Hội An và Google Doodles

Ngày 16/7 vừa qua, thành phố Hội An của Việt Nam, đô thị cổ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 4/12/1999, lần đầu tiên xuất hiện trên Google Doodles tại địa chỉ google.com.vn.

Người dùng ở Việt Nam khi truy cập vào trang chủ Google (Google.com) sẽ thấy ngay hình ảnh chùa Cầu, biểu tượng của Hội An rực rỡ dưới đêm trăng tròn. Bên dưới là dòng sông với những chiếc đèn hoa đăng đầy màu sắc.

Bạn biết đấy, các công ty như Google sống bằng nguồn tiền quảng cáo. Google Doodles, biểu tượng hiện ra mồn một trước mắt hàng triệu người nhiều lần trong ngày có thể coi như một một chiếc kẹo thơm quyến rũ mà vô số công ty muốn… chén. Thế nhưng, bạn có tin được không, không tiền nào có thể mua được Google Doodles. Nói thế để thấy rằng được xuất hiện trên Google Doodles là một vinh dự rất lớn.

Nhưng Doodle là gì chứ? Đó là một dạng nghệ thuật đơn giản, kiểu “ngồi buồn vẽ một bông hoa”. Bạn có thể tạo ra doodle bằng bút chì, bút bi, phấn bảng trên nền giấy vở, trong sổ tay, trên khăn ăn hay thậm chí là vỏ bao thuốc lá.

Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com, vừa để làm vui mắt người sử dụng “công cụ tìm kiếm vĩ đại”, vừa là một cách chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Google Doodle đầu tiên là để vinh danh Lễ hội Burning Man năm 1998, do chính Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập Google thiết kế. Các Google Doodle tiếp theo được thiết kế bởi một nhà thầu bên ngoài. Năm 2000, thực tập sinh Dennis Hwang được giao thiết kế một biểu tượng cho Ngày Bastille (ngày 14 tháng 7, ngày kỷ niệm sự kiện chiếm ngục Bastille trong thời kỳ Cách mạng Pháp, cũng chính là ngày Quốc khánh Pháp). Thế rồi từ đó trở đi, một nhóm nhân viên của Google có biệt danh "Doodlers” chịu trách nhiệm thiết kế Doodles.

Ban đầu, các Doodle chỉ đơn giản là các hình ảnh tĩnh, dần dần đã tăng lên cả về tần suất xuất hiện lẫn độ phức tạp. Tháng 1/2010, Doodle động đầu tiên đã được tải lên nhằm vinh danh Isaac Newton. Người sử dụng sau đó còn có thể tương tác với Doodle, thậm chí chơi trò chơi với Doodle. Chẳng hạn, năm 2012, để kỷ niệm Alan Turing, một nhà toán học, mật mã học và logic học người Anh, Google đã cập nhật trên trang chủ của mình một Doodle mô phỏng phát minh của ông, chiếc máy Turing, để tạo ra một trò đố vui giới thiệu với người chơi những khái niệm cơ bản nhất về lập trình và ngôn ngữ hệ nhị phân… Một Doodle dưới dạng video đầu tiên thì được “trình làng” để kỷ niệm sinh nhật thứ 122 của Charlie Chaplin. Doodle này là một đoạn video trắng đen trên YouTube. Video sẽ chạy khi nhấn chuột vào và sau đó điều hướng đến trang tìm kiếm của Google dành cho dịp đặc biệt này.

Một biểu tượng nhỏ mà vô cùng thú vị, phải không bạn?

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hoi-an-va-google-doodles-108372.html