài.

Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng, việc Mỹ và Nga nhất trí thành lập phái đoàn đàm phán để trao đổi về START-3 được coi là tín hiệu tích cực cho thấy Washington và Moscow đang nỗ lực tìm tiếng nói chung nhằm duy trì văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí giữa hai nước.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hoi-chuong-canh-bao-633479