Học trò trường làng lập trình robot điều khiển bằng smartphone

'Mang công nghệ 4.0 về cho trò nghèo', đó là tâm nguyện của các thầy cô giáo trường tiểu học Thụy Sơn (Thái Bình) khi giúp học sinh chế tạo robot điều khiển bằng smartphone.

Học trò cấp 1 trường làng thi lập trình robot Học sinh trường tiểu học Thụy Sơn (tỉnh Thái Bình) đang tập lập trình robot để chuẩn bị cho cuộc thi STEM 2018 với đề bài "Xe tăng húc đổ cổng dinh độc lập".

Học sinh trường tiểu học Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang tập lập trình robot để chuẩn bị cho Ngày hội STEM huyện Thái Thụy năm 2018.

Không chỉ là đồ chơi

Từ vạch xuất phát, xe tăng vượt qua dãy nhà kho có vách 2 bên, đi men theo dải đường dích dắc, vượt qua cầu rồi chuyển sang chế độ lái tự động. Dưới gầm xe có mắt cảm ứng để dò đường tự động theo dải màu. Vượt qua đoạn đường hình sin, xe tăng húc qua cổng và thả cờ tại "dinh Độc Lập".

Chủ nhân những sản phẩm robot này là nhóm học sinh lớp 5 trường tiểu học Thụy Sơn, Thái Bình. Để thiết kế sản phẩm, các em phải có óc sáng tạo và kiến thức về lập trình.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Chanh - hiệu trưởng trường tiểu học Thụy Sơn - cho biết học sinh của trường chế tạo robot chuẩn bị cho cuộc thi Robotics của huyện Thái Thụy. Năm nay là năm đầu tiên trường tham dự với 3 sản phẩm robot.

Mới nhìn qua sản phẩm, nhiều người tưởng đây chỉ là những món đồ chơi Trung Quốc được tái chế. Thực tế, học sinh phải tự gia công sản phẩm, lập trình robot trên máy vi tính, ứng dụng phần mềm android trên điện thoại thông minh để điều khiển từ xa.

Đề thi Robotics của phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy năm 2018.

Đề thi Robotics của phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy năm 2018.

Học sinh tại Thái Thụy đã đam mê sáng tạo từ nhiều năm nay. Không có điều kiện mua nguyên liệu đắt tiền, các em sử dụng chính những phế liệu, đồ điện tử cũ tái chế.

"Năm ngoái có học sinh sử dụng chiếc quạt thông gió cũ ở nhà để chế tạo thành một loại khăn lau bảng không bụi", ông Chanh chia sẻ.

Ông Đỗ Trường Sơn - trưởng phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy, Thái Bình -cho biết phần thi Robotics nằm trong sự kiện Ngày hội STEM năm 2018 của huyện Thái Thụy. Năm nay, huyện đã nhận được 28 sản phẩm robot dự thi từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Để hưởng ứng dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4, phòng GD&ĐT huyện tổ chức cuộc thi Robotics với đề bài "Robot đi theo mô hình định sẵn, húc cổng và cắm cờ tại dinh Độc Lập". Robot của đội nào cắm được cờ trước thì giành chiến thắng tuyệt đối với số điểm tối đa là 300 điểm.

Mong muốn của huyện là tích hợp việc nghiên cứu khoa học công nghệ với trau dồi kiến thức lịch sử, xã hội cho học sinh.

Giấc mơ 4.0 của học sinh nông thôn

Năm 2017, học sinh Việt Nam từng lọt top 10 cuộc thi Robotics thế giới. Tuy nhiên, thành phần tham gia hầu hết từ trường phổ thông ở thành thị, nơi các em có nhiều điều kiện tiếp xúc với khoa học công nghệ.

Khởi nguồn từ những cuốn sách dạy STEM của một nhóm trí thức Hà Nội tặng cho học sinh nông thôn, đến nay những cô cậu học trò đi dép tổ ong, chân lấm tay bùn cũng bắt đầu bước vào cuộc đua sáng tạo khoa học công nghệ.

Phong trào sáng tạo robot tại huyện Thái Thụy đã được đa số trường trên địa bàn hưởng ứng. Các trường đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật (STEM) cho học sinh theo ba trụ cột: STEM theo kiến thức SGK, STEM dùng vật liệu tái chế và STEM robot.

Ông Đỗ Trường Sơn cho hay một số trường đã có máy in 3D, máy cắt laze và robot do những người dân yêu quê hương đóng góp mua tặng. Tất cả nhằm mục đích đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến với học trò nghèo.

Cứ mỗi khi có dịp lên thành phố, các thầy cô giáo không quên mang về những linh kiện điện tử do học sinh nhờ mua. Có khi chi phí cho một con robot lên đến tiền triệu, trường phải tự trích quỹ để đầu tư cho học sinh.

Sau khi có linh phụ kiện, học sinh sử dụng máy in 3D và máy cắt laze để gia công sản phẩm. Phần lập trình cho robot được học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Nội dung của STEM gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Đây là mô hình giáo dục đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ đem lại hiệu quả tích cực.

Tại Việt Nam, giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các sở giáo dục. Bộ GD&ĐT kết hợp với Hội đồng Anh thí điểm giáo dục STEM trong chương trình chính khóa ở nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-tro-truong-lang-lap-trinh-robot-dieu-khien-bang-smartphone-post833750.html