Hồi âm loạt bài: Xây 'thành trì lòng dân' ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn'

Đồng chí SIN H'PHIẾT, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai:

Không để cán bộ và người dân bất đồng ngôn ngữ

Việc “nói cho dân hiểu” và “hiểu dân nói gì” ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) quả là bài toán không hề đơn giản đối với đội ngũ cán bộ. Bởi lẽ, làm được điều đó, không chỉ ở việc cán bộ hiểu dân, gần dân, sát dân, mà quan trọng hơn là cán bộ phải sử dụng được ngôn ngữ của đồng bào bản địa.

Trong sự việc diễn ra vào năm 2001, cũng có không ít tổ công tác về tận buôn làng để thực hiện “3 cùng”. Thế nhưng, vì không biết tiếng bản địa nên cán bộ nói dân không nghe, không hiểu và cũng chẳng biết dân nói gì với nhau. Thậm chí, cán bộ “nằm” trong nhà dân, buổi tối còn ngồi trò chuyện với dân, nghe dân bàn tán xôn xao, còn hùa theo để tạo không khí vui vẻ. Nào ngờ, đến sáng sớm, họ ới nhau đi biểu tình, vượt biên mà cán bộ vẫn không hề hay biết. Thì ra, buổi tối hôm trước đó, họ rủ nhau đi biểu tình, đi vượt biên ngay trước mặt cán bộ. Và vì không biết tiếng bản địa, nên cán bộ chẳng khác gì người bị "điếc".

Nắm rõ thực tế đó, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo tiếng đồng bào DTTS cho đội ngũ cán bộ; phát động các phong trào tự học sâu rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành. Thế nhưng, công bằng mà nói, cho đến nay, phần việc này xem ra vẫn cần được tiếp tục đổi mới quyết liệt cả về thái độ lẫn phương thức tiến hành.

Đồng chí Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (ngoài cùng, bên trái) vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TRUNG HIẾU

Đồng chí Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (ngoài cùng, bên trái) vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo tôi, việc học tiếng đồng bào DTTS cần phải được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ và thường xuyên hằng năm; có thi cử, cấp chứng chỉ; tổ chức đi thực tế, trải nghiệm ở vùng đồng bào DTTS để cán bộ thực hành giao tiếp tiếng bản địa. Cùng với đó, việc luân chuyển cán bộ về cơ sở, đến công tác ở các vùng đồng bào DTTS cần được tiến hành bài bản, nhất quán. Hằng năm, việc đánh giá chất lượng cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS cần quan tâm đến tiêu chí về khả năng giao tiếp tiếng đồng bào địa phương. Đặc biệt, trong tuyển chọn, thi tuyển cán bộ vào hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, ngoài các tiêu chí chung, cần áp dụng tiêu chí về khả năng giao tiếp tiếng đồng bào DTTS. Giải pháp này tuy khó thực hiện “một sớm, một chiều”, nhưng tất yếu phải triển khai, nếu không muốn tiếp diễn tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ với người dân, tạo rào cản lớn đối với nỗ lực đổi mới phong cách công tác theo hướng sát dân, gần dân cho đội ngũ cán bộ các cấp.

* TS TRẦN HUY NGỌC, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên):

Tháo “điểm nghẽn” trong đào tạo nhân lực cho Tây Nguyên

Theo dõi loạt bài “Xây “thành trì lòng dân” ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn” trên Báo Quân đội nhân dân, tôi nhận thấy: Vấn đề đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) và nguồn nhân lực cho thị trường lao động ở Tây Nguyên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực quản lý điều hành, trình độ chuyên môn, tay nghề lao động... được đặt ra là rất xác đáng. Tôi cho rằng, đây là vấn đề chịu tác động trực tiếp từ công tác giáo dục-đào tạo. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo vùng Tây Nguyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong vùng đồng bào DTTS là vấn đề căn bản, lâu dài, thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Để làm được điều đó, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo cho toàn vùng mà yêu cầu tiên quyết là phải nâng cao được chất lượng ở mọi cấp học, bậc học. Cần chú trọng đầu tư xây dựng một số trường đại học, cao đẳng thực sự có chất lượng, đào tạo những chuyên ngành sát với đặc thù về vị trí địa lý, kinh tế-văn hóa-xã hội của vùng; sát với nhu cầu của thị trường lao động và đón bắt được xu thế. Có như vậy mới “đồng bộ hóa” được trình độ năng lực với yêu cầu công việc, vị trí việc làm và xây dựng được nguồn nhân lực đã qua đào tạo có chất lượng.

