Học tiếng Anh 'Kiểu... xích lô'

Học và sử dụng thành thạo tiếng Anh như một công cụ hữu hiệu nhất là mơ ước của không ít học sinh, sinh viên (HS, SV). Vậy làm thế nào để đạt được điều đó?

Ca sỹ Hà Anh Tuấn chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh với các bạn HS, SV

Ca sỹ Hà Anh Tuấn chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh với các bạn HS, SV

Phóng viên Báo GD&TĐ xin được giới thiệu cuộc trò chuyện giữa các khách mời trong buổi tọa đàm “Live Your ream” diễn ra trong khuôn khổ vòng chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh HS, SV lần thứ II, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn: Học tiếng Anh từ câu chuyện của anh xích lô

Trong buổi trò chuyện cùng các bạn sinh viên, ca sĩ Hà Anh Tuấn kể câu chuyện mời khách đơn giản của một chú xích lô đã làm thay đổi cách học tiếng Anh của anh.

Đoạn mời khách bằng tiếng Anh của chú xích lô: “Sir, one you one dollar, two you two dollar. I discount, two you one dollar. You ok you go, you no ok, fine”. (Dịch thô: Thưa ngài, một người một đô la, 2 người hai đô la. Tôi giảm giá cho 2 người một đô la. Đồng ý thì đi, không đồng ý thì thôi).

Ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ: Nghe đoạn mời chào khách của chú xích lô tôi đã giật mình. Tôi tự hỏi, tại sao chú này có thể nói trơn tru, dễ hiểu với phong thái đĩnh đạc, tự tin đến thế trong khi mình có vốn tiếng Anh tốt hơn nhưng chưa bao giờ nói tự tin đến vậy. Sau đó, tôi đã nghĩ rất nhiều, từ câu chuyện đó tôi đã rút ra cho mình một phương pháp học đó là không chỉ học trong sách vở.

Trước đây, tôi cũng như nhiều học sinh khác, coi tiếng Anh là môn học đối phó, cố học nhiều từ vựng khó để người khác ngưỡng mộ. Sau lần gặp gỡ tình cờ trên, tôi đã thay đổi cách tiếp cận tiếng Anh, xác định rõ mình muốn và cần gì.

Theo tôi, việc học đọc và nói chuẩn là yêu cầu đối với “các bậc thượng thừa”. Còn với số đông, người học đừng sợ nói. Nhược điểm lớn nhất của người học ngoại ngữ là sự tự ti. Vì vậy, trước hết các bạn cứ nghĩ gì nói nấy, sai sẽ có người nhẹ nhàng sửa giúp. Hãy mở lòng để học từ những người xung quanh. Đó cũng là cách tôi đã học tiếng Anh và tiếng Đức”.

Ông Nguyễn Mạnh Hào – Giám đốc Trung tâm Ames English: Tiếng Anh là học phí, sinh hoạt phí và là chiếc xe máy của tôi

Ông Nguyễn Mạnh Hào - Giám đốc Trung tâm Ames Englich chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tiếng Anh thành thạo

Chia sẻ về những thành công của mình trong việc học và sử dụng tiếng Anh với các bạn sinh viên, ông Nguyễn Mạnh Hào cho biết: “Trước khi vào đại học, tôi không biết tiếng Anh nhưng đến năm thứ 2 rồi thứ 3, thứ 4, tôi đi làm thêm cho một công ty du lịch - Tiếng Anh buộc phải là công cụ để tôi giao tiếp, hướng dẫn khách nước ngoài tham quan. Hơn nữa, tiếng Anh lúc đó còn là tiền học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền mời bạn bè uống bia nên nó luôn là động lực giúp tôi lao vào học mọi lúc, mọi nơi, cả khi đi dẫn tour.

Lúc bắt đầu làm tour tôi nói tiếng Anh không thạo, giống hết như anh xích lô chợ Bến Thành mà ca sĩ Hà Anh Tuấn kể. Nhưng sau đó qua công việc, giao tiếp hàng ngày với người nước ngoài buộc tôi phải học tiếng Anh tốt hơn. Không những thế tiếng Anh luôn là động lực lớn để tôi có tiền học phí, chi tiêu, trang trải cuộc sống đã buộc tôi phải học tiếng Anh mỗi ngày.

