Học thạc sĩ khi chưa có bằng đại học: Bộ GD&ĐT đừng 'thả nổi', tránh 'đệm lót' đào tạo 'thạc sĩ ảo'

GS.TS Phạm Tất Dong lo ngại, nếu bộ GD&ĐT không kiểm soát chặt, sẽ xuất hiện trường hợp học không tốt nhưng có 'đệm lót' rồi học thẳng thạc sĩ, đào tạo ra những 'thạc sĩ ảo' thông qua hình thức học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần bằng tốt nghiệp đại học.

Cụ thể, một số trường thuộc đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã có giải pháp cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi có bằng tốt nghiệp đại học để tiết kiệm thời gian.

Theo đó, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên thạc sĩ. Người dự tuyển là sinh viên năm 3 và năm 4, có điểm trung bình tích lũy đạt loại Khá trở lên (7,0 điểm) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông. Các đơn vị cơ sở sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình này.

Hình thức tuyển sinh là xét tuyển, không vượt quá 50% chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng. Sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng từ 4 năm rưỡi đến 5 năm rưỡi.

Chuyện “không lạ” trên thế giới

Trước thông tin này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đào tạo, bộ GD&ĐT bày tỏ: “Việc này trên thế giới cũng đã có nhiều nước thực hiện, nhưng trong Luật Giáo dục hiện hành của Việt Nam, chưa có quy định rõ ràng. Hiện nay, trong Luật Giáo dục Việt Nam chỉ có chung một tấm bằng cử nhân đại học, tách thạc sĩ thành một bậc đào tạo riêng; còn ở nước ngoài, cùng ở bậc đại học, đào tạo khoảng 4 năm thì có bằng cử nhân, đào tạo chuyên sâu hơn vài năm thì là bằng chuyên gia. Vì vậy, theo tôi, khoảng cách giữa cử nhân và thạc sĩ không nhiều lắm”.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, ở Việt Nam, để có bằng thạc sĩ nghiên cứu phải mất ít nhất 6 năm, thạc sĩ ứng dụng mất ít nhất 5 năm, tuy nhiên, hiện nay mọi thứ vẫn còn khá “mập mờ”. Theo “mốt” quốc tế hóa, nếu như liên kết với nước ngoài cấp bằng nước ngoài thì có thể rút ngắn thời gian hơn.

Nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học cũng bày tỏ trước một số trường muốn rút ngắn thời gian đào tạo: “Tôi cũng đã từng băn khoăn khi, có trường đại học đào tạo 3 năm được cấp bằng cử nhân, nhưng trong 3 năm chỉ hoàn toàn đào tạo về chuyên môn, không có các môn đại cương, những môn đại cương đã đảm bảo chuẩn từ khi tuyển sinh.

Một số trường đại học cho phép sinh viên năm 3, năm 4 được học thạc sĩ, từ tháng 7/2019.

Một số trường đại học cho phép sinh viên năm 3, năm 4 được học thạc sĩ, từ tháng 7/2019.

Còn đối với những trường đại học trước đây đang học 4 năm, muốn rút xuống 3 năm nhưng lại tăng cường các môn đại cương, quân sự, giáo dục thể chất, kỹ năng mềm… chỉ học những môn ấy cũng hết 2 năm rưỡi, còn nửa năm học chuyên môn thì học thế nào? Vậy những trường đại học muốn rút ngắn thời gian học mà tăng chương trình là điều không thể.

Có thể, các trường đại học đó căn cứ việc đào tạo đại học 3 năm, thì thêm 1 năm rưỡi đào tạo thạc sĩ, tức là hoàn thành sau 4 năm rưỡi chăng?”.

Nỗi lo “thạc sĩ ảo”

Với một quan điểm khác, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam lại cho rằng: “Hiện nay, cả bộ GD&ĐT cũng như xã hội còn đang “kêu” thừa thạc sĩ, thậm chí là đào tạo không chuẩn. Vậy bây giờ cho phép sinh viên năm 3 vào danh sách học thạc sĩ, dù là học lực Khá nhưng chưa thể hiện được cả quá trình.

Theo tôi, cứ để cho sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí để sinh viên đi làm thêm một vài năm cho có kinh nghiệm rồi mới tuyển sinh đào tạo thạc sĩ cũng không muộn”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi chỉ e động cơ thực hiện không đúng! Phải xem xét đào tạo thạc sĩ theo nhu cầu nào, đâu phải cứ thích mà được. Đào tạo đủ thời gian còn chưa chắc giỏi mà lại muốn rút ngắn. Trong khi xã hội đang “than” chúng ta đào tạo quá nhiều thạc sĩ, thậm chí, thạc sĩ trình độ non nớt. Vậy mà cho sinh viên năm 3 được đào tạo thạc sĩ, làm sao sinh viên lại có thể làm luận văn thạc sĩ?

Đặc biệt, chúng ta kêu gọi không nên chạy theo bằng cấp, mà hiện nay lại đang quá nặng nề về đào tạo bằng cấp. Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vừa rồi cũng bị dư luận chú ý vì tiến độ cấp tốc, quá tải trong việc chấm luận văn, luận án… dẫn đến không chất lượng.

Tôi chỉ e lại có những vụ buôn bán, học không tốt nhưng có “đệm lót” rồi học thẳng thạc sĩ, đào tạo ra những “thạc sĩ ảo” thì nguy!”.

GS.TS Phạm Tất Dong e ngại động cơ thực hiện chính sách "mở cửa" đào tạo này.

Bên cạnh sự ủng hộ, TS. Lê Viết Khuyến cũng phân tích: “Nếu thí điểm chương trình đào tạo này, trước hết phải có quy định rõ ràng.

Tương tự câu chuyện xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường đại học, muốn cho phép sinh viên năm 3, năm 4 học thạc sĩ, thì phía các trường đại học phải giải trình công khai minh bạch, để tất cả mọi người cùng biết quy trình, phương pháp.

Về phía bộ GD&ĐT, cũng phải tăng cường sự quản lý, không thể “thả nổi” hết như hiện nay, khi hỏi trách nhiệm thì bộ phận này “đổ” cho bộ phận kia… Bộ GD&ĐT phải làm nhiệm vụ tối thiểu, công bố, đảm bảo các chuẩn đào tạo theo khung và kiểm tra giám sát chặt chẽ, không để những “lỗ hổng” phá tan kết quả”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoc-thac-si-khi-chua-co-bang-dai-hoc-bo-gddt-dung-tha-noi-tranh-dem-lot-dao-tao-thac-si-ao-a451467.html