Học viện Biên phòng: 55 năm rèn đức, luyện tài

Tiền thân là Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, Học viện Biên phòng thực sự là 'cái nôi' đào tạo hàng vạn cán bộ, sĩ quan Biên phòng, những người hiến dâng cả tuổi trẻ cho các vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống Học viện Biên phòng (20/5/1963 – 20/5/2018), phóng viên (PV) Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến

PV: Thưa Tư lệnh, là người từng giữ cương vị Phó Hiệu trưởng, Phó Giám đốc Học viện Biên phòng từ năm 2003 đến 2009, đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Biên phòng về những mốc son quan trọng đánh dấu chặng đường phấn đấu vươn lên của Học viện?

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến: Xuất phát từ thực tế tổ chức và nhiệm vụ đòi hỏi của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) lúc bấy giờ, ngày 29-4-1960, Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương ra Quyết định số 83/TW chọn một số cán bộ, thành lập “Khung Tập huấn Trung ương” làm nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng về quân sự, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách đồn, đội cơ động và chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới thành lập khung trường bồi dưỡng cán bộ và đào tạo hạ sĩ quan cho lực lượng.

Đến ngày 30-1-1963, Bộ Tư lệnh lực lượng CANDVT ra Quyết định số 03/QĐ thành lập Trường Sĩ quan CANDVT. Trường Sĩ quan CANDVT được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ sơ cấp, bổ túc cán bộ sơ cấp và trung cấp cho toàn lực lượng, đồng thời, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học biên phòng, công tác chính trị trong huấn luyện chiến thuật biên phòng; công tác chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ trị an, trấn áp phản cách mạng ở biên giới. Ngày 20-5-1963, nhà trường đã tiến hành khai giảng Khóa 1 đào tạo sĩ quan CANDVT. Trong lễ khai giảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự và và phát biểu: “Nhà trường chúng ta là “nền công nghiệp nặng, là lò luyện thép”, mà các đồng chí là những thỏi thép được tôi luyện trong đó. “Lò” có tốt thì “thép” mới tốt. “Thép” có tốt thì mới có công cụ tốt được...”.

Sự kiện lịch sử đó đánh dấu bước phát triển vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP). Đến năm 1977, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhà trường đã được đào tạo sĩ quan CANDVT có trình độ đại học. Đặc biệt, năm 2000, nhà trường được đào tạo Thạc sĩ khoa học Biên phòng; năm 2009, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ khoa học Biên phòng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đó là những mốc son quan trọng đánh dấu chặng đường phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách của từng giai đoạn cách mạng. Từ lúc sơ khai nhỏ bé đến quy mô phát triển như ngày nay; dù trong thời bình cũng như thời chiến; khi tập trung, lúc sơ tán; trực thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, nhà trường vẫn luôn phát huy ý chí và trách nhiệm, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Biên phòng đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giới tuyến.

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ, nhà trường, ngày 2 tháng 12 năm 1992, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ra Quyết định số 30/QĐ-BTL lấy ngày 20 tháng 5 năm 1963 là Ngày Truyền thống của Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng).

PV: Ra đời ngay khi cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đang bước vào thời điểm ác liệt, vậy công tác đào tạo của nhà trường giai đoạn này có gì đặc biệt, thưa đồng chí?

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đây là thời gian công tác huấn luyện đào tạo với yêu cầu rất cao, cường độ rất lớn để đào tạo hàng chục khóa với hàng ngàn cán bộ, sĩ quan, trong đó có hàng trăm đồng chí là con em đồng bào miền Nam với bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và kỹ năng chiến đấu cao đáp ứng cho chiến trường. Đồng thời, nhà trường cử hàng trăm cán bộ, giáo viên tăng cường vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu và nghiên cứu thực tế phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Nhiều đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công như các đồng chí Nguyễn Kim Vang, Hồ Phòm, nguyên là học viên Đại đội Sao Đỏ, đồng chí Võ Đại Huệ, Lục Viễn Tài, nguyên là giáo viên khoa Quân sự đã dũng cảm chiến đấu mở đường máu giải thoát cho đồng đội trong vòng vây của địch và anh dũng hy sinh. Các đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

PV: Vâng, là “chiếc nôi” đào tạo cán bộ, sĩ quan cho lực lượng, Học viện Biên phòng đã có những bước đi như thế nào trong sự nghiệp “trồng người” của mình?

