Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP năm 2020

Chiều ngày 19-10, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu về Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020.

Hội chợ được tổ chức từ ngày 5 đến 9-11, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội với quy mô 150 gian hàng nhằm tôn vinh, quảng bá các làng nghề, phố nghề truyền thống, độc đáo khắp cả nước, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công, qua đó nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Hội chợ có các gian hàng được phân chia thành các khu: Trưng bày tôn vinh làng nghề truyền thống: mỹ nghệ kim hoàn (vàng, bạc, đồng, khảm tam khí); gốm sứ, pha lê thủy tinh; điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa và các chất liệu khác… Trưng bày, tôn vinh các sản phẩm OCOP được các địa phương đánh giá, xếp hạng 4 sao và sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao. Trưng bày và tôn vinh các sản phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Khu gian hàng của các tỉnh, thành phố, trưng bày, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong cả nước, các sản phẩm làng nghề chủ lực, sản phẩm OCOP; Sản phẩm nông sản an toàn đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điểm đặc biệt, hội chợ có khu thao diễn tay nghề (8 gian hàng): nghệ nhân thao diễn tại chỗ các nghề: gỗ, thêu, dệt lụa, nón lá, gốm, đồng…

 Toàn cảnh buổi họp báo chiều ngày 19-10.

Toàn cảnh buổi họp báo chiều ngày 19-10.

Cũng tại hội chợ lần này, Ban tổ chức còn tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020, nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Qua đó, tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hoi-cho-lang-nghe-va-san-pham-ocop-nam-2020-641348