Học viện Quân y thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 31-10, Học viện Quân y (HVQY) tổ chức gặp mặt báo chí, thông tin về ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên ở Bệnh viện Quân y (BVQY) 103. Dự buổi gặp mặt có Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y học.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch chúc mừng thành công của Học viện Quân y

Niềm vui vô bờ của người bệnh

Anh Nguyễn Văn Dũng, 42 tuổi (quê ở Thạch Thất, Hà Nội, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh), có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện, đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn, chiều dài ruột non chỉ còn lại khoảng 80cm. Tình trạng suy chức năng ruột ngày càng nặng dần. Bệnh nhân đã sang Nhật Bản để khám và được tư vấn về ghép ruột. Khi biết HVQY có chương trình ghép ruột, bệnh nhân đã xin vào điều trị tại BVQY 103 (HVQY) từ tháng 5-2020. Bệnh nhân đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài 16 tiếng để cố gắng giữ ruột, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ruột non của anh Dũng dãn mỏng, mất trương lực, thành ruột mủn nát. Sau 2 tháng điều trị, kiểm tra thấy ruột non bệnh nhân không thể co hồi lại được, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị suy ruột không hồi phục, đại tràng rò, không tham gia vào hoạt động tiêu hóa. Bệnh nhân chỉ còn lựa chọn duy nhất để sống là ghép ruột.

Với bệnh lý phức tạp hơn cả anh Dũng, thanh niên Lò Văn Tin, 26 tuổi, dân tộc Thái (ở Bản Đằn, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) bị viêm phúc mạc do hoại tử ruột non, được một bệnh viện phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non, chỉ còn lại gần 20cm. Với người trưởng thành, khi phần ruột non còn lại dưới 20cm thì được gọi là tình trạng ruột cực ngắn và gây tình trạng suy chức năng ruột, phụ thuộc hoàn toàn nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Cuối tháng 9-2020, anh Tin được chuyển về điều trị tại BVQY 103. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột. Nếu không ghép ruột, bệnh nhân sẽ tiếp tục tổn thương dẫn tới mất chức năng gan, khi đó người bệnh cần phải ghép đồng thời cả gan và ruột, sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

 Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY phát biểu tại buổi họp báo thông tin về hai ca ghép ruột vừa qua.Ảnh: NGỌC HÂN.

Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY phát biểu tại buổi họp báo thông tin về hai ca ghép ruột vừa qua.Ảnh: NGỌC HÂN.

Theo chia sẻ của Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY, ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, HVQY đã chỉ đạo BVQY 103 khám, xét nghiệm, đồng thời mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả hai bệnh nhân trên đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, lần đầu tiên trong lĩnh vực ghép ruột, HVQY đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại BVQY 103. Ngày 27-10-2020, các bác sĩ BVQY 103 đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn Tin. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi). Ngay hôm sau (ngày 28-10), ê-kíp trên tiếp tục thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng với người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Hiện nay, sức khỏe của hai người hiến ruột đều ổn định, đã phục hồi nhu động ruột và chuẩn bị ăn uống trở lại. Dự kiến trong khoảng một tháng, hoạt động tiêu hóa sẽ hồi phục hoàn toàn. Hai bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, phần ruột ghép bắt đầu hoạt động, có nhu động ruột, không có dấu hiệu thải ghép.

Khẳng định sự lao động sáng tạo của các thầy thuốc chiến sĩ

Để có được thành công của hai ca ghép ruột trên, HVQY đã có một quá trình chuẩn bị tích cực về mọi mặt. Đơn vị đã cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột tại Bệnh viện Đại học Tohoku và đón đoàn chuyên gia của bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép ruột tại học viện. Ngay từ năm 2018, HVQY đã cử hai đợt cán bộ sang học tập tại Bệnh viện Đại học Tohoku và suốt quá trình đó đều có trao đổi thông tin, tham vấn từ các chuyên gia Nhật Bản, đặc biệt là GS Motoshi Wada, một chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về ghép ruột cùng ê-kíp của ông tại Bệnh viện Đại học Tohoku. Tháng 12-2019, HVQY được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”. Chủ nhiệm đề tài là Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết.

Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... HVQY cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột. Chuẩn bị cho hai ca ghép ruột đầu tiên, HVQY đã huy động sự tham gia đông đảo của các nhà chuyên môn, các bộ môn, cơ quan trong học viện, như: Bộ môn Sinh học, Bộ môn Miễn dịch, Bộ môn Giải phẫu..., cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện trong nước, như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các chuyên gia đầu ngành, như: GS Phạm Gia Khánh, GS Nguyễn Khánh Trạch, PGS Nguyễn Tiến Quyết, PGS Nguyễn Xuân Hùng...

Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép ruột cho bệnh nhân. Ảnh: LÊ ĐÌNH TÙNG.

Nhìn lại lịch sử ghép tạng, trên thế giới hiện mới có 19 nước thực hiện thành công các ca ghép ruột. Đến nay, Việt Nam là nước thứ 20 ghi danh vào danh sách các nước ghép ruột trên thế giới. Đây là thành công lớn trong sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam và mở ra cơ hội cho bệnh nhân đang điều trị.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về hai ca ghép ruột sáng 31-10, Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết khẳng định, sau hai ca ghép ruột vừa qua, HVQY sẽ tiếp tục ghép thành công, trong đó hướng đến ghép từ người cho chết não chứ không chỉ ghép từ người cho còn sống. Hiện chưa có con số thống kê về nhu cầu ghép ruột tại Việt Nam nhưng trong vòng hai tháng qua, HVQY đã tiếp nhận hai bệnh nhân cần ghép, cho thấy số lượng bệnh nhân có nhu cầu là không ít. Vì thế thành công lần này của HVQY sẽ mang đến nhiều cơ hội sống hơn cho các bệnh nhân. “Chúng tôi đã huy động lực lượng khoảng 100 bác sĩ, nhân viên chuẩn bị các khâu để thực hiện mỗi ca ghép trong vòng 12 tiếng. HVQY đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức về chuyên môn, kỹ thuật cho các ca ghép tạng trước đây nên không gặp khó khăn gì trong quá trình chuẩn bị cho ca ghép lần này. Ghép ruột so với các tạng khác về kỹ thuật không phải là quá khó nhưng việc lựa chọn bệnh nhân và cách ghép, đặc biệt là nối động mạch, tĩnh mạch, bảo đảm nuôi dưỡng cho ruột ghép... phải có những phân tích, tính toán kỹ lưỡng; khó hơn là việc chỉ định dùng thuốc chống thải ghép, chống nhiễm trùng... Trong số 6 loại tạng quan trọng nhất trong cơ thể cần ghép để cứu sống người bệnh là: Thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột, thì đến nay Việt Nam đều đã chinh phục được. Tới đây, chúng tôi sẽ duy trì và triển khai rộng hơn những thành quả ban đầu đến các cơ sở y tế khác trên cả nước để mang đến nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân hơn”-GS Đỗ Quyết khẳng định.

Còn GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, chia sẻ: Giá trị quan trọng nhất của ghép tạng là cứu sống người bệnh. Lịch sử ghép ruột trên thế giới sau 20 năm mới thành công, còn ở Việt Nam là 28 năm. Thành công hôm nay của HVQY đã chứng minh ghép tạng Việt Nam thực sự đã theo kịp thế giới.

Dự buổi gặp mặt báo chí, Phó đô đốc Phạm Hoài Nam đánh giá cao thành tựu mà HVQY đã đạt được, khẳng định HVQY là cơ sở y tế đầu tiên ghép tạng ở Việt Nam và đến nay, tiếp tục là cơ sở thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu bước phát triển của các bác sĩ ngành quân y nói riêng và y khoa Việt Nam nói chung. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam mong các nhà khoa học, bác sĩ của HVQY tiếp tục cố gắng hơn nữa, đạt được trình độ cao hơn, hợp tác sâu rộng hơn để phát triển các nghiên cứu y khoa phục vụ quân đội và nhân dân ngày một tốt hơn.

Biết tin HVQY thực hiện thành công hai ca ghép ruột cho bệnh nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi lời chúc mừng, động viên các nhà khoa học, các bác sĩ của HVQY.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/hoc-vien-quan-y-thuc-hien-thanh-cong-ca-ghep-ruot-dau-tien-tai-viet-nam-642610