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp tục phát huy thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhà trường tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với phương châm giáo dục “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, sát với tình hình thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP trên các tuyến biên giới.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sĩ quan Biên phòng có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; nhà trường còn mở rộng liên kết với Bộ Công an, đào tạo cán bộ con em đồng bào các dân tộc, học viên quân sự quốc tế và nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, học viện đang đào tạo 26 loại hình khác nhau bao gồm: Đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo theo chức danh và bồi dưỡng nghiệp vụ...

Cùng với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, học viện đã thường xuyên quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, khảo sát, tổng kết thực tiễn hoạt động bảo vệ biên giới, từ thực tiễn kinh nghiệm công tác đào tạo. 55 năm qua, Học viện Biên phòng đã nghiên cứu 581 đề tài khoa học, trong đó: 1 đề tài cấp Nhà nước đạt loại xuất sắc; 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước; 10 đề tài cấp Bộ; 44 đề tài cấp Ngành; 524 đề tài cấp Cơ sở và hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học của học viên.

Đặc biệt, từ năm 2014 trở lại đây, Học viện đã gửi các đề tài khoa học của học viên dự thi và đã đạt giải cao ở Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có 8 công trình giải Nhì, 14 công trình giải Ba, 40 đề tài đạt giải Khuyến khích. Tại Lễ kỷ niệm 15 năm phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội, Học viện Biên phòng là một trong 15 đơn vị trong toàn quân được Hội đồng giải thưởng tặng Cờ đơn vị xuất sắc 15 năm phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội (1999-2015). Ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng, nhà trường được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ an ninh Biên phòng giúp bạn Lào, đồng thời, cử giáo viên sang huấn luyện trực tiếp tại nước bạn Lào.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường từ buổi ban đầu chỉ hơn hai chục người, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nay đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, hầu hết cán bộ giảng dạy của nhà trường đều có trình độ đại học và sau đại học; trong đó, hơn 220 thạc sĩ, 47 tiến sĩ, 13 Phó Giáo sư, hàng trăm đồng chí đang học cao học và nghiên cứu sinh tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. 17 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, hơn 400 đồng chí được tặng thưởng Huy chương, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.

55 năm qua, Học viện Biên phòng đã đào tạo được hơn 2 vạn cán bộ, sĩ quan Biên phòng. 100% học viên tốt nghiệp ra trường đều vui vẻ, phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc; nhiều đồng chí đã gắn bó cả cuộc đời mình với biên cương xa xôi hẻo lánh, vượt lên gian khổ và trưởng thành. Trong đó, có hơn 3 nghìn cán bộ, sĩ quan là con, em các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới. Nhiều đồng chí sĩ quan ra trường đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương giao giữ những cương vị chủ chốt ở nhiều cơ quan, ban, ngành trong và ngoài lực lượng, trở thành đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú...; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...

PV: Thưa đồng chí, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cần có định hướng chiến lược về công tác đào tạo cán bộ của Học viện Biên phòng trong thời gian tới như thế nào, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng trong tình hình mới?

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến: Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi Học viện Biên phòng phải nỗ lực phấn đấu cao hơn. Học viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ; tập trung "đào tạo ra đội ngũ cán bộ toàn diện có lý tưởng cách mạng, ý chí chiến đấu, nghị lực, phẩm chất đạo đức và lòng yêu nước, giỏi về thực hành, sắc bén về lý luận", có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu của BĐBP. Nhằm phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu Học viện thực hiện tốt mấy vấn đề sau:

Một là, Học viện Biên phòng cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của lực lượng BĐBP... Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về giáo dục - đào tạo; Nghị quyết số 29-NQ/TU Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế"; Nghị quyết 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới.

Hai là, tập trung nghiên cứu ứng dụng mô hình “Nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tư duy sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên, nhất là năng lực ứng dụng kiến thức và kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề thách thức của thực tiễn trên các tuyến biên giới, vùng biển, đưa ra ý tưởng, giải pháp mới. Khâu then chốt là xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy, học. Coi trọng kết hợp truyền thụ kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm trong xây dựng và chiến đấu của BĐBP, nhằm đào tạo những cán bộ có đủ phẩm chất, kiến thức năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục, đào tạo.

Ba là, phấn đấu xây dựng Học viện Biên phòng thực sự chính quy, mẫu mực. Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”. Tổ chức tốt các phong trào thi đua Quyết thắng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động của Học viện.

Bốn là, tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ đoàn kết gắn bó chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ quan, đơn vị ở địa bàn đóng quân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn. Tiếp tục nhân rộng mô hình giao lưu, kết nghĩa để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức thực tế sinh động với Biên phòng các tỉnh, thành phố.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Mai (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoc-vien-bien-phong-55-nam-ren-duc-luyen-tai/