Học trực tuyến tại ĐBSCL: Cần chung tay, chung sức, chung lòng...

Để việc dạy và học trực tuyến tại các tỉnh ĐBSCL được thuận lợi, rất cần có sự chung tay của các bậc phụ huynh.

Như VOV.VN đã phản ánh những khó khăn trong việc tổ chức dạy và học trực tuyến tại các tỉnh ĐBSCL, như: trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế; ; hạ tầng mạng không đảm bảo dễ dẫn đến tình trạng“dạy cho có, học cho qua”.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Làm thế nào để các địa phương trong vùng đang thực hiện tháo bớt những khó khăn trong công tác dạy và học trực tuyến. Nhiều người cho rằng, rất cần có sự chung tay của các bậc phụ huynh.

Ngay sau khi có chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào về việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid – 19, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tinh giảm kiến thức và đôn đốc các địa phương, các trường tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Tại huyện Mỹ Xuyên, các trường đã triển khai thực hiện dạy trực tuyến trên Internet nhưng vấn đề học sinh không đủ trang thiết bị để học, học sinh lên lớp không đủ vẫn rất nan giải.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mỹ Xuyên thực hiện cho những em không có thiết bị điện thoại thông minh, máy vi tính học theo lịch của Bộ Giáo dục trên truyền hình. Tuy vậy, cũng chỉ khoảng 70% các em học sinh tiếp cận được.

Phòng cũng khuyến khích các em học sinh không có thiết bị có thể tham gia học cùng bạn ở gần nhà và phải đảm bảo phương án phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng rất khó để đảm bảo các em học đầy đủ. Chính vì vậy, khi trở lại học trên lớp, việc ôn tập lại những kiến thức trọng tâm cho các em sẽ được tính đến.

“Còn phương hướng tới thì khi nào qua tình hình dịch bệnh, các em được đi học trở lại thì phải bồi dưỡng cho các em thêm, những số mà các em chưa được tiếp cận, nếu không sẽ bị chênh lệch kiến thức giữa những em được tiếp cận và không được tiếp cận”, cô Võ Huỳnh Anh, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mỹ Xuyên chia sẻ.

Cần sự quan tâm của phụ huynh để đảm bảo các em học sinh tham gia học trực tuyến đầy đủ.

Đồng quan điểm này thầy Võ Văn Thử, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Thới Bình (thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết, các lớp học trực tuyến trường tổ chức chỉ có trên 70% học sinh tham gia học.

Vấn đề này đặt ra việc, bắt buộc nhà trường phải củng cố lại kiến thức khi học sinh trở lại trường. Nhưng sẽ có nhiều trường không đủ phòng học để thực hiện học trái buổi như trường THPT Thới Bình nên cần nhất vẫn là làm sao để các em lên lớp đủ.

Tuy nhiên, học trực tuyến lại có một sự tự do nhất định nên cả giáo viên và học sinh dễ dẫn đến lơ là. Để đảm bảo việc dạy tốt, nhà trường đã quán triệt và tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của giáo viên trong công tác dạy trực tuyến.

Nhà trường cũng sẽ lắng nghe những ý kiến phản hồi từ phụ huynh và học sinh về các tiết học trực tuyến để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Còn trong việc học trực tuyến vai trò của giáo viên chủ nhiệm cực kỳ quan trọng.

Các thầy cô sẽ là “sợi dây liên lạc” giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để truyền tải nhanh và hiệu quả nhất các kế hoạch học tập. Ngoài ra, phải đảm bảo công tác hỗ trợ, kiểm tra và giám sát để đảm bảo chất lượng.

Cũng theo thầy Thử, điều tiên quyết của việc đảm bảo chất lượng nằm ở việc học sinh phải tham gia học. Trong việc này, ngoài vai trò của giáo viên chủ nhiệm thì các bậc phụ huynh đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì các em học tại nhà. Ai cũng biết, do dịch covid-19 phức tạp nên buộc phải học trực tuyến. “Vì sự nghiệp trồng người”, nhà trường gặp khó nhưng sẽ thực hiện được, các bậc phụ huynh cũng cần chung tay quan tâm, đốc đốc các em học tập để đảm bảo kiến thức.

“Dịch bệnh diễn ra bất ngờ để đáp ứng tình hình thì giảng dạy trực tuyến là phương pháp tối ưu. Đây là việc bất ngờ, bị động nhưng dù sao đi nữa thì các trường cũng phản ứng kịp. Tức là cơ sở hạ tầng mặc dù mình còn yếu nhưng dù sao thời gian qua công nghệ thông tin ở nước ta phát triển rồi. Việc dạy học trực tuyến có khó khăn nhưng chúng tôi thực hiện được”, thầy Võ Văn Thử chia sẻ.

Tỉnh Cà Mau đang áp dụng phương pháp soạn giảng và giao bài tập để các học sinh không thể học trực tuyến củng cố kiến thức.

Nhằm đảm bảo hiệu quả cho việc triển khai dạy học trực tuyến, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau đã song song thực hiện cả dạy cả trên Internet và truyền hình. Hiện Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức giảng dạy.

Để đảm bảo các em học hiệu quả, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn bắt buộc phải cùng tham dự giờ học trên đài truyền hình với học sinh. Sau đó, hướng dẫn học sinh của mình thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong các giờ học được tổ chức, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, chấm bài tập cho các em.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn trong việc học trên Internet ngành Giáo dục Cà Mau cũng đã triển khai đa dạng phương pháp học. Ngoài việc dạy trên các phần mềm dạy và học trực tuyến, hình thức học bằng cách tạo nhóm Zalo, Facebook hoặc các mạng nội bộ của trường để giáo viên và học sinh cùng trao đổi kiến thức và tự học cũng được áp dụng.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh tại ĐBSCL, một thực tế không thể phủ nhận tại Cà Mau là điều kiện học tập của các em có sự chênh lệch giữa các khu vực vùng sâu, vùng xa và thành thị. Để khắc phục “khiếm khuyết” này, các trường sẽ tiến hành giảng dạy cho học sinh thông qua hình thức soạn giảng, giao bài tập đến từng học sinh.

“Chất lượng học sinh có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Nắm tình hình này, chúng tôi đã có chủ trương dạy trực tuyến cho học sinh với nhiều phương pháp. Nếu nơi nào có điều kiện thuận lợi thì dạy trên online, các mạng. Còn nơi nào học sinh không đủ điều kiện kết nối mạng, điện thoại thông minh thì sở chỉ đạo các trường, để giáo viên định hướng ôn tập học sinh thông qua việc soạn giảng và giao bài tập cho học sinh. Trong thời gian đó thì tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh”, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau nói.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là cần thiết. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các địa phương, các trường tại vùng ĐBSCL vẫn đang nỗ lực thực hiện để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, một thực trạng rất nan giải là số lượng học sinh tham gia học trực tuyến luôn thấp ở mức báo động.

Trong vấn đề này, không chỉ cần sự quan tâm của các cấp ngành, các thầy cô mà các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, đôn đốc con em mình học tập để đảm bảo kiến thức./.

Thạch Hồng-Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoc-truc-tuyen-tai-dbscl-can-chung-tay-chung-suc-chung-long-1037357.vov