Hồi âm bài báo 'Sớm điều tra, làm rõ về trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh'

Sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số ra ngày 13-10-2018 đăng bài 'Sớm điều tra, làm rõ về trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh', tòa soạn nhận được nhiều thông tin phản hồi của bạn đọc. Báo QĐND trích đăng một số ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Huệ, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa:

Cần có kết luận cụ thể, rõ ràng

Theo như Báo QĐND phản ánh, các nhân chứng có thời gian cùng hoạt động, công tác với ông Nguyễn Văn Lanh và Phòng PA-25 (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế) đều có văn bản khẳng định: Ông Nguyễn Văn Lanh là cơ sở tình báo nội tuyến của quân đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên trong những năm 1939-1968. Trong khoảng thời gian đó, ông Lanh cung cấp nhiều tin tức, tài liệu quý cho cách mạng. Quá trình công tác, ông Lanh hoạt động đơn tuyến trong hàng ngũ của địch. Do cơ sở của ta không nắm được nên để xảy ra việc xử oan ông Nguyễn Văn Lanh...

Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã tổ chức hội nghị minh oan và có Tờ trình số 1460/TTr-BCH đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy sớm có kết luận về trường hợp của ông Nguyễn Văn Lanh, chỉ đạo Thành ủy Huế và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh xem xét, kết luận cụ thể.

Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công. Với tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhiều trường hợp oan sai cũng đã được minh oan, nhiều trường hợp người có công đã được ghi nhận. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế và các cơ quan chức năng sớm có kết luận cụ thể, rõ ràng đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh.

ĐÀO HỒNG (ghi)

------------------------------------

Đại tá, cựu chiến binh Trà Thanh Lợi, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng:

Tránh bỏ sót người có công

Tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với thân nhân của ông Nguyễn Văn Lanh vì đã phải chờ đợi trong nhiều năm qua. Theo tôi, trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh đã có ít nhất 3 nhân chứng cùng hoạt động, công tác xác nhận bằng văn bản là cơ sở tình báo nội tuyến của quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên những năm 1939-1968; Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã tổ chức hội nghị và kết luận có đủ điều kiện để minh oan, như thế là quá rõ ràng. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì lý do gì mà đến nay Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức đối với gia đình ông Nguyễn Văn Lanh.

Những năm qua, các địa phương và cơ quan chức năng đã tích cực rà soát những trường hợp liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đúng tiêu chuẩn nhưng không còn giấy tờ gốc để công nhận, vinh danh. Công tác này đòi hỏi phải tiến hành theo hướng dẫn thống nhất, chặt chẽ để tránh tiêu cực có thể xảy ra, tuy nhiên không phải vì thế mà rập khuôn, máy móc. Đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh, tôi đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh để có kết luận rõ ràng, tránh bỏ sót người có công.

VĂN CHUNG (ghi)

 Ông Hoàng Minh Cảnh trao đổi về nỗi oan khuất của ông Nguyễn Văn Lanh hơn 40 năm qua. Ảnh: qdnd.vn.

Ông Hoàng Minh Cảnh trao đổi về nỗi oan khuất của ông Nguyễn Văn Lanh hơn 40 năm qua. Ảnh: qdnd.vn.

-------------------------------------------

Ông Hoàng Minh Cảnh, phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế:

Sớm xem xét, có kết luận cụ thể

Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940, cầm súng chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, là thương binh hạng 1/4. Tôi và nhiều đồng đội hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Văn Lanh rất đau lòng trước nỗi oan của anh trong suốt 50 năm qua.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước vui mừng trong niềm vui sum họp thì gia đình đồng chí Nguyễn Văn Lanh phải sống trong cay đắng, tủi hổ. Cả nhà như bị đẩy ra rìa xã hội. Các con anh lớn lên hầu như không được học hành đến nơi đến chốn vì trong lý lịch gia đình có cha bị cách mạng xử lý. Sau năm 1975, gia đình và đồng đội đã kiên trì tìm hiểu, chắp nối và xác minh tương đối rõ về quá trình hoạt động bí mật của đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong giai đoạn 1939-1968. Đến năm 1988, gia đình đã có đủ tài liệu để làm đơn gửi các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị minh oan và giải quyết các chế độ chính sách. Tuy nhiên, cho đến nay, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế chưa trả lời rõ ràng cho gia đình và đồng đội về kết quả giải quyết.

