Học trò hạnh phúc, bạo lực học đường sẽ giảm

Chỉ riêng quý 1 năm 2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này là câu hỏi nhức nhối không chỉ với ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Đi tìm giải pháp cho vấn đề này, sáng 17/4, Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, với 640 điểm cầu trên toàn quốc, gần 20.000 đại biểu tham gia.

Minh họa: Dũng choai.

Minh họa: Dũng choai.

Gia tăng bạo lực học đường vì đâu?

Hội nghị quy tụ không chỉ các nhà giáo dục mà có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các tỉnh thành phố... Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe.

Tại Hội nghị, ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, mặc dù đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo cũng như các nghị định, thông tư đầy đủ, kịp thời nhưng thời gian qua tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc BLHĐ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Phân tích cụ thể hơn, ông Linh cho rằng xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh...

Ngoài ra, để xảy ra BLHĐ còn bởi một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Việc thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời. Một số nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cá biệt vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời.

Kết hợp phòng ngừa và can thiệp

Là địa phương mới xảy ra sự việc được dư luận chú ý về học sinh bị bạn đánh hội đồng, ông Nguyễn Văn Phê- Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên cho biết, đây là trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương. Ngày 7/4, ngành giáo dục Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác phòng chống BLHĐ với hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại gần 600 điểm cầu. Bài học rút ra là dù Sở đã triển khai đến tận cán bộ quản lý nhưng một số cán bộ quản lý triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên giáo viên chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa hiệu quả như mong muốn.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đưa ra kinh nghiệm phòng chống BLHĐ ở trường mình, đó là đưa giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống vào trong nhà trường, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn. Cụ thể, nhà trường dựa vào 3 tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục gồm xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, học sinh đến trường phải được hạnh phúc, học sinh đến trường đều được tiến bộ.

“Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, dù không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì”- ông Hòa nói.

Môi trường giáo dục tốt sẽ đẩy lùi bạo lực học đường.

Dẫn theo số liệu của UNESCO (2017) về tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của BLHĐ hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới, PGS.TS Trần Thành Nam- Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) đề xuất cần đưa ra một quy trình hành động phòng chống BLHĐ áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân.

Trong đó, các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa BLHĐ mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột vì đó là nguồn làm tăng bạo lực. Cần xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái - xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện (dám nói dám đấu tranh với cái xấu trên tinh thần xây dựng)…

Thầy cô không phải là “thợ dạy”

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết phòng chống BLHĐ là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà còn là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh sinh viên trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. Trong đó, vai trò của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách đoàn, hội, đội là rất quan trọng. Bộ trưởng cũng lưu ý không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của mình.

“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe”- Bộ trưởng nêu quan điểm, đồng thời khẳng định cần hướng tới thực hiện các giải pháp căn cơ, bài bản, lấy “phòng” làm chính bằng các giải pháp “tháo”, “hóa giải” nguyên nhân, dẫn đến BLHĐ.

* Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi có bạo lực học đường

Đó là một trong những nội dung trong chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục được Bộ trưởng Bộ GDĐT vừa ký ban hành. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ. Chỉ thị cũng lưu ý thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/hoc-tro-hanh-phuc-bao-luc-hoc-duong-se-giam-tintuc434824