Đến khi ra trường, ước mơ lớn nhất của tôi lúc đó là có một chiếc xe máy. Và tiếng Anh là công cụ giúp tôi kiếm tiền mua xe. Với vốn tiếng Anh đã học tôi tự tin xin đi làm phiên dịch. Hồi đầu tôi đi làm phiên dịch cho các hội nghị và được nhận thù lao 100USD/ngày. Đó là số tiền không hề nhỏ khiến tôi càng có động lực lao vào học tiếng Anh để hoàn thiện mình hơn.

Một may mắn đã giúp tôi thực hiện được ước mơ, đó là năm 1996, tôi được mời phiên dịch cho một hội nghị lớn trong thời gian gần 1 tháng. Thời gian đó, gần như ngày nào cũng dịch. Sáng nào tôi cũng dậy sớm, chuẩn bị chu đáo mọi thứ rồi đến hội nghị và làm việc ở đó cho đến tối mịt mới về nhà. Kết thúc kỳ hội nghị tôi đã sụt mất vài kg, nhưng bù lại tôi đã nhận được một khoản thù lao đáng kể: 2.600 USD – một số tiền không hề nhỏ với tôi lúc đó. Và ước mơ có một chiếc xe máy sau khi ra trường tôi đã thực hiện được. Tôi đem số tiền đó mua 1 chiếc xe máy Dream.

Phải thừa nhận, tiếng Anh với tôi rất quan trọng. Tiếng Anh không chỉ là công cụ giúp tôi mở ra nhiều cánh cửa tươi sáng. Tiếng Anh thời sinh viên đã giúp cho tôi kiếm được tiền học phí, sinh hoạt phí, mời bạn bè đi uống bia. Ra trường, tiếng Anh giúp tôi thực hiện được mơ ước là chiếc xe máy Dream… Còn bây giờ, tiếng Anh là sự nghiệp, là cuộc đời của tôi. Hiện tôi đang cùng với các anh chị em của Ames Enghlish đưa công nghệ nhân tạo vào việc dạy tiếng Anh cho mọi người.

Nguyên đại sứ Bùi Thế Giang: Tiếng Anh là công cụ

Đại sứ Bùi Thế Giang (ngồi phải) chia sẻ về việc học tiếng Anh hiệu quả

Nó về việc học tập tiếng Anh và tầm quan trọng của tiếng Anh, nguyên đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Vụ trưởng Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban đối ngoại Trung ương Đảng cho biết: “Việc học cũng như nhiều việc khác nếu không có niềm đam mê thì sẽ không có thành công và không làm nên điều gì. Cũng như chúng ta học một cách thụ động, học như một cái máy sẽ không bao giờ có kết quả.

Tôi là một người học Sư phạm Ngoại ngữ tiếng Anh, nhưng khi ra trường tôi lại làm công tác đối ngoại. Nếu không có cái say để học, cái say để làm nghề, chắc chắn sẽ không thể có ngày hôm nay. Chính sự say mê, chịu khó học hỏi đã đem đến thành công cho tôi. Trong công việc, tiếng Anh như là một công cụ để tôi truyền đạt, truyền tải những vấn đề, những thông điệp cần chia sẻ tới các bạn bè quốc tế.

Tiếng Anh ngày nay được nói ở mọi nơi, mọi góc trên thế giới và vì vậy nó phổ thông. Chính vì nó phổ thông nên nó có mặt trái. Hiện có ít nhất 193 nước nói tiếng Anh thì có 193 giọng khác nhau. 193 cách sử dụng cụm từ, ngữ khác nhau, 193 kiểu ngữ pháp khác nhau. Và tôi là người say mê ngôn ngữ nhiều năm, tôi đã nói với các bạn trẻ rằng, học ngoại ngữ đừng bao giờ cầu toàn. Chúng ta cứ nói, sai đâu sửa đấy, không nên ngại. Bởi tiếng Anh, bản chất nó chỉ là một công cụ mà thôi. Nó không phải là một bộ môn nghệ thuật gì cao siêu chúng ta phải thuần thục, chúng ta phải thực hành như thế nào… mà nó là một công cụ để chúng ta đạt được kết quả.

Tôi đã sử dụng tiếng Anh trong suốt hơn 30 năm qua như một công cụ, phương tiện trong công việc của mình. Thế nhưng làm sao sử dụng phương tiện đó phải sắc, phải thật hữu hiệu thì mới có hiệu quả”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-tieng-anh-kieu-xich-lo-3963448-b.html