Nay tôi đã 90 tuổi, không biết còn sống được bao lâu nữa. Đến nay, hầu hết các nhân chứng-những đồng đội hoạt động cùng thời với tôi và Nguyễn Văn Lanh đã lần lượt qua đời. Vì vậy, trên cơ sở tài liệu chúng tôi và gia đình cung cấp, đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế sớm xem xét, có kết luận rõ ràng.

THÀNH NAM (ghi)

-------------------------------------------

Cựu chiến binh Hồ Đình Long, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh:

Sự chậm trễ rất đáng tiếc

Là cựu chiến binh có nhiều năm chiến đấu trên chiến trường miền Trung-Tây Nguyên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã từng chứng kiến sự hy sinh của chiến sĩ ta trong muôn vàn tình huống, hoàn cảnh khác nhau, tôi cho rằng, trường hợp của ông Nguyễn Văn Lanh đúng như bài báo đề cập là “bị xử lý nhầm”.

Đã có những nhân chứng, văn bản, hội nghị khẳng định: Ông Nguyễn Văn Lanh là cơ sở tình báo nội tuyến của quân đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên trong những năm 1939-1968 và cung cấp nhiều tài liệu, tin tức quý cho cách mạng. Từ năm 2013, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có tờ trình gửi Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đề nghị sớm có kết luận minh oan cho ông Nguyễn Văn Lanh. Vậy tại sao ông Lanh chưa được minh oan và công nhận liệt sĩ? Đó là một sự chậm trễ rất đáng tiếc.

Theo tôi, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế phải cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng thu thập, làm rõ các thông tin, chứng cứ về quá trình hoạt động của ông Nguyễn Văn Lanh để đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu đúng ông Nguyễn Văn Lanh “bị xử lý nhầm” thì phải chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và giải quyết mọi chế độ theo quy định của Nhà nước.

ANH SƠN (ghi)

---------------------------------

Đại tá Phan Văn Cúc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chỉ huy trưởng về chính trị Vùng 3 Hải quân:

Không để sự việc kéo dài

Sau khi đọc bài “Sớm điều tra, làm rõ về trường hợp ông Nguyễn Văn Lanh” đăng trên Báo QĐND ngày 13-10-2018, tôi thấy lòng mình bao nỗi băn khoăn. Thời chiến tranh, nhiều đồng đội của tôi từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Thế nhưng, thời bình, không ít người trong số họ lại phải gánh chịu bao nỗi nhọc nhằn. Thậm chí có trường hợp bị hiểu lầm, bị oan sai. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, họ vẫn bình thản, lạc quan và lưu lại mãi hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào, đồng đội.

Đối với trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Lanh, anh đã được các nhân chứng hoạt động cùng thời chứng nhận là cơ sở tình báo nội tuyến của quân đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên trong những năm 1939-1968. Trong khoảng thời gian đó, anh cung cấp nhiều tin tức, tài liệu quý cho cách mạng. Quá trình công tác, anh Lanh hoạt động đơn tuyến trong hàng ngũ của địch. Do cơ sở của ta không nắm được nên để xảy ra việc xử lý oan.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công, với tinh thần không bỏ sót đối tượng xứng đáng được hưởng. Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khẩn trương chỉ đạo, xác minh rõ đối với trường hợp anh Nguyễn Văn Lanh, không để sự việc kéo dài.

VĨNH LỘC (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/hoi-am-bai-bao-som-dieu-tra-lam-ro-ve-truong-hop-ong-nguyen-van-lanh-552526