Hội chứng sương mù não của người khỏi bệnh Covid-19

Tình trạng suy giảm trí nhớ cản trở khả năng làm việc và sinh hoạt của hàng nghìn bệnh nhân hồi phục sau khi mắc Covid-19, theo New York Times.

Sau khi chống chọi với cơn bạo bệnh mang tên Covid-19 và bình phục vào tháng 3, Michael Reagan hoàn toàn không còn chút ký ức nào về kỳ nghỉ 12 ngày ở Paris, dù chuyến đi chỉ diễn ra trước đó vài tuần.

Tương tự, sau khi hồi phục từ Covid-19, Erica Taylor trở nên bối rối và đãng trí. Taylor thậm chí không thể tìm ra xe của mình, dù đó là chiếc Toyota Prius duy nhất trong bãi đậu xe của khu chung cư mà cô sống.

 Cảm giác trống rỗng và bỡ ngỡ là một trong những triệu chứng xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân điều trị Covid-19. Ảnh: Getty.

Cảm giác trống rỗng và bỡ ngỡ là một trong những triệu chứng xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân điều trị Covid-19. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, y tá kỳ cựu Lisa Mizelle quên mất các nguyên tắc xét nghiệm và phương pháp điều trị cơ bản sau khi mắc Covid-19 vào tháng 7.

Mizelle cho biết bà phải thường xuyên hỏi đồng nghiệp về các thuật ngữ vốn từng rất quen thuộc với mình.

“Tôi rời khỏi phòng rồi bỗng nhiên không thể nhớ bệnh nhân vừa nói gì”, người phụ nữ 53 tuổi chia sẻ. “Tôi cảm thấy như mình bị mất trí nhớ”.

"Tôi gần như rơi vào trầm cảm"

Các nhà khoa học đặt tên cho tình trạng nói trên là hội chứng sương mù não, hay còn gọi là chứng đờ đẫn. Bệnh lý này bao gồm các triệu chứng mất trí nhớ, lú lẫn, khó tập trung, chóng mặt và vấn đề về ngôn ngữ.

“Có hàng nghìn người gặp phải hội chứng này”, bác sĩ Igor Koralnik tại Phòng khám Northwestern ở Chicago cho biết. “Tác động đối với lực lượng lao động là rất đáng quan ngại”.

Giới y khoa chưa đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân gây ra chứng đờ đẫn.

Chứng sương mù não khiến người bệnh gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện những công việc thường nhật. Ảnh: New York Times.

Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân Covid-19 gặp hội chứng sương mù não cần điều trị lâu hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn và phần lớn không thể sinh hoạt bình thường sau khi xuất viện.

Kết quả báo cáo tại Pháp công bố vào tháng 8 cho biết 34% trong tổng số 120 bệnh nhân được theo dõi bị mất trí nhớ và 27% có vấn đề về tập trung trong nhiều tháng sau khi chữa trị Covid-19.

Theo phó giáo sư Natalie Lambert tại Đại học Indiana, chứng đờ đẫn là bệnh lý phổ biến thứ tư trong tổng số 101 di chứng phát hiện trên những bệnh nhân phục hồi sau Covid-19.

Chứng sương mù não đẩy người bệnh vào nhiều tình huống khó xử. Ảnh: Assisting Hands.

“Chứng sương mù não làm tôi cảm thấy kiệt quệ”, ông Rick Sullivan, ngụ ở Brentwood, California, cho biết.

Ông Sullivan nói thêm rằng bản thân đã chịu ảnh hưởng của chứng đờ đẫn trong nhiều tháng liền kể từ khi kết thúc điều trị Covid-19 vào tháng 7.

“Tôi gần như rơi vào trầm cảm, như thể tôi bị gây mê vậy”, người đàn ông 60 tuổi nói.

Gặp rắc rối trong công việc

Luật sư Taylor ở Atlanta dương tính với virus corona vào giữa tháng 6. Thời điểm đó, người phụ nữ 31 tuổi cho rằng mình chỉ cần nghỉ một thời gian ngắn trước khi trở lại làm việc.

