Học trò bóp cổ cô giáo, cô giáo bắt học sinh quỳ làm mất đi tính 'thiêng' của giáo dục

Cả 3 câu chuyện xảy ra trong ngành giáo dục gần đây đều có một điểm chung là: 'mầm loạn' trong môi trường giáo dục... làm mất đi 'tính thiêng' của giáo dục.

Trong một thời gian ngắn, có tới 3 vụ việc gây chấn động trong ngành giáo dục. Đó là một cô giáo ở Bến Tre bị một học sinh nam (lớp 8) bóp cổ ngay tại lớp học trước mặt học sinh và các giáo viên khác. Hay vụ một học sinh nam (lớp 7) mang dao vào trường học chơi và phi dao vào trán một bạn học dẫn tới chấn thương. Rồi phụ huynh (có con học lớp 4) vào tận trường bắt giáo viên quỳ ngay tại phòng hội đồng trước sự chứng kiến của Ban giám hiệu nhà trường…

PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với GS Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam.

“Người đứng đầu nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm”

PV: Thưa GS Phạm Minh Hạc và PGS Trịnh Hòa Bình, đứng dưới góc độ là một nhà giáo giàu kinh nghiệm và nhà nghiên cứu xã hội học, cảm nhận của các ông sau khi nghe những sự việc trên ?

GS Phạm Minh Hạc: Biết những tin này rất đau lòng. Còn gì buồn hơn là hành động của phụ huynh bắt cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh dài đến 40 phút, hay là hành động học sinh bóp cổ cô giáo.

Chúng ta vẫn nói đến truyền thống hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống yêu thầy, quý mến, kính trọng thầy giáo đã được nhà nước nâng lên một vị trí mới và được nhân dân ủng hộ. Mà để xảy ra tình trạng như vậy thì phải lên án những hành động như vậy.

GS Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Rõ ràng là chúng ta có thể thấy, có một cái gì đấy rất hỗn độn, xô bồ ở trong môi trường giáo dục hiện nay.

Từ sự việc một cô giáo muốn thể hiện “uy nghiêm” của môi trường giáo dục mà phạt học sinh do một số em vi phạm nội quy lớp học. Câu chuyện học trò bị cô giáo trách phạt lẽ ra là các em phải chịu đựng được, nhưng ở trong trường hợp này lại có phản ứng như vậy.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam.

Ở đây ta có thể thấy được rằng, dường như chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, các bậc phụ huynh thấy rằng họ “trả tiền” cho nhà trường và đã “trả tiền” thì họ có quyền đòi hỏi và sai khiến. Cách nghĩ đó tôi chưa bàn đến đúng hay sai, nhưng rõ ràng nó đang xóa nhòa đi khoảng cách dạy dỗ con trẻ làm người hay giảng giải trong môi trường sư phạm.

Tiếp nữa là sự việc cô giáo bị học sinh bóp cổ, xuất phát từ việc một bạn nữ không nghiêm túc trong giờ học và cô giáo nhắc nhở thì một bạn nam khác “lên tiếng” bảo vệ bạn nữ đó một cách vô lối. Ta có thể thấy ở đây từ bạn nam đó là tính chất anh hùng và có cả sự khinh nhờn với người thầy.

Câu chuyện thứ ba là một học sinh mang dao tới trường học và phi vào đầu bạn. Đây là hành động “côn đồ” thể hiện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà tường.

Tất cả 3 câu chuyện này đều có một điểm chung là “mầm loạn” trong môi trường giáo dục. Bởi ở đây, chúng ta có thể nhận thấy 3 sự việc này đều có biểu hiện là mất đi "tính thiêng" của giáo dục.

PV: Cụ thể, trong sự việc cô giáo bị học sinh bóp cổ ngay trên lớp, cô giáo đã có “tranh cãi” với học sinh và có động thái sang lớp bên cạnh tìm thêm đồng nghiệp đến chứng kiến vụ việc. Vậy thưa GS Hạc và PGS Bình có phải hành động này của cô giáo có đang tạo ra áp lực cho học sinh nam đó, khiến em học sinh hành động bóp cổ cô giáo ngay tại lớp?

GS Phạm Minh Hạc: Tôi nghĩ hành động của cô giáo là hết sức bình thường, không có gì được gọi là vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay quy định của nhà trường cả.

Theo tôi, ở những tình huống khó xử thì giáo viên hoàn toàn có thể sang lớp bên cạnh để nhận sự trợ giúp từ các đồng nghiệp. Và tôi nghĩ rằng, hành động của nam học sinh đó không phải do cô giáo tạo áp lực.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Ở một bình diện nào đó thì hành động đó có tính chất như vậy. Theo khía cạnh là nếu chỉ có một mình cô giáo, thì bạn nam sinh đó sẽ chỉ dọa dẫm, uy hiếp bằng lời nói, cử chỉ… Nhưng sau đó, cô giáo gọi thêm các đồng nghiệp, những người bằng vai với cô giáo thì bạn nam sinh đó rơi vào tình thế như “kẻ yếu”, thì bạn nam sinh đó phải làm mạnh lên, làm tới lên thì mới đầy đủ được tính chất đe nẹt, mới gây ra sự hoảng sợ đối với cô giáo.

