Hội chợ thị trường du lịch khu vực Arab: Giới thiệu các ý tưởng mới cho ngành du lịch hậu Covid-19

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1994, đến nay Hội chợ thị trường du lịch khu vực Arab (ATM) 2022 đã trở thành sự kiện thường niên thu hút hàng nghìn công ty và doanh nghiệp lữ hành trên thế giới.

Các đại biểu thảo luận tại phiên khai mạc AMT 2022

Các đại biểu thảo luận tại phiên khai mạc AMT 2022

Từ ngày 9-12/5, ATM 2022 đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế Dubai (DWC), Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1994, đến nay ATM đã trở thành sự kiện thường niên thu hút hàng ngàn công ty và doanh nghiệp lữ hành từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời hỗ trợ kết nối các giao dịch với tổng trị giá 2,5 tỷ USD trong ngành du lịch, khách sạn và hàng không.

Tuy tập trung chủ yếu vào khu vực Trung Đông, ATM trên thực tế mang tính chất của một sự kiện về thị trường du lịch có quy mô quốc tế, với sự hiện diện và trao đổi giao dịch của nhiều quốc gia, khu vực trên toàn cầu.

Năm nay, ATM 2022 tiếp tục được tổ chức dưới cả hai hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với nội dung tập trung vào các xu hướng đi lại và công nghệ mới định hình tương lai của ngành du lịch, khách sạn và hàng không, trong bối cảnh phần lớn thế giới đã bước vào sống chung với đại dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo ngành du lịch khu vực Arab đã cùng góp mặt tại Trung tâm thương mại thế giới Dubai (DWTC) để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về tương lai của du lịch và lữ hành quốc tế.

Bà Danielle Curtis, Giám đốc triển lãm ME của Arabian Travel Market, cho biết, ATM 2022 đã thu hút hơn 23.000 khách tham dự, tăng gấp đôi so với năm trước, với 1.500 khu vực triển lãm và đại biểu tham dự các phiên họp chuyên đề đến từ 150 quốc gia.

Những con số này đặc biệt ấn tượng khi Trung Quốc và một số quốc gia khác vẫn duy trì tình trạng giãn cách xã hội. Thêm vào đó, sự phát triển của lĩnh vực du lịch và lữ hành trên toàn khu vực Trung Đông cũng không có dấu hiệu suy giảm trong thời gian vừa qua.

Theo dự báo của Colliers International, khu vực Vùng Vịnh (GCC) sẽ thu hút các hợp đồng xây dựng khách sạn trị giá 4,5 tỷ USD trong năm 2022.

Ngoài khu vực Trung Đông, ATM 2022 quy tụ nhiều gian hàng của các quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã gỡ bỏ nhiều hạn chế về đi lại để khuyến khích mạnh mẽ hoạt động du lịch sau đại dịch.

Tổng đóng góp của ngành du lịch và lữ hành vào GDP của các nước Trung Đông dự kiến sẽ đạt khoảng 486,1 tỷ USD vào năm 2028, theo các dữ liệu gần đây được các nhà lãnh đạo và diễn giả chia sẻ tại ATM 2022.

Chính phủ các nước GCC đang thu hút các khoản đầu tư khổng lồ vào ngành du lịch, như Bahrain thu hút 492 triệu USD vốn đầu tư du lịch năm 2020, hay Saudi Arabia đã rót 1.000 tỷ USD cho lĩnh vực du lịch và lữ hành đến năm 2030.

Phiên khai mạc của chương trình, do biên tập viên Eleni Giokos của CNN điều hành, có sự góp mặt của Giám đốc điều hành Tập đoàn du lịch và tiếp thị thương mại Dubai Issam Kazim, Nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics Scott Livermore, Chủ tịch khu vực Trung Đông- Châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ của Tập đoàn Hilton Jochem-Jan Sleiffer, Người đứng đầu ngành lữ hành và du lịch của Google Bilal Kabbani và Giám đốc khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Đại Dương của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới Andrew Brown.

Trong ngày khai mạc của chương trình, diễn đàn ARIVALDubai @ ATM đã họp phiên đầu tiên, trong đó các chuyên gia trong ngành khám phá vai trò của trải nghiệm tại điểm đến trong việc định hình tương lai của du lịch và lữ hành toàn cầu.

Các Bộ trưởng Du lịch của UAE, Jordan, Jamaica và Botswana đã cùng thảo luận về tầm quan trọng của đầu tư, công nghệ và tính toàn diện trong việc thúc đẩy ngành du lịch tại khu vực Trung Đông.

Tổng đóng góp của ngành du lịch và lữ hành vào GDP của các nước Trung Đông dự kiến sẽ đạt khoảng 486,1 tỷ USD vào năm 2028.

Tại các phiên thảo luận, đại diện cấp cao của Air Arabia và Tập đoàn hàng không Etihad đã trao đổi về hiệu quả và tính bền vững trong lĩnh vực hàng không. Nền tảng chia sẻ video ‘Welcome to the World’ đã nhận được khoản đầu tư lên tới 500.000 USD sau khi chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp ATM Draper-Aladdin.

Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi tại các phiên họp chuyên đề chủ chốt của ATM, tập trung vào nhu cầu thực sự của du khách như du lịch thể thao, xu hướng công nghệ khách sạn, trải nghiệm ăn uống, dịch vụ du lịch dựa trên vũ trụ ảo, và định hình lại vai trò của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các blogger du lịch.

Hiệp hội du lịch doanh nghiệp toàn cầu (GBTA) cũng đã tổ chức hai cuộc thảo luận, nêu bật tính bền vững và các xu hướng dài hạn trong phân khúc du lịch kinh doanh.

Các đại diện của các Tập đoàn Atlas, Wego Middle East và Alibaba Cloud MEA đã cùng tham dự vào trao đổi tại phiên công nghệ du lịch ATM, giúp các đại biểu khám phá cách dữ liệu đang thay đổi hoạt động bán lẻ của các hãng hàng không như thế nào.

Các diễn giả đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ về cách xây dựng các tổ chức dựa trên dữ liệu, cũng như cơ sở để các công ty khai thác thành công dữ liệu du lịch ngày nay có nhiều khả năng thành công hơn trong dài hạn.

Kết thúc ATM 2022 là lễ công bố "Thiết kế gian hàng tốt nhất" và "Giải thưởng lựa chọn của khách tham dự ATM 2022", kết quả hai giải thưởng này đã được trao cho hãng SAUDIA vì ý tưởng tương lai và nổi bật. Các giải thưởng sáng tạo khác đã được trao cho Cơ quan văn hóa và du lịch Abu Dhabi, Jumeirah International, Ishraq International và TBS/Vbooking.

ATM 2022 bao gồm các hoạt động giao lưu, tham quan hội chợ và các phiên trao đổi trực tiếp diễn ra trong 4 ngày, do Sheikh Ahmed bin Saeed Al Maktoum, Chủ tịch Cơ quan hàng không dân dụng Dubai, Chủ tịch sân bay Dubai, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Emirates Airline và Chủ tịch Tập đoàn Dubai World chủ trì khai mạc, đã thành công vang dội và tạo hiệu ứng tốt về triển vọng du lịch cho khu vực GCC và Trung Đông nói chung.

(theo ĐSQ Việt Nam tại UAE)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-cho-thi-truong-du-lich-khu-vuc-arab-gioi-thieu-cac-y-tuong-moi-cho-nganh-du-lich-hau-covid-19-184394.html