Hồi chuông cảnh báo từ ngành ôtô Úc

General Motors đã đóng cửa nhà máy Holden tại khu ngoại ô Elizabeth ở phía Nam nước Úc, chấm dứt hơn một thế kỷ sản xuất ô tô trong nước. Quyết định này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Toyota đóng cửa nhà máy ở bang Victoria, nơi Ford năm ngoái cũng đã đóng cửa hai nhà máy.

Những vụ đóng cửa nhà máy ôtô này đánh dấu sự kết thúc của các biểu tượng xe hơi nội địa Úc như Holden Commodore và Ford Falcon; đồng thời gây ra một cú sốc kinh tế, đặc biệt ở bang công nghiệp ở Nam Úc, nơi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế.

Holden- Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Úc

Holden- Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Úc

Ngành ô tô nội địa Úc "thất thủ"

15 năm trước, Commodore của Holden dẫn đầu thị trường ô tô Úc với gần 100.000 xe bán ra mỗi năm. Nhưng trong 5 năm qua, những dòng xe Mazda3 và Toyota Corolla chỉ có khoảng 40.000 chiếc bán ra. Năm ngoái, Toyota HiLux dẫn đầu thị trường với một con số tương tự. Trên thực tế không có một nhà máy ôtô nào trên thế giới có thể sống sót với doanh số thấp như vậy – chỉ trừ Ferrari hay Lamborghini vốn bán ra những siêu xe với giá siêu cao.

GS. John Spoehr, Giám đốc Viện Chuyển đổi Công nghiệp Australia-Đại học Flinders ở Adelaide cho biết, trong tất cả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Úc đã ký với các nước khác, không có hiệp định nào có tác động tồi tệ đến ngành ô tô như thỏa thuận với Thái Lan có hiệu lực năm 2005. Từ khi Úc dỡ bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, hơn hai triệu xe ô tô sản xuất tại Thái Lan đã được nhập khẩu vào Úc.

"Với mức thuế nhập khẩu thấp hoặc thậm chí bằng 0%, Úc tràn ngập những chiếc xe nhập khẩu có giá rẻ và được trang bị tốt hơn so với các mẫu xe nội địa. Điều đó đã làm giảm đáng kể doanh số bán xe ô tô nội địa của Úc", GS. John nhấn mạnh.

Sau 10 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do, Úc đã đóng cửa toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, khiến khoảng hơn 50.000 người lao động mất việc làm.

Theo đó, những chiếc xe ô tô nhập khẩu đã giúp cho người Úc có nhiều lựa chọn với 64 thương hiệu ô tô. Trong khi Mỹ chỉ có 38 thương hiệu và Vương quốc Anh có 42 thương hiệu. Nhưng chính điều đó đã khiến thị trường ô tô Úc trở nên vỡ vụn và các nhà sản xuất ô tô Úc không thể dựa vào doanh số bán hàng trong nước để tồn tại.

Mặt khác, Úc cũng không thể xuất khẩu để thoát khỏi tình trạng khó khăn này vì bị bao vây bởi các nước đang phát triển có chi phí nhân công rẻ hơn nhiều. Các nhân viên lắp ráp ô tô Thái Lan được trả khoảng 6 đô la Úc/giờ, tương đương gần 12.500 đô la Úc mỗi năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình gần 69.000 đô la Úc của công nhân sản xuất ô tô ở Úc.

Bên cạnh đó,Thái Lan duy trì các những rào cản ngầm, phi thuế quan trong khi Úc là nước duy nhất trên thế giới không có biện pháp bảo hộ nào cho ngành ô tô nội địa.

Do đó, 10 năm sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết, Úc đã đóng cửa toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, khiến khoảng hơn 50.000 người lao động mất việc làm.

Hồi chuông cảnh báo

Với bài học nhìn từ ngành sản xuất ô tô nước Úc, các chuyên gia cảnh báo, các doanh nghiệp ô tô nội địa tại Việt Nam cần cẩn trọng nếu không muốn mất thị trường này vào tay các doanh nghiệp ô tô giá rẻ Thái Lan hoặc Indonesia.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%. Giới chuyên gia dự báo, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam từ khu vực ASEAN sẽ tăng mạnh khi nhu cầu phương tiện cá nhân trong nước ngày một gia tăng.

"Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nội địa Việt Nam đã hứng chịu một vài dư chấn", GS. Francoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm Châu Á- Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định. Bằng chứng là, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy phải dừng hoạt động là 18.811 doanh nghiệp, chiếm tới 41,09% tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động của cả nước.

"Đây là một con số đáng báo động cho ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam", GS. Francoise đánh giá và cảnh báo, sắp tới khi EVFTA hay TPP được hoàn thiện và đi vào thực thi, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam sẽ còn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa từ các khu vực có thế mạnh trong ngành này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan để khuyến khích các doanh nghiệp ô tô trong nước nâng cao năng lực sản xuất. Chẳng hạn, để đào tạo thế hệ lao động lành nghề tiếp theo cho ngành công nghiệp ô tô đang phát triển của Thái Lan, chính phủ Thái Lan đang hợp tác với khu vực tư nhân trong nhiều chương trình đào tạo và thực tập khác nhau. Từ đó, tay nghề của các nhân công được đào tạo và nâng cao, và các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để tiếp tục hoạt động, tránh tình trạng bị "xóa sổ" trước sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của ô tô ngoại.

.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/hoi-chuong-canh-bao-tu-nganh-oto-uc-119032.html