Thẳng thắn mà nói, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi để đào tạo được một sinh viên đại học là người DTTS vốn gặp không ít vất vả, khó khăn; thế nhưng, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay vẫn còn tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp với số lượng lớn... Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu rất cấp thiết, đòi hỏi cơ quan chức năng phải “chụm đầu lại” để khảo sát, phác họa "bức tranh tổng thể", đề xuất chủ trương, giải pháp xử lý, giải quyết hiệu quả nhất có thể. Làm được như vậy cũng chính là “tiến một bước dài” trong thực hiện chính sách dân tộc; vừa tận dụng, phát huy nguồn nhân lực tại chỗ và giải quyết một phần bài toán thiếu hụt cán bộ ở cơ sở là người bản địa.

Đại diện cấp ủy, chính quyền và LLVT huyện Chư Pưh (Gia Lai) gặp gỡ, động viên anh Siu Nguyên (thứ hai, từ trái sang) - một người từng vượt biên, nay đã trở về với cộng đồng.

* Trung tá, TS PHẠM NGỌC NHÂN, Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Hậu cần):

Hai đề xuất về công tác cán bộ dân tộc thiểu số

Tôi bày tỏ sự nhất trí rất cao với những đề xuất về công tác cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên được Báo Quân đội nhân dân đề cập qua loạt bài vừa đăng tải từ ngày 12 đến 16-12. Ở đây, dưới góc độ của người nghiên cứu khoa học, tôi xin chia sẻ hai kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, chủ trương về việc thực hiện bí thư cấp ủy không phải là người địa phương là hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa rất lớn và hiện được nhiều địa phương vận dụng. Thế nhưng, theo tôi, trên địa bàn Tây Nguyên, đối với các địa bàn trong vùng đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao thì bí thư huyện ủy, bí thư đảng ủy xã nên có bước cân nhắc thật kỹ; nên chăng cần ưu tiên là người địa phương, thậm chí là cán bộ DTTS để công tác lãnh đạo, quản lý thuận lòng dân, tiện cho việc phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ được luân chuyển từ nơi khác về nhưng vì không tường văn hóa địa phương, không biết nói tiếng bản địa... nên gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, quản lý mà không thể khắc phục “một sớm, một chiều”, ảnh hưởng đến công tác chung.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị trên địa bàn đa dân tộc thì việc phát huy vai trò cán bộ DTTS là giải pháp hết sức quan trọng. Thế nhưng, hiện nay việc xây dựng đội ngũ cán bộ này gặp vô vàn khó khăn; trước hết do trình độ không đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về cán bộ, công chức nên không thể tuyển chọn vào bộ máy nhà nước. Cùng với đó, trong nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh DTTS thi đỗ đại học không cao; dẫn đến không có nguồn kế cận, kế tiếp cán bộ tại địa phương, buộc phải tuyển chọn từ nơi khác. Đặc biệt, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì chính đội ngũ cán bộ DTTS lại có nhiều nguy cơ trở thành đối tượng tinh giản do những tiêu chí khắt khe theo quy định. Chính vì vậy, tôi mong muốn cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, hoàn chỉnh các chế độ, chính sách về công tác cán bộ đối với đồng bào DTTS; ưu tiên diện cử tuyển, lấy điểm thấp hơn điểm chuẩn đối với học sinh DTTS khi thi vào các trường đại học, trường chuyên nghiệp...

* Đồng chí NAY HỨ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai:

Cán bộ gần dân thì dân no ấm

Loạt bài “Xây “thành trì lòng dân” ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn” đã nêu rõ tác hại của tình trạng xa dân và khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc nêu gương sát dân, gần dân của người đứng đầu mỗi cấp.

Trong quá trình công tác, tôi được tiếp xúc với nhiều cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh. Một cán bộ khiến tôi cảm phục, học tập và làm theo đó là đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (nay là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum). Khi còn ở Gia Lai, đồng chí liên tục về với các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, như: Xã Chư A Thai (Phú Thiện); làng Pyầu, xã Lơ Pang (Mang Yang); xã Hà Tây (Chư Păh); xã Chơ Long (Kông Chro); xã Ia Mơr (Chư Prông); xã Ia Nan (Đức Cơ); xã Ia O (Ia Grai)... Tại những nơi này, đồng chí đã ở lại qua đêm, cùng ăn, cùng ở, cùng đốt lửa nói chuyện truyền thống với bà con và cũng là để đối thoại với dân.