Đó là cách phân tích tâm lý bình thường, nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta có một cái gạch nối, là nếu cô giáo không gọi thêm người thì không có sự việc bóp cổ cô giáo xảy ra.

Nhưng rõ ràng, cô giáo trong trường hợp này cũng bị sang chấn, có lẽ không bao giờ nghĩ có một cậu học trò muốn thể hiện sự “anh hùng hảo hán” mà xử sự như vậy.

PV: Đứng ở góc độ quản lý học sinh và giáo viên thì vai trò giải quyết của các trường học hiện nay, theo GS Phạm Minh Hạc và PGS Trịnh Hòa Bình có bất cập gì? Phải chăng lãnh đạo các nhà trường (cụ thể hiệu trưởng) "vô can" trong các vụ việc này?

GS Phạm Minh Hạc: Theo tôi được biết thì các phụ huynh có mặt ở đấy không ai nói gì cả, và hành động của phụ huynh bắt cô giáo quỳ cũng là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở phía nhà trường và cô giáo cũng phải “kiểm soát” không được có những vật dụng để đánh đập học sinh được.

Nhà trường ở đây đã để cho giáo viên trừng phạt học sinh bằng phương pháp bạo lực như vậy. Bạo lực học đường không được phép để xảy ra ở bất cứ trường hợp nào. Thứ nữa, trong sự việc xảy ra vị hiệu trưởng lại không có mặt đến cùng để giải quyết sự việc. Như vậy, người đứng đầu nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Chắc chắn ở nhà trường không bao giờ đồng ý cho học sinh mang hung khí đến trường cả, bởi hoạt động trong nhà trường rất nhiều, những hoạt động có thể đụng chạm, va quệt có thể gây thương tích cho nhau. Chúng ta có thể nói rằng từ những câu chuyện này, nhà trường đã có sự buông lỏng quản lý.

Trước tiên, chúng ta nói đến câu chuyện học sinh mang dao đến trường, chắc chắn bạn học sinh đó không mang hung khí đến trường để đối chọi với nhà giáo, mà bạn học sinh đó mang dao đến trường để “đe nẹt” với những đối tượng có vị thế tương đương.

Và tiếp nữa là một nhóm phụ huynh đến trường tạo áp lực với cô giáo và nhà trường vì cô giáo đó đã phạt các em học sinh vì vi phạm nội quy. Và ở trong trường hợp này, dù thầy hiệu trưởng có biện minh rằng thầy bận việc phải đi dự giờ mà không ở lại đến cuối cùng. Song rõ ràng trong trường hợp đó, thầy hiệu trưởng hoàn toàn có thể cảm nhận được bầu không khí đang “nóng lên” giữa nhóm người mà lại bỏ đi. Thầy hiệu trưởng có trách nhiệm rất lớn.

Trước những sự việc đó thì chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng “Trách nhiệm của nhà trường đã và đang ở đâu?”, bởi trong môi trường sư phạm thì những sự việc này không phải quá xa lạ nữa. Thế nhưng khi để sự việc xảy ra thì nhà trường ở đây ít nhất đã có sự buông lỏng quản lý, hoặc ít nhất là nhà trường cũng không sát sao, không quan tâm sâu sắc, đến những vấn đề nguyên tắc quy chế, hoạt động trong nhà trường.

“Trường sư phạm chưa coi trọng nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho giáo viên”

PV: Thưa GS Phạm Minh Hạc và PGS Trịnh Hòa Bình, một điểm đáng lưu ý của các vụ việc trên là tại các lớp 4, lớp 7, lớp 8 đều là học sinh đang ở các giai đoạn có sự thay đổi về tâm sinh lý, tiền dậy thì và dậy thì. Tuy nhiên, cô giáo và phụ huynh lại có những phản ứng như vậy, phải chăng cả cô giáo, các phụ huynh, nhà trường “thiếu tâm lý” hay “yếu nghiệp vụ sư phạm” mà không ý thức được dẫn đến phạm sai lầm khi tình huống xảy ra?

GS Phạm Minh Hạc: Đây tôi cho là một tiếng chuông cảnh tỉnh của việc đào tạo của những trường đào tạo. Ở trường sư phạm, hiện nay nhiều trường chỉ chú ý đến kiến thức, ít chú ý đến các môn nghiệp vụ, và ít chú ý đến hình thành kỹ năng sư phạm cho thầy cô giáo, chưa coi trọng việc thực tập sư phạm.

