Học tập, làm theo Bác – những góc nhìn từ thực tiễn

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là tình cảm, sự kính trọng của toàn Đảng và toàn dân ta đối với Bác, mà còn là yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Học tập và làm theo Bác là để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở nước ta hiện nay; hình thành và phát triển các giá trị đạo đức xã hội chủ nghĩa; xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người và lòng tự hào dân tộc.

Sức lan tỏa và những tấm gương tiêu biểu

Hơn 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc học tập, noi gương Bác đã và đang đi vào cuộc sống, trở thành một sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng, có sức lan tỏa toàn xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên đã lấy tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời, phong cách chuẩn mực của Bác để soi rọi cho suy nghĩ và hành động của bản thân, là chuẩn mực, là tiêu chí rèn luyện, phấn đấu vươn lên.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tạo ra động lực mới, làm chuyển biến rõ nét trong việc trau dồi đạo đức, giữ gìn lối sống, đổi mới tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, thể hiện ở tác phong công tác gần dân, trọng dân, hiểu dân và vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, thực sự là người “đày tớ”, “công bộc” của nhân dân...

Đó là ông Ngô Minh Vọng, một cựu chiến binh 43 tuổi đảng, trú tại ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông tình nguyện hiến toàn bộ phần đất có diện tích 3.600m² của gia đình mình để phục vụ cho việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường liên xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ đi đầu trong việc hiến đất làm đường, ông còn tích cực vận động các cán bộ hưu trí hưởng ứng phong trào xây dựng hạ tầng nông thôn tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhanh, Phó trưởng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long luôn sống “tốt đời đẹp đạo”, vừa tích cực tăng gia sản xuất, giúp nông dân vươn lên làm giàu, vừa quan tâm chăm lo an sinh xã hội ở địa phương.

Học tập Bác Hồ ở đức tính cần cù và tình yêu thương con người, ông tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời sẵn lòng hỗ trợ về vốn, hướng dẫn về kỹ thuật cho nhiều nông dân. Khi nghe tin gia đình nào gặp khó khăn thì ông tìm đến và hỗ trợ từ 5 đến 10kg gạo để giúp họ có cái ăn trước, rồi sau đó kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Đó là tấm gương ông Nguyễn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tri Hải, huyện Hải Ninh, tỉnh Ninh Thuận, luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Muốn dân chúng tin mình, phục mình, yêu mình, thì mình phải kính trọng, thương yêu dân chúng”.

Bằng lối sống giản dị, gương mẫu, tận tụy trong công việc, tâm huyết trong từng nhiệm vụ, ông luôn gần gũi nhân dân, được mọi người tin tưởng, kính trọng. Học tập phong cách quần chúng của Bác, ông Ngân Văn Khâm, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông lúc nào cũng sâu sát, gắn bó với nhân dân, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân, gương mẫu trước dân, mọi việc vì dân mà làm.

Đó là hình ảnh người cựu chiến binh ngoài 80 tuổi Hoàng Ngọc Bàng, dù là thương binh hạng ¾, lại bị nhiễm chất độc da cam, nhưng hằng ngày ông vẫn miệt mài, lặng lẽ đưa những nhát chổi tre quét sạch lá, dọn sạch cỏ ở từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Ông làm công việc này suốt 36 năm qua là xuất phát từ tình cảm đồng đội, hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi bất cứ chế độ, chính sách đãi ngộ nào của Nhà nước hay chính quyền địa phương. Hay người thương binh Lê Văn Ý, 78 tuổi, ở xã Mỹ Phú, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, một tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Dù mang trong mình thương tật (hơn 83%), bị mất một cánh tay, một chân và một con mắt, nhưng ông vẫn hăng say lao động, kiếm tiền giúp đỡ các cháu con nhà nghèo vào đại học. Với ông, giúp đỡ học sinh nghèo là việc phải làm của một người lính đối với quê hương. Nhờ tấm lòng độ lượng và đầy tình nhân ái của ông, 37 năm qua, hàng chục học sinh nghèo được học hành, thành đạt.

Với ông Tao Văn Khứn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, học tập và làm theo gương Bác đã trở thành lẽ sống của bản thân ông. Trong suốt cuộc đời phục vụ cách mạng, ông luôn gương mẫu, xung phong đến những nơi khó khăn nhất và nhiệm vụ nào cũng đều hoàn thành tốt. Đó là bà Khiếu, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ quốc tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, một phụ nữ người dân tộc Cơ Ho, 65 tuổi đời đã có gần 40 năm tích cực hoạt động xã hội, người được cán bộ và nhân dân nơi đây ghi nhận là tấm gương hết lòng vì lợi ích cộng đồng và chăm nuôi những trẻ em tật nguyền, cơ nhỡ.

Đó là ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, được biết đến là tấm gương tiêu biểu của mô hình cán bộ cơ sở “gần dân, sát dân”; anh Nguyễn Trọng Thái, Công ty Than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh, được mệnh danh là “người công nhân của những sáng kiến”, khắc ghi lời Bác dạy “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, anh đã có chục sáng kiến nâng cao năng suất lao động; hay tấm gương nữ y tá Nguyễn Thị Xuân, gần 30 năm gắn bó cuộc đời mình với những bệnh nhân phong ở Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh)…

Gần đây là câu chuyện hết sức cảm động về GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, khi nghỉ hưu, nhiều bác sĩ và bệnh nhân cùng khóc trong buổi chia tay. Đó là phần thưởng tinh thần vô giá cho một con người đã dành cả cuộc đời cho y đức.

Trong lực lượng Công an, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực về rèn luyện đạo đức, lối sống, lề lối, tác phong công tác, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ. Những khẩu hiệu “Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, “Không đợi hết giờ, không chờ giao việc”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”... đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở nhiều đơn vị.

Từ thực tiễn công tác, chiến đấu trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến CAND học tập và làm theo tấm gương của Bác. Đó là gương Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương, cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Thọ, dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng bằng ý chí và nghị lực, chị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND”. Đại tá Đàm Thị Lê – “Bông hoa thép” của Phòng Cảnh sát phòng, chống ma túy Công an tỉnh Cao Bằng, người nữ chỉ huy mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm.

Hay gương chiến đấu dũng cảm của Trung úy Trần Ngọc Thắng, cán bộ Công an TP Nam Định, bị đối tượng chém đứt lìa bàn tay trái nhưng vẫn quyết tâm truy bắt tội phạm đến cùng. Đó còn là Thượng tá Đào Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an thành phố Hà Nội, là thương binh 24%, không quản khó khăn, gian khổ, trực tiếp chỉ đạo và truy bắt hàng trăm đối tượng truy nã nguy hiểm, anh là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017...

Còn biết bao gương điển hình tiên tiến khác ở mọi miền Tổ quốc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điểm chung và nét nổi bật của những con người này đó là sự bình dị trong cuộc sống, chan chứa lòng nhân ái, tình thương yêu, quý trọng con người và trên hết, đó là đức hy sinh… Mỗi người có cách học tập, cách làm theo gương Bác khác nhau, nhưng hiệu quả họ mang lại rất lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Có thể khẳng định, các gương điển hình tiêu biểu là những minh chứng sinh động về hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(Còn nữa)

Ts Trần Quang Tám

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hoc-tap-lam-theo-bac-nhung-goc-nhin-tu-thuc-tien-464394/