Học thêm: Nhu cầu từ phía phụ huynh, học sinh

Việc tạm ngưng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường sẽ gây không ít khó khăn cho học sinh, phụ huynh. Bởi lẽ học thêm là nhu cầu có thật và thiết thực của không ít gia đình.

Giáo viên một cơ sở dạy thêm tại TP.Biên Hòa tổ chức dạy thêm cho học sinh bậc THCS

Giáo viên một cơ sở dạy thêm tại TP.Biên Hòa tổ chức dạy thêm cho học sinh bậc THCS

* Nhu cầu thiết thực của học sinh cuối cấp

Hiện nay, em Nguyễn Trương Trà My, học sinh lớp 12A12 Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) đang đi học thêm 2 môn: Toán, Tiếng Anh. Cả 2 môn này em đều cùng bạn bè lên TP.Biên Hòa để học, các em tự chọn giáo viên dạy thêm cho mình. Mỗi lớp học thêm có khoảng 15 học sinh. Mức học phí cho môn Tiếng Anh là 500 ngàn đồng/tháng, môn Toán là 300 ngàn đồng/tháng. Theo Trà My, đây là mức học phí phù hợp. Ngoài 2 môn này, Trà My còn đi học thêm tiếng Nhật ở trung tâm với mức học phí 1,5 triệu đồng/tháng.

“Em lựa chọn khối xã hội để thi tốt nghiệp nhưng vì học yếu môn Toán và môn Tiếng Anh nên em chủ động đi học thêm 2 môn này. Cha mẹ cũng hối thúc em đi học thêm để đảm bảo kết quả học tập cho năm cuối cấp. Em thấy việc học thêm là cần thiết đối với em và thực sự sau khi đi học thêm đã hỗ trợ tốt cho em khi học trên lớp. Bây giờ nếu thầy cô phải nghỉ dạy thêm, em đành phải tự học ở nhà. Như vậy chắc chắn sẽ không bằng đi học thêm và ảnh hưởng kết quả học tập của em” - Trà My chia sẻ.

Không riêng gì Trà My, học thêm là nhu cầu của đa số học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 12. Bởi nếu không đi học thêm, các em khó có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học với mức điểm như ý.

Thầy P.H. (giáo viên môn Ngữ văn) chia sẻ, công việc dạy thêm của thầy chủ yếu theo hướng ôn thi cho học sinh lớp 9 lên lớp 10 và ôn thi cho học sinh lớp 12. Theo thầy H., với cách ra đề thi lớp 10 của Sở GD-ĐT và đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT như hiện nay, nếu học sinh không đi luyện thi thì khó đạt được điểm cao. Vì vậy, nếu không dạy thêm, học thêm sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và cho những giáo viên có thu nhập thêm dựa vào việc dạy thêm.

Quy định về việc dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT đã nêu rõ, giáo viên không được dạy thêm cho những học sinh mình đang dạy trên lớp. Vì vậy, bản thân thầy H. chủ yếu nhận dạy học sinh trường ngoài.

“Công bằng mà nói, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thiết thực của nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên. Về phía giáo viên, việc dạy thêm lành mạnh (không “đì” để ép học sinh đi học thêm) cũng giúp giáo viên tiến bộ trong nghề. Như bản thân tôi dạy luyện thi cho học sinh lớp 12 nên buộc phải tiếp cận với xu hướng, cách thức ra đề mới nhất của Bộ GD-ĐT và tìm cách dạy học phù hợp. Ở trường, tôi cũng sẽ áp dụng cách dạy phù này để những em không có điều kiện đi học thêm vẫn có kỹ năng, kinh nghiệm để tự ôn tập” - thầy H. cho biết.

* “Sẽ chuyển sang trường tư nếu con không được học thêm...”

Chị Vương Cẩm Nhung (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, con gái chị năm nay học lớp 4, trường chỉ dạy học 1 buổi nên buổi còn lại chị phải gửi con ở nhà giáo viên chủ nhiệm. Tại đây, mỗi tuần, các bé được học thêm môn Tiếng Anh 2 buổi. Tuy vậy, chị vẫn cho con đi học thêm với 1 giáo viên tiếng Anh khác nữa vì thấy bé học vẫn chưa tốt lắm. Sau một thời gian, chị thấy con có tiến bộ hơn nên khá hài lòng.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân có mong muốn mở trung tâm dạy thêm và đáp ứng đủ các điều kiện thì có thể đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp (theo Luật Đầu tư).