Học sinh ở lớp 7, trong nhà trường sư phạm đã giáo trình tâm sinh lý học đã có dạy còn ứng xử thì phải phụ thuộc vào từng thầy cô giáo.

Lỗi không phải ở nhà trường, hay ở ngành giáo dục, mà theo tôi nó nằm ở nhiều trường sư phạm chưa coi trọng nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho giáo viên.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đối với giới trẻ, trong độ tuổi “teen” thì thường có một “văn hóa” là dùng “tiểu văn hóa” của mình để chồng đối lại người lớn.

Do vậy, đối với nhà giáo đã được học về tâm lý học, phương pháp giảng dạy… thì những tình huống này hoàn toàn không xa lạ với họ, nhưng họ lại không thực hiện đầy đủ được những bài giảng đã được học.

Rõ ràng ở đây ta nhận thấy sự non yếu trong nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là giáo viên đã sai trong phương pháp dạy và sai cả trong phương pháp tiếp cận hội cha mẹ học sinh vì đã không nhận thức được sự việc sẽ phát triển như vậy.

PV: Ngoài ra, công tác chấn chỉnh, chỉ đạo của ngành giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Cục Quản lý nhà giáo…. Theo đánh giá của dư luận xã hội là dường như phản ứng chậm trước sự việc và ko hiệu quả khi chỉ có công văn chỉ đạo nhắc nhở…. Thưa GS Phạm Minh Hạc, ông có ý kiến gì về ý kiến này?

Tôi thì không nắm được cụ thể sau khi những sự việc này xảy ra thì phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo sau bao lâu. Tuy nhiên, qua những sự việc này tôi mong là trong những trường hợp đặc biệt thì phía cơ quan chức năng nên có những ứng xử kịp thời hơn. Và nếu ở những trường hợp đặc biệt thì phải có cách xử lý đặc biệt.

PV: Thưa PGS Trịnh Hòa Bình, gia đình là xã hội thu nhỏ, vậy thì việc em học sinh mang hung khí tới trường và việc một em học sinh xông lên bóp cổ cô giáo như vậy có phải cách thức giáo dục ở gia đình cũng đang có những “khiếm khuyết” khiến trẻ có hành vi như vậy? Có thể cha mẹ ở nhà hoặc những người trong gia đình đã từng có những hành vi tương tự để khiến trẻ học đòi theo như vậy?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi không chắc chắn em ấy có được sống trong gia đình bị tắm trong bạo lực hay không, nhưng tôi chắc chắn em ấy sống trong môi trường tràn ngập bạo lực, thậm chí có thể còn là nạn nhân đã phải chịu những tình huống như vậy.

Phần nhiều những đứa trẻ như vậy hầu như sống trong gia đình “tôn thờ” bạo lực hoặc đã bị sống trong môi trường bạo lực như vậy!

Từ đó khiến cho đứa trẻ đó “tích trữ” sẵn những câu chuyện bạo lực để rồi trong cuộc sống, một phút nào đó bộc phát những hành vi bạo lực như vậy.

PV: Câu chuyện bạo lực trong học đường không phải mới diễn ra, tuy nhiên càng ngày càng xảy ra nhiều, vậy theo PGS Trịnh Hòa Bình làm cách nào để giảm bớt?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Theo tôi vẫn là câu chuyện gắn liền 3 môi trường với tính chất rất kinh điển là môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Những vấn đề ở xã hội thì gia đình không thể giải quyết được, nhưng rõ ràng là gia đình là một phần đóng góp trong xã hội, thì mỗi gia đình phải tốt lên thì xã hội mới tốt lên được. Ở gia đình thì cha mẹ phải là người làm gương cho các con, vì đây là môi trường đầu tiên con người tiếp xúc và tiếp xúc nhiều nhất.

Một xã hội cần phải thực thi pháp luật tốt hơn, luật pháp phải đi kèm với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và giải tỏa được áp lực trong cuộc sống hằng ngày cho mỗi cá nhân. Và một xã hội phải thực hiện được toàn dân đi học.

Còn ở nhà trường, là nơi thiết chế chuyên biệt dành cho giáo dục, góp phần tham gia vào câu chuyện xã hội hóa mỗi cá nhân. Nhà trường phải làm tốt câu chuyện đó và phải “kiểm soát” được học trò của mình tốt hơn.

Quan trọng hơn là sự tương tác, liên hệ giữa ba môi trường này cũng cần phải sát hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn GS Phạm Minh Hạc và PGS.TS Trịnh Hòa Bình!

Ngọc Nga/GIADINHMOI.VN

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/hoc-tro-bop-co-co-giao-co-giao-bat-hoc-sinh-quy-lam-mat-di-tinh-thieng-cua-giao-duc-d5279.html