Hội chứng Chiến tranh Việt Nam tiếp tục lan sang Donbass

Sau cảnh báo cuộc chiến ở Syria sẽ khiến Mỹ gặp một 'Việt Nam 2', các chuyên gia lại tiếp tục đưa ra cảnh báo tương tự về Donbass.

Chiến sự miền đông Ukraine lại bùng phát dữ dội

Đại diện của “Bộ Quốc phòng” Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine nói với các phóng viên rằng, ngày 17/10, lực lượng an ninh Ukraine tiếp tục phát động một cuộc tấn công vào các vị trí của họ ở khu vực làng Leninskoie, phía Nam Donbass.

"…lúc 12h00 (giờ Hà Nội), sau khi sử dụng pháo và súng phóng lựu, đối phương đã nỗ lực tấn công vào các vị trí của chúng tôi gần làng Leninskoie. Hiện giờ chiến sự vẫn đang tiếp diễn, đối phương bị tổn thất nặng nề" - đại diện của lực lượng quân sự DPR cho biết.

Theo lời ông này, tham gia cuộc tấn công có cả lính của trung đoàn quốc gia "Azov" (trước đây là tiểu đoàn tiễu phạt tư nhân của tỷ phú Igor Kolomoisky – nguyên là Thống đốc vùng Dnipropetrovsk) và lính đánh thuê nước ngoài".

Giao tranh ở Donbass đã bắt đầu từ hôm 14/10 khi lực lượng an ninh Ukraine đã huy động một nhóm quân tương đương một đại đội để tấn công vào khu vực phía nam nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng.

Sau các đợt pháo kích của pháo 152mm, quân đội Ukraine đã phát động tấn công vào khu vực làng Leninskoe với quân lực khoảng một đại đội tăng cường, được hỗ trợ bằng hỏa lực súng cối. Giao tranh ở khu vực diễn ra dai dẳng từ đó đến hôm nay.

Đại diện DPR nói rằng, cuộc tấn công của lực lượng an ninh Ukraine là sự tuyên chiến đối với họ của chính quyền Kiev. Hoạt động quân sự này còn có sự hỗ trợ của hoạt động “khủng bố”, ám sát, phá hoại hậu phương của họ.

Nga cảnh báo Mỹ sẽ biến cuộc chiến ở Ukraine thành “Việt Nam 2”

Nga cảnh báo Mỹ sẽ biến cuộc chiến ở Ukraine thành “Việt Nam 2”

Hôm 16/10, một chỉ huy quân sự của DPR là ông Arsen Pavlov, thường được biết đến với bí danh Motorola đã bị ám sát ở Donetsk. Arsen Pavlov đã bị giết chết bởi một quả bom đã phát nổ trong thang máy tòa nhà đang sống.

Đại diện toàn quyền của DNR trong nhóm liên lạc về Ukraine là ông Denis Pushilin cho rằng, vụ giết hại ông Arsen Pavlov là do bàn tay của chính quyền Kiev. Sự việc này cũng với hoạt động quân sự có nguy cơ dẫn đến những gia tăng căng thẳng nguy hiểm hơn ở Donbass.

Nỗi sợ “Chiến tranh Việt Nam” ở Donbass

Trong bối cảnh cuộc chiến tiềm tàng ở Syria đa đe dọa thế giới thì ở Miền Đông Ukraine, chiến sự cũng đang nóng lên từng ngày. Một số chuyên gia tiếp tục đưa ra những cảnh báo tương tự về sự leo thang căng thẳng trong cuộc nội chiến ở giữa chính quyền Kiev và 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.

Ngày 18/10, chuyên gia quân sự Nga Boris Rozhin cho biết trong cuộc phỏng vấn với tạp chí "Tự do báo chí" rằng, trong trường hợp tình hình chiến sự ở đông Ukraine xấu đi, cuộc nội chiến này hoàn toàn có thể đi theo kịch bản Triều Tiên hay Việt Nam.

Sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền của ông Yanukovych, cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và dân quân Donbass từ tháng 4 năm 2014 đã kéo dài suốt 2 năm, với những đợt bùng phát mới, bất kể 2 bên đã từng đạt được 2 thỏa thuận hòa bình ở Misnk vào hồi tháng 9/2014 và tháng 2/2015.

Chuyên gia Boris Rozhin nhận định, theo quan sát của ông trong vòng hai năm qua, có vẻ như tình hình đất nước này sẽ phát triển theo kịch bản Việt Nam. Các đơn vị quân đội Ukraine với DPR và LPR sẽ không chiến đấu với nhau trong môi trường đơn nhất như hiện nay.

Trong trường hợp chính quyền Kiev gặp tình huống bất lợi, một số quốc gia phương Tây sẽ tăng cường viện trợ và hiện diện quân sự cho Ukraine, biến cuộc nội chiến đơn thuần giữa “những người anh em” thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm có yếu tố nước ngoài.

Khi đó, Mỹ và Nga sẽ đứng trực tiếp sau các lực lượng dân quân địa phương và Kiev, dẫn tới một kịch bản chiến tranh Việt Nam hay cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên,

Vị chuyên gia Nga khẳng định, điều này là tất yếu nếu xét theo những đối đầu chính trị giữa Moscow và Washington hiện nay, trong đó, cả Ukraine và Syria đếu là những chiến trường ủy nhiệm để 2 cường quốc này giải quyết những mâu thuẫn địa-chính trị của mình.

Cuộc nội chiến ở Miền Đông Ukraine lại tiếp tục bùng phát

Hội chứng “Việt Nam 2” ở Syria

Trước đây, tờ Washington Post của Mỹ cũng có bài viết chỉ trích chính quyền Washington đã không rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ chiến tranh Việt Nam, nếu họ quyết định can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria theo đề xuất của giới quân sự đưa ra.

Nửa thế kỷ trước, Mỹ đã không thể kiểm soát sự can thiệp của mình vào chiến tranh Việt Nam.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ nhanh chóng tăng từ vài trăm cố vấn lên đến nửa triệu binh sĩ trong vòng 8 năm (1965-1973), khiến nước Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến sa lầy, không lối thoát ở đất nước Đông Nam Á. Cuối cùng, quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hoi-chung-chien-tranh-viet-nam-tiep-tuc-lan-sang-donbass-3321102/