Hội chợ TT xúc tiến đầu tư - Thương mại và Triển lãm Cần Thơ 2018 giúp nông dân giải tỏa nhiều thắc

Hội chợ Trung tâm xúc tiến đầu tư - Thương mại và Triển lãm Cần Thơ 2018 vừa kết thúc, để lại nhiều dự âm giúp nông dân giải tỏa được nhiều thắc mắc.

Từ ngày 02/11đến ngày 06/11/2018, hàng ngàn nông dân các địa phương vùng ĐBSCL về Cần Thơ tham quan Trung tâm xúc tiến đầu tư - Thương mại và hội chợ Triển lãm Cần Thơ 2018. Hội chợ đã khép lại nhưng đây thực sự là ngày hội của nông dân ĐBSCL, ngày hội tiếp cận thiết bị công nghệ chế biến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của những doanh nghiệp đi đầu đưa nông sản, thủy sản trong vùng đi khắp năm châu.

Nông dân đặt câu hỏi và nhận câu trả lời trực tiếp từ các nhà khoa học tại hội thảo nông nghiệp. Ảnh: Kim Khanh

Nông dân đặt câu hỏi và nhận câu trả lời trực tiếp từ các nhà khoa học tại hội thảo nông nghiệp. Ảnh: Kim Khanh

Những gian hàng trình bày máy móc, thiết bị nông nghiệp, dây chuyền sản xuất, chế biến công nông nghiệp có sự xuất hiện của các thương hiệu nổi tiếng như: Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Veam), Công ty Buhler Farmilia VietNam, Tập đoàn Goldstar, Công ty Kubota, Yanmar đông đảo nông dân tham quan, tìm hiểu… Các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm về phân bón hóa chất, vật tư nông nghiệp, hạt giống nông nghiệp như: Công ty Quang Nông, Phân bón sinh học Thế giới thông minh, Công ty Hai Lúa Vàng, Công ty Bioted… cũng được các nông dân tham quan, tìm hiểu về công nghệ, giá cả, tính năng.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - Thương mại và hội chợ Triển lãm Cần Thơ cho biết, ngay ngày đầu tiên khai mạc hội chợ, các doanh nghiệp tham gia hội chợ đã ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác ở ĐBSCL được 43 tỷ đồng. Các hợp đồng này chủ yếu cung cấp máy móc, thiết bị và trang bị công nghệ trong sản xuất, chế biến nông thủy sản xuất khẩu… Những ngày kế tiếp trung bình mỗi ngày các doanh nghiệp tham gia hội chợ đến ký kết các hợp đồng kinh tế giá trị lớn với các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản xuất khẩu.

Ngoài tham quan, mua sắm, hội chợ lần này được nhiều nông dân làm ăn theo kiểu mới và doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tham dự, lắng nghe để chỉnh đốn cách làm ăn phù hợp với thị trường xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Đó là các buổi hội thảo trong khuôn khổ hội chợ; mỗi hội thảo có cả trăm đại biểu tham dự, trong đó chủ yếu là nông dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo về nông sản xuất khẩu, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho rằng, hội thảo sẽ giúp nông dân biết làm nông nghiệp thông minh hiện đại theo công nghệ mới và phục vụ tốt thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhằm phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản, giúp họ thoát khỏi thói quen làm ăn theo kiểu cũ, truyền thống.

Nông dân quan tâm giống rau màu, cây ăn trái tại một gian hàng hạt giống. Ảnh: Kim Khanh

Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản chủ lực: nhìn từ thị trường đến sản xuất” tổ chức tại Cần Thơ sáng 05/11/2018, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dù gạo và trái cây xuất khẩu của nước ta năm nay đã đem lại nhiều tỉ đô la Mỹ nhưng thu nhập của nông dân, nhất là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thấp, đời sống vẫn khó khăn và vẫn lệ thuộc thị trường chính là Trung Quốc. Xuất khẩu gạo có lời, song nông dân hưởng lợi ít nhất, giá bán thấp nhất trong các nước xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Văn Chương, một nông dân ở cù lao An An Bình (Long Hồ - Vĩnh Long) tham dự hội thảo cho biết: “gia đình ông trồng 1,2ha chôm chôm, đến với hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của nông dân, nông sản và định hướng thị trường để làm ăn hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn văn Nghiệp, một nông dân nuôi 3 ha cá tra đến từ quận Thốt Nốt cho biết, nông dân chúng tôi ngày nay có kiến thức học vấn, tiếp cận với Internet và am hiểu thị trường từng giờ qua thông tin mạng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tận tai, tận mắt nghe các chuyên gia nói lên sự thật, cơ hội và thách thức sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường để chúng tôi tiếp tục suy ngẫm, tìm hướng đi cho mình, điều chỉnh cách làm ăn phù hợp, hiệu quả…

Các nhà khoa học trả lời thắc mắc cho các nông dân tham dự hội thảo về kỹ thuật trồng cây ăn trái và xuất khẩu. Ảnh: Kim Khanh

Theo Cục Trồng trọt, ĐBSCL có 350.000ha cây ăn quả, nhưng năm 2017 chỉ xuất được 35 triệu đô la Mỹ với trái xoài, chiếm 1% trong khoảng 2,3 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả của cả nước, còn các loại trái cây khác như chuối, bưởi, chôm chôm, nhãn, cam… thì không xuất được bao nhiêu mặc dù sản lượng khá cao.

“Nông dân mình làm lúa năng suất cao nhất nhưng lại nghèo khó vì giá bán thấp và năm nay dự kiến 50% gạo xuất khẩu là qua Trung Quốc”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Theo ông Tùng, trước thách thức của nông nghiệp 4.0, đa số bà con nông dân ĐBSCL vẫn làm ăn theo thói quen kiểu 0.4. Đó là không thích hợp tác xã (HTX), không thích áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, không chịu tiếp cận thị trường và không tự tin trong khi đây là 4 yếu tố chính để nông dân biết làm nông nghiệp thông minh theo công nghệ 4.0 nhằm phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để phát triển sản xuất nông sản xuất khẩu, Chính phủ phải ban hành chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở, phục tráng giống cây đặc sản đầu dòng, chuyển đổi cơ cấu giống, cải tạo vườn tạp thành vùng sản xuất tập trung. Rà soát tổ chức liên kết trong rải vụ trái cây chủ lực trồng tập trung vùng Nam bộ. Chính sách liên kết 4 nhà, khuyến khích liên kết với doanh nghiệp nhằm phát triển vùng nguyên liệu và cung cấp dịch vụ đầu ra cho sản xuất. Xây dựng quản lý vùng trồng cho các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

Máy móc nông nghiệp bán rất chạy tại hội chợ lần này, rất được nông dân quan tâm. Ảnh: Kim Khanh

Muốn đẩy mạnh sản xuất, chế biết và xuất khẩu nông sản, các vấn đề lớn của sản xuất, chế biết và xuất khẩu trái cây phải được thực hiện đồng bộ thì hiệu quả mới cao. Đó là bảo quản, chế biến, rà soát quy hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến tiên tiến, đồng bộ. Tiêu thụ hỗ trợ, miễn, giảm thuế, phí kho bãi, vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không; rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý sau thu hoạch, đóng gói, kiểm tra vận chuyển rau quả tươi xuất khẩu bằng đường hàng không. Tăng cường xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Quốc tế Cần Thơ cho rằng, ngoài việc đông đảo nông dân ĐBSCL quan tâm, tham quan, mua sắm, dư âm hội chợ năm nay là nhiều thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến nông, thủy sản xuất khẩu được chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế. Nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo bổ ích về sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đó là vấn đề lớn mà hội chợ để lại cho người dân ĐBSCL.

Video: Bột Mủ Trôm Mai Hương - Thương hiệu vì cộng đồng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hoi-cho-tt-xuc-tien-dau-tu--thuong-mai-va-trien-lam-can-tho-2018-giup-nong-dan-giai-toa-nhieu-thac-d135968.html