Ngày trước, bà con ở làng Plei Pông (Chư A Thai, Phú Thiện) sống chủ yếu dựa vào phương thức canh tác lạc hậu, tự cấp, tự túc, nên nhiều hộ thiếu đói. Khi cấp ủy, chính quyền ở đây đang loay hoay tìm hướng thoát nghèo thì đồng chí Dương Văn Trang đến thăm và định hướng bà con cùng chung sức, chung đất làm cánh đồng mía mẫu lớn. Với phương thức canh tác hiện đại, bà con tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, giảm ngày công lao động, năng suất đạt gần 100 tấn mía cây/ha. Cùng với đó, đồng chí còn đến khảo sát và chỉ đạo triển khai nhân rộng một số cánh đồng mía mẫu lớn, như: Chrô Pơnan, Ia Sol và Bình Trang 2... với nhiều chính sách đầu tư mới, thuận lợi cho bà con.

Đến thăm và kiểm tra địa phương nào, đồng chí Dương Văn Trang cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo “hướng về cơ sở, hướng về cuộc sống của người dân”. Dân no ấm, địa bàn ổn định là điều kiện để phát triển kinh tế. Xác định các giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của từng vùng, như: Hồ tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa; cà phê, cao su ở Chư Prông, Đức Cơ; cây mía, mì, lúa ở các huyện phía đông... nhằm tạo được sự cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bác Hồ từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Do vậy, khi người đứng đầu luôn hướng về cơ sở, sát với dân sẽ có sức mạnh nêu gương to lớn, giúp cả hệ thống chính trị đồng lòng học theo, làm theo để xứng đáng là những công bộc của dân.

* Đồng chí VÕ QUANG THẠCH, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Long (Quảng Ngãi):

Coi trọng chăm lo, vinh danh cán bộ địa phương

Tôi nhất trí với đề xuất của loạt bài “Xây "thành trì lòng dân" ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn” là phải chăm lo thiết thực hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên.

Chúng ta biết rằng, cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên phần lớn xuất thân từ các miền quê khác nhau trong cả nước. Về với Tây Nguyên là sống xa quê hương, bắt tay làm lại từ đầu; cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi nên gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí, có những cán bộ cơ sở công tác đã mấy chục năm nhưng nhà cửa vẫn đơn sơ, gia cảnh nghèo khó. Nhiều cán bộ tham gia công tác đúng nghĩa “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, làm việc chỉ vì yêu Tây Nguyên, yêu đồng bào mà gắn bó, phục vụ.

Trước thực tế ấy, tôi cho rằng, Trung ương, Chính phủ, cơ quan chức năng và các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm nhiều hơn về cơ chế, chính sách đối với cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên. Bởi lẽ, khi có điều kiện tốt thì cán bộ mới toàn tâm toàn ý phục vụ đồng bào, không phải băn khoăn “chân trong, chân ngoài”, hay lo toan “cơm, áo, gạo, tiền”.

Có một thực tế nữa là trong thời gian qua, các địa phương ở Tây Nguyên tổ chức rất nhiều hội nghị tôn vinh, gặp gỡ các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, nhưng các hoạt động vinh danh cán bộ cơ sở cấp thôn, xã, thị trấn... chưa được tổ chức nhiều, thậm chí chưa được quan tâm đúng mức.

Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên sớm quan tâm, tổ chức các hoạt động vinh danh cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên. Đây vừa là biện pháp động viên cán bộ, cũng là cách làm cho dân biết, dân hiểu về cán bộ. Điều đó càng cần thiết khi mà hàng vạn cán bộ, nhân viên đã và đang sinh sống, công tác trên khắp các miền quê, bản, làng ở Tây Nguyên với hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn không ngần ngại “nhường cơm, sẻ áo” cùng đồng bào. Họ nhận đỡ đầu, giúp đỡ đồng bào qua các mô hình gắn kết hộ, kết nghĩa anh em; từng bước cảm hóa, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào và các đối tượng từng một thời lầm lỡ; họ lăn xả với địa bàn, hòa vào dân mỗi ngày ở cơ sở... Do đó, họ xứng đáng được vinh danh, ngợi ca!

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hoi-am-loat-bai-xay-thanh-tri-long-dan-o-tay-nguyen-tu-bai-hoc-xuong-mau-den-thanh-qua-to-lon-647003