Tại TP.Biên Hòa, hiện nay đang có một số trung tâm dạy thêm hoạt động theo mô hình này. Theo đó, những giáo viên muốn đi dạy thêm cho trung tâm phải nộp hồ sơ cho trung tâm sau đó đơn vị này chịu trách nhiệm xin cấp phép dạy thêm cho giáo viên (giấy phép có thời hạn 3 năm).

Đề cập đến vấn đề dạy thêm trong và ngoài nhà trường, chị Nhung nêu ý kiến: “Theo mình, không nên cấm việc dạy thêm, học thêm. Vì chương trình học hiện nay khá khó, nếu nhà trường chỉ dạy học có 1 buổi là không đủ để truyền tải hết kiến thức. Khi đó, giáo viên dạy không kịp sẽ “đẩy” bài về cho phụ huynh kèm con học mà phụ huynh lại không có nhiều thời gian, thậm chí là không đủ kiến thức, kỹ năng để dạy học cho con. Nếu kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng học sinh vẫn được lên lớp trong khi bị hổng kiến thức”.

Theo chị Nhung, nếu cấm dạy thêm, học thêm nhà trường phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc phải tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh. “Tôi đã tính đến phương án chuyển con ra học ở trường tư thục nếu như ở vẫn cấm dạy thêm, học thêm. Vì ở trường tư con được học 2 buổi/ngày để đảm bảo kiến thức” - chị Nhung chia sẻ thêm.

Đồng tình với ý kiến của chị Nhung, chị Trần Kiều Oanh (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, chị có 2 con đều đang học tiểu học. Trường của con chỉ dạy học 1 buổi trong khi cả 2 vợ chồng chị đều đi làm công nhân nên buộc phải gửi con ở nhà giáo viên chủ nhiệm. Đó cũng là một hình thức dạy thêm, học thêm.

Hiện nay, con gái chị Oanh học lớp 5. Bé có học lực giỏi nhưng chị vẫn xác định là khi con lên cấp 2 chị sẽ cho con đi học thêm để duy trì được thành tích học tập tốt. Chị Oanh cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu cần thiết đối với những phụ huynh như chị. Nếu không cho con đi học thêm, cả 2 vợ chồng không thể cáng đáng việc kèm con cái học tập.

Anh Lê Văn Hùng (P.Tân Phong) có con gái đang học lớp 9 tại một trường tư thục ở TP.Biên Hòa. Dù con được học 2 buổi/ngày nhưng anh vẫn phải thuê gia sư dạy kèm 3 môn chính: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Hiện nay, con anh không còn học gia sư nữa mà chuyển sang đi học thêm những môn chính ở nhà thầy cô.

“Dù gia đình đã xác định sau khi tốt nghiệp THCS sẽ cho con đi học trung cấp nghề nhưng chúng tôi vẫn phải cho con đi học thêm. Ở nhà chúng tôi vẫn nhắc con học nhưng thú thật là tôi không đủ trình độ để kiểm tra xem con học và làm bài tập như vậy là đúng hay sai nên cứ phải cho con đi học thêm cho chắc” - anh Hùng nói.

Trong số các môn học, Tiếng Anh là môn được phụ huynh lựa chọn cho con đi học thêm nhiều nhất. Thậm chí, sau một thời gian cho con đi học ở các trung tâm Anh ngữ, nhiều phụ huynh đã quyết định cho con nghỉ để học ở nhà giáo viên. Bởi giáo viên dạy sát với chương trình học trên lớp hơn, còn ở trung tâm chủ yếu dạy tiếng Anh giao tiếp. Hơn nữa, nhiều giáo viên từng có kinh nghiệm dạy ở các trung tâm nên có thể áp dụng phương pháp dạy học như ở trung tâm khiến cho học sinh hứng thú hơn.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/hoc-them-nhu-cau-tu-phia-phu-huynh-hoc-sinh-3036697/