Học trò thức thâu đêm làm triển lãm ảnh tri ân thầy Văn Như Cương

Những dấu ấn về thầy Văn Như Cương được các thầy cô giáo và học sinh trường Lương Thế Vinh kể lại qua những bức ảnh, bài viết đầy xúc động về thầy.

Sáng nay (18/11), tại trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã diễn ra buổi triển lãm mang tên "Dấu ấn" tri ân thầy Văn Như Cương.

Đây là 20/11 đầu tiên trường Lương Thế Vinh không còn thầy Văn Như Cương, nhưng những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của thầy lại tràn ngập không gian Lương Thế Vinh.

Những bức ảnh về thầy Văn Như Cương được các thầy cô giáo cùng các em học sinh tập hợp lại, trưng bày trong triển lãm "Dấu Ấn". Ước tính, toàn bộ triển lãm có khoảng hơn 300 bức ảnh về thầy.

Ngay khi mở cửa, hàng trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên, khách tham quan xếp hàng vào xem triển lãm.

Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy Văn Như Cương đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Không chỉ giỏi Toán, thầy Cương còn được biết đến với tài văn chương, nói chuyện dí dỏm và có khả năng "truyền lửa" cho học trò. Học sinh vẫn nhớ bài phát biểu trong mùa khai giảng cuối cùng trước khi thầy Cương vĩnh viễn trở về đất mẹ, thầy đã căn dặn học trò: "Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi".

Những hình ảnh về thầy được trưng bày trong không gian trường Lương Thế Vinh - nơi thầy Văn Như Cương đã dành trọn tâm huyết và yêu thương không chỉ là sự tri ân với người thầy đáng kính, mà còn là niềm động viên, an ủi với các thầy cô giáo và học trò Lương Thế Vinh.

Bức tranh chân dung thầy Văn Như Cương khi về cõi lạc được thể hiện tài tình qua chất liệu vỏ cây.

Nhiều bài viết về thầy Văn Như Cương được trưng bày tại triển lãm.

Với học sinh trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương không chỉ là một người thầy, mà còn giống như một người cha, người ông trong gia đình. Những triết lý giáo dục của thầy đã trở thành kim chỉ nam cho bao thế hệ học trò.

Những hình ảnh bình dị đời thường của thầy Cương được tái hiện chân thực.

Không chỉ sưu tầm những bức ảnh có sẵn, học sinh trường Lương Thế Vinh còn tự tay vẽ những bức tranh về thầy.

Cô Văn Thùy Dương, con gái thầy Văn Như Cương không khỏi nghẹn ngào xúc động khi nhìn những bức vẽ, đọc các bài tâm sự của học trò dành tặng thầy Cương. Theo cô Thùy Dương, học sinh đã đề nghị được tự tổ chức triển lãm mà không có sự hỗ trợ của nhà trường. Các em tự đi tìm lại những bức tranh, ảnh về thầy Cương để trưng bày trong triển lãm.

Chia sẻ với PV, cô Thùy Dương cho biết, khi khai mạc triển lãm, cô thực sự cảm động, bất ngờ trước những gì học trò làm: "Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào đây, kể từ khi các con chuẩn bị, trong tôi lúc này có nhiều cảm xúc. Đây không chỉ là dấu ấn của thầy Cương để lại cho học trò, mà còn là dấu ấn của học trò, là tình yêu thương của các con dành cho thầy cô. Tôi luôn nghĩ rằng, tình yêu thương của Thầy đã lan tỏa đến tất cả các em, để các em có những chia sẻ, yêu thương như vậy".

Nguyễn Phan Hải My, học sinh trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức triển lãm cho biết, thời gian khá gấp rút, chỉ có vài ngày, nhưng toàn bộ học sinh trường Lương Thế Vinh đã cùng nhau tìm lại những bức ảnh, bài viết về thầy Cương. "Chúng em thậm chí đã ăn ngủ tại trường, thức thâu đêm để chuẩn bị cho triển lãm ngày hôm nay, nhưng chúng em không thấy mệt, mà rất hào hứng. Khi bắt tay vào tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời thầy Cương, em càng thêm ngưỡng mộ, yêu thương thầy", Hải My chia sẻ.

Tham quan triển lãm, bác Nguyễn Đình Tuyên, ông nội của học sinh Nguyễn Thị Thúy Hiền học sinh khối lớp 7 chia sẻ: "Tôi từng nghe nhiều về thầy Cương. Tôi rất tâm đắc và đồng tình với quan điểm giáo dục trước hết phải là người tử tế của thầy. Triển lãm hôm nay cho không chỉ tái hiện về cuộc đời của thầy, mà còn cho thấy thầy Cương đã rất thành công khi tạo ra thế hệ học trò biết yêu thương, biết tri ân thầy cô".

Triển lãm Dấu ấn được tổ chức ở hai cơ sở của trường Lương Thế Vinh là C5 Nam Trung Yên và xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/hoc-tro-thuc-thau-dem-lam-trien-lam-anh-tri-an-thay-van-nhu-cuong-697177.vov