Học trò mong muốn gì ở thầy cô?

Đừng nghĩ rằng, học sinh (HS) chỉ mong thầy cô cho ít bài tập, chấm điểm 'thoáng', mà đôi khi chỉ là hãy gần gũi, chịu lắng nghe học trò 'nhõng nhẽo'.

Ảnh minh họa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), kể: Có nhiều học trò từng thổ lộ và viết thư tay gửi gắm rằng: “Thầy ơi, tết này cho chúng con nhuộm tóc nhé. Khi đi học, chúng con nhuộm màu đen trở lại”, hay “Vào những dịp trường tổ chức lễ hội, hãy cho phép nữ sinh đi giày cao gót, trang điểm nhẹ nhàng để nữ tính hơn nhé thầy!”.

Còn một GV ngữ văn bậc THCS tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) kể đã từng giật mình khi nhận được thư của HS viết: “Cô ơi, con lúc nào cũng mong chờ tiết học của cô, những lúc đó con có cảm giác như đang là nhân vật trong tác phẩm mà cô phân tích bởi những cảm xúc từ bài giảng của cô. Nhưng nếu như cô thường xuyên cười với tụi con thì hoàn hảo biết mấy. Cô nghiêm khắc quá khiến chúng con có cảm giác sợ không dám gần”.

Nguyễn Huỳnh Đông, HS lớp 11 tại H.Nhà Bè (TP.HCM), gửi gắm tâm tư: “HS chúng con mong muốn, những HS mắc lỗi không bị “bêu” tên dưới cờ. Nhiều khi mắc cỡ vì thầy cô vừa nêu tên xong là rất nhiều ánh mắt bạn bè quay lại nhìn”.

Nguyễn Thụy Minh Anh, HS tiểu học tại Q.1, thổ lộ: “Con muốn cô của con đối xử không thiên vị và nhìn nhận sự việc chính xác. Nhiều khi con không nghịch phá trong lớp mà bạn ngồi gần làm việc đó. Nhưng ngay khi vào lớp, chưa tìm hiểu, cô đã la con trước”.

Nói về những mong muốn của HS, cô giáo Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ HS rất tinh ý, biết đánh giá thầy cô nào dạy thật lòng, ai dạy cho xong nhiệm vụ. Có những GV dù có “khó chịu” nhưng giảng bài hết lòng, đối xử công bằng, không thiên vị vẫn nhận được sự thương mến của học trò.

Thầy Huỳnh Thanh Phú nhận định: HS luôn mong gặp thầy cô giáo nhẹ nhàng, nhiệt tình, tổ chức giờ học thú vị, cho điểm “thoáng”.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nói thêm với sự phát triển công nghệ của thế giới phẳng, GV phải luôn nỗ lực tìm tòi cách dạy phù hợp để HS cảm thấy yêu thích môn học của mình, đưa học trò đến gần với thực tế hơn để thoát khỏi lối học thụ động.

Thạc sĩ giáo dục học Phạm Phúc Thịnh cho rằng GV cần là người đồng hành để đi cùng, chia sẻ, thấu hiểu học trò.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-tro-mong-muon-gi-o-thay-co-1024647.html