Học tiếng dân tộc để gần dân

Những người lính mang quân hàm xanh trên biên giới Nghệ An đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về ngôn ngữ để đến gần hơn với nhân dân, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh và Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp học tiếng Lào do BĐBP Nghệ An tổ chức. Ảnh: Hải Thượng

Ngôn ngữ là nhịp cầu kết nối mọi dân tộc. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ BĐBP thường xuyên tiếp xúc với bà con nhiều dân tộc khác nhau, cả trong và ngoài nước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An đã tổ chức các lớp học tiếng dân tộc trên địa bàn công tác, tiếng nước láng giềng trên tuyến biên giới. Yêu cầu thông thạo tiếng địa phương đối với cán bộ công tác lâu năm ở địa bàn biên giới, người làm công tác vận động quần chúng, cán bộ địa bàn là bắt buộc đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Không chỉ tổ chức học tiếng người dân địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An còn phối hợp các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An tổ chức giảng dạy khóa học tiếng Lào cho 86 cán bộ các sở, ban, ngành và cán bộ, chiến sĩ cơ quan BĐBP tỉnh. Cùng thời điểm đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng đã tổ chức thành công khóa học tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ và công chức, viên chức trên địa bàn.

Để củng cố thêm vốn từ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An đã tổ chức các lớp học tiếng địa phương ngay tại đồn, thời gian học là các ngày nghỉ trong tuần; thầy giáo đứng lớp là cán bộ Biên phòng người địa phương. Ngoài học trên lớp, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ học thêm mọi lúc, mọi nơi để trau dồi vốn từ mới tiếng dân tộc của mình.

“Sau khi học trên lớp, những lúc cùng sinh hoạt, lao động, cán bộ, chiến sĩ thường sử dụng tiếng dân tộc vừa được học để dễ nhớ, dễ thuộc. Từ nào chưa biết, chưa hiểu thì họ hỏi nhau. Những lúc xuống tham gia lao động sản xuất, làm công tác vận động quần chúng cùng bà con, anh em tranh thủ học hỏi đồng bào. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, qua đó tích lũy vốn từ và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng địa phương” - Trung úy Kha Văn Thoại, dân tộc Thái, Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An cho biết thêm.

Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến, cán bộ Biên phòng được tăng cường về xã Tam Quang, huyện Tương Dương giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã là một ví dụ tiêu biểu của tinh thần tự học tiếng dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng của bà con phục vụ công việc hằng ngày của mình, anh đã cố gắng tự học, học qua sách vở, qua đồng đội và qua cả thực tế những lần đi cơ sở tiếp xúc với bà con để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương. Đến nay, Hồ Xuân Tuyến đã nói thông thạo tiếng Thái. Anh chia sẻ: “Tôi đã quán triệt phương châm, người cán bộ Biên phòng sống với đồng bào dân tộc trước hết phải nghe được dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Muốn tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân thì phải biết tiếng của đồng bào. Bằng sự cố gắng, khắc phục khó khăn của bản thân để tự học, đến nay, trong các cuộc họp tại các địa bàn có đông đồng bào người Thái, tôi sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng Thái.

Tuyên truyền đến người dân mà sử dụng ngôn ngữ địa phương sẽ tạo được niềm tin đối với bà con và giúp họ dễ tiếp thu, dễ hiểu và sẽ đạt được hiệu quả cao”.

Hiểu bà con, gần gũi với bà con để tuyên truyền cho bà con, nhờ vậy, Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Sau 6 năm về tăng cường tại xã Tam Quang, nhờ sự góp sức của anh cùng cán bộ, nhân dân xã, từ chỗ xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đến năm 2017 đã về đích và đạt chuẩn nông thôn mới.

Học qua sách vở, học qua đồng nghiệp và học trong thực tế thực hiện nhiệm vụ chính là cách học tốt nhất của những người lính Biên phòng Nghệ An. Khi tiếp xúc với người dân, hiểu và sử dụng ngôn ngữ của họ chính là cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoc-tieng-dan-toc-de-gan-dan/