Học và làm theo lời Bác cho cuộc sống thêm tươi đẹp

'Thông qua những câu chuyện kể về người thật, việc thật sẽ giúp tuyên truyền, lan tỏa những việc làm tốt có ý nghĩa cho xã hội. Cuộc thi giúp tôi nâng cao sự hiểu biết, thấy mình cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để làm tốt công tác chuyên môn.'

Cô giáo Đàng Thị Thỏa bên các học trò.

Cô giáo Đàng Thị Thỏa bên các học trò.

Đó là chia sẻ chân tình của Cô giáo Đàng Thị Thỏa, giáo viên trường TH&THCS Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, chủ nhân giải Khuyến khích cuộc thi với tác phẩm “Đồng chí Thắm làm theo lời Bác”.

Cảm phục người đồng nghiệp tâm huyết

Cô Thỏa tâm sự rằng, từ nhỏ cô đã mơ ước trở thành cô giáo và theo đuổi để thực hiện ước mơ đó. Hiện tại tôi đã công tác, giảng dạy được 17 năm.

Khi được biết về cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phát động bản thân đã rất tâm đắc và lựa chọn viết về người hiệu trưởng công tác tại một trường THCS thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Sự tận tình, yêu nghề, mến trẻ của chị đã giúp các thế hệ học trò “chân lấm lem bùn đất, môi thâm tím vì giá rét của mùa đông” đã đến được với cái chữ, them cơ hội thực hiện những ước mơ hay chí ít cũng sẽ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những việc làm hàng ngày của chị dù lớn hay nhỏ đều hướng tới một mục đích giúp các em học sinh vùng khó khăn được đén trường và có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, xây dựng một tập thể sư phạm đoàn kết vững mạnh. Chính vì vậy luôn được đồng nghiệp ủng hộ, học tập và làm theo. Đó cũng chính là lí do thôi thúc tôi viết về chị, để lan tỏa những việc làm tốt, giúp ích cho cuộc sống của những người dân thôn quê, những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Thắm - nhân vật chính trong tác phẩm “Đồng chí Thắm làm theo lời Bác”

Nhân vật chính của tác phẩm kể về nữ Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Thắm sinh năm 1979, công tác tại trường PTDTBT THCS Minh Phát huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Chi sinh ra và lớn lên ở Tràng Định, Lạng Sơn. Năm 2008 chị nhận quyết định đến xã Minh Phát (nay là xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình) công tác, đây là một xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện hơn 20km, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, các em học sinh phải vượt cả chục ki-lô-met đường rừng để đến lớp.

Đặc biệt, những ngày mùa đông giá rét nhìn đôi chân thâm tím và những chiếc áo mỏng manh trên người của các em làm chị càng thêm xót xa. Bằng tình thương, sự nhiệt huyết của mình chị đã vận động các em ở xa đến ở tại trường thực hiện bán trú dân nuôi. Suốt 10 năm nhìn cảnh các em học sinh chỉ ăn cơm với muối, gừng, ngủ trong ngôi nhà trình tường ẩm mốc, đã làm chị vô cùng trăn trở và quyết tâm xây dựng Nhà trường trở thành trường PTDTBT để Nhà nước đầu tư chỗ ăn chỗ ngủ cho các em.

Tuy là một người lãnh đạo nhưng chị vẫn luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học như: chị lên lớp dạy học theo phương pháp “bàn tay nặn bột”, hay dạy học theo hướng “nghiên cứu bài học” để đồng nghiệp dự giờ rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó chị luôn gần gũi, quan tâm động viên, khích lệ học sinh, đồng nghiệp kịp thời tạo môi trường dạy – học thân thiện và đoàn kết.

Những cố gắng không ngừng của chị đã giúp trường PTDTBT THCS Minh Phát trở thành một điểm sáng của ngành giáo dục huyện Lộc Bình. Chị chính là tấm gương tiêu biểu học và làm theo lời Bác trong ngành giáo dục, xứng đáng với sự tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và nhân dân.

Gạn đục khơi trong bằng những việc làm thiết thực

Cô giáo Thỏa chia sẻ: Tôi nhận thấy đây là một cuộc thi nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh rất nhiều những tấm gương sáng trong ngành GD, thì đâu đó vẫn có những cá nhân còn chưa thật tốt…

Để việc giáo dục đạo đức học sinh có hiệu quả tốt nhất cần cho học sinh được thấy những việc làm tốt từ các thầy, cô giáo. Chính vì vậy, bản thân cô luôn cố gắng làm gương trước học sinh về lời nói, việc làm để học sinh học tập và noi theo.

“Học và làm theo gương Bác không phải từ những việc làm ở đâu quá cao xa mà ngay trong suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày của bạn. Việc học tập và làm theo Bác phải thường xuyên, liên tục ở tất cả ngóc ngách của cuộc sống. Ở nơi đâu có sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Bác thì ở nơi đó mọi người sẽ có niềm tin, có sự quan tâm, chia sẻ và luôn nỗ lực hết mình để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.”, cô Thỏa tâm sự.

“Học và làm theo gương Bác không phải từ những việc làm ở đâu quá cao xa mà ngay trong suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày của bạn. Việc học tập và làm theo Bác phải thường xuyên, liên tục ở tất cả ngóc ngách của cuộc sống. Ở nơi đâu có sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của Bác thì ở nơi đó mọi người sẽ có niềm tin, có sự quan tâm, chia sẻ và luôn nỗ lực hết mình để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.” - Cô giáo Đàng Thị Thỏa.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/hoc-va-lam-theo-loi-bac-cho-cuoc-song-them-tuoi-dep-re4FebOMR.html