Nhưng chứng sương mù não xuất hiện khiến bà Taylor mất phương hướng đến nỗi bỏ chiếc điều khiển TV vào máy giặt và buộc phải trả lại một con chó đã nhận nuôi vì không tin tưởng bản thân có thể chăm sóc tốt cho con vật.

Vào một buổi sáng, “hình ảnh trong não tôi bỗng trở nên trắng xóa”, bà kể lại. “Tôi ngồi trên mép giường, khóc và cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tôi muốn cầu cứu nhưng không nghĩ ra mình nên hỏi ai, thậm chí không nhớ nổi mình muốn cầu cứu điều gì. Tôi quên mất mình là ai và đang ở đâu”.

Bà Erica Taylor, cựu luật sư. Ảnh: New York Times.

Từ tháng 7 đến tháng 9, bà Taylor quay trở lại làm việc nhưng nhiều lần phải xin nghỉ vì chịu ảnh hưởng của chứng sương mù não. “Tôi đọc email giống như đọc tiếng Hy Lạp vậy”, luật sư 31 tuổi nói.

Trong khi đó, chuyên gia y tế Reagan cho biết di chứng Covid-19 khiến ông hoàn toàn không thể quay lại làm việc được.

Những cơn co giật ngón tay đi kèm chứng sương mù não cản trở ông Reagan tiếp tục công việc phẫu thuật và hướng dẫn các bác sĩ cách khâu động mạch.

“Việc gặp vấn đề về ngôn ngữ làm tôi cảm thấy mình nói năng như một tên ngốc vậy”, người đàn ông 50 tuổi giãi bày.

Tìm kiếm lời giải về hội chứng bí ẩn

Nguyên nhân dẫn đến chứng sương mù não hiện vẫn là một bí ẩn đối với giới y khoa, một phần là bởi sự đa dạng của các triệu chứng.

“Cách lý giải đơn giản nhất là hệ miễn dịch của người mắc Covid-19 vẫn hoạt động dù bệnh tình đã thuyên giảm”, tiến sĩ Avindra Nath tại Viện nghiên cứu Thần kinh và Đột quỵ Mỹ cho biết.

Tiến sĩ Serena Spudich, Trưởng khoa nhiễm trùng và thần kinh tại Trường Y Yale, cho rằng các di chứng viêm xuất hiện trong quá trình miễn dịch “cũng có thể là một loại độc tố” gây cản trở quá trình đưa máu lên não.

Nguyên nhân gây ra chứng sương mù não vẫn là một ẩn số. Ảnh: Getty.

Tiến sĩ Spudich nói thêm rằng các nguyên nhân khả dĩ khác có thể bao gồm phản ứng tự miễn dịch “tấn công nhầm các tế bào thần kinh”.

Mặt khác, tiến sĩ Allison Navis, chuyên gia thần kinh về bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, cho biết những triệu chứng như ngứa ran hoặc mất cảm giác có thể xuất phát từ việc các dây thần kinh bị tổn thương gửi tín hiệu sai.

Một bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19 đã mất toàn bộ ký ức về chuyến đi đến Paris trước đó. Ảnh: New York Times.

Ngoài ra, một số người bị sương mù não vẫn gặp các vấn đề về phổi hoặc tim, điều này có thể làm trầm trọng thêm bệnh lý thần kinh.

Trong khi đó, theo giới y khoa, kỹ thuật quét MRI (chụp cộng hưởng từ) hiện tại không thể chỉ ra vùng não bị tổn thương.

Các bác sĩ vẫn chưa rõ liệu chứng sương mù não có thuyên giảm hoặc biến mất theo thời gian hay không. Do đó, Nhiều chuyên gia khuyên bệnh nhân gặp chứng sương mù não đến gặp bác sĩ để điều trị các di chứng về mặt vật lý và kiểm tra những bệnh lý ẩn chưa được phát hiện sau khi mắc Covid-19.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-chung-suong-mu-nao-cua-nguoi-khoi-benh-covid-19-post1143785.html