Học sử

Sáng 29.9, GS-NGND Vũ Dương Ninh, một chuyên gia lịch sử thế giới đã dậy rất sớm để cùng hai người bạn của mình tới triển lãm '10 trận chiến nổi tiếng thế giới' của Đào Khang Duy, một học sinh lớp 8 Trường quốc tế Mỹ St.Paul ở Hà Nội.

“Tôi rủ cả các thầy ở Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội tới đây, để xem học sinh có thể thay đổi cách học sử thế nào”, ông chia sẻ. Dự án này đã được Duy ấp ủ và thực hiện trong khoảng 1 năm, dựa trên việc tra cứu và đọc nhiều tài liệu lịch sử.

Quả thực, triển lãm thể hiện một cách nhìn lịch sử cảm xúc và chi tiết. Ở đó, các trận chiến không hiện ra chỉ qua những thống kê số người đã thiệt mạng. Những bức tranh cho thấy các chiến sĩ thời đó đã mặc trang phục gì, sử dụng vũ khí ra sao. Vì thế, bên cạnh bức tranh toàn cảnh còn có cả các thông tin nền về trận chiến. Chẳng hạn, về trận Stalingrad, thông tin Duy đưa ra có câu chuyện về khẩu hiệu “Không có vùng đất phía sau Volga” của Hồng quân lúc đó. Họ đã quyết không thể lùi bước và chiến thắng trong cuộc chiến đó. Hoặc, về cuộc đổ bộ Normandy, Duy cũng cho biết quân Mỹ đã phát triển một thiết kế xe tăng DD đi được cả trên cạn và nổi dưới nước như thế nào…

Trong khi đó, một cách học thú vị với dự án lịch sử dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Vào phủ chúa Trịnh (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) của học sinh lớp 11 Trường phổ thông Albert Einstein (TP.HCM) cũng rất thú vị. Ở đó, các em dựng lại mô hình phủ chúa, với đời sống thường nhật trong đó. Đền đài được phất bằng giấy màu. Mâm cơm xa hoa trong phủ chúa cũng được vẽ lại trên giấy. Ở đó, mâm cơm được làm bằng bìa vàng, có vẽ hoa văn hình lá đề có hoa ở giữa. Còn có cả thực đơn cao lương mỹ vị đi kèm: yến sào, nem công, chả phượng, da tê giác, gân nai… Bài học dễ nhớ hơn nhiều với các em, sau khi dựng lại cả mâm cơm lẫn đền đài đó.

Đã nhiều năm, lịch sử trong sách giáo khoa “chìm” trong con số thống kê. Những con số này tuy cần thiết, song sự xuất hiện áp đảo mà bỏ qua các chi tiết, những câu chuyện khiến sách giáo khoa lịch sử, cách dạy học sử trở nên nặng nề. Hơn thế nữa, nó thể hiện tư duy quên mất các em cũng có quyền có cảm xúc khi học sử, chứ không chỉ học như một nghĩa vụ. Chưa kể, cách dạy học liên ngành cũng chưa được áp dụng nhiều. Chẳng hạn, một bài học văn - sử như Vào phủ chúa Trịnh cũng giúp việc học không còn giáo điều nữa. Những bài học vật lý về trọng lượng riêng hẳn sẽ dễ hiểu hơn với các thí nghiệm về vật nổi và câu chuyện về chiếc xe tăng Normandy…

Vì thế, đằng sau những triển lãm, những bài học lịch sử kiểu dự án thế này, có thể thấy lòng yêu lịch sử và sự năng động của học trò, hẳn nhiên không thể thiếu vai trò gợi mở, động viên khuyến khích của thầy cô. Điều đó, GS Vũ Dương Ninh gọi là “niềm ham mê môn sử bằng những con đường khoa học và nghệ thuật khác nhau tùy theo ý thích và năng khiếu của mỗi người”. Lịch sử gần hơn và thấm thía hơn hay không là nhờ vào những con đường lan tỏa như thế.

Ngữ Yên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/hoc-su-1008750.html