HỌC SỬ QUA TỪNG TRANG SÁCH QUÝ

Trước kỳ thi lịch sử vào dịp cuối năm ở Trường THCS Thành Công (Hà Nội), một nhóm học sinh cuối cấp của trường thảo luận sôi nổi nhiều nội dung như: 'Sao lại có tên gọi 'Điện Biên Phủ trên không'?, 'Ngoài Việt Nam ra có nước nào bắn rơi được B.52'?, 'Vì sao ta bắn rơi được B.52'?...

Các bậc phụ huynh vừa vui, vừa ngạc nhiên khi thấy con em quan tâm đến lịch sử vào đúng dịp kỷ niệm 48 năm (1972-2020) Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Bất ngờ hơn, khi một học sinh lấy ra từ trong ba lô hai cuốn sách “Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52?” của Trung tướng, PGS, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thật mừng khi những câu chuyện một thời hoa lửa, chuyện cha ông ta đánh giặc, giữ nước được nhiều em học sinh quan tâm, thích thú tìm hiểu.

 Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh minh họa: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh minh họa: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Hai cuốn sách giúp bạn đọc hiểu hơn về lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, về bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Những thuật ngữ phòng không-không quân, về cách phát hiện B.52, đánh B.52, những trận chiến đấu oai hùng bảo vệ bầu trời Tổ quốc được các tác giả khắc họa chân thật, chính xác qua từng trang sách. Những cuốn sách này cùng với hàng loạt cuốn hồi ký của các tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân đã khắc họa rõ nét chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Đôi khi tự hỏi, tại sao những cuốn hồi ký, chuyện về người lính lại đi vào lòng người, đi vào đời sống văn học nước nhà, đi vào giảng đường... đến thế. Nhờ đâu quân dân ta làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu, câu trả lời có lẽ không ở đâu xa, mà nằm chính ngay trong những trang sách quý, được viết ra bởi những người con ưu tú của quân đội và dân tộc. Mặt khác, chính những câu chuyện chân thực qua từng trang sách, có độ tin cậy cao về mặt thông tin đã khiến lòng người xúc động. Nhiều người cho rằng, học lịch sử ở nhà trường có thể khô khan, nhưng qua những trang sách của hai anh hùng Phan Thu và Nguyễn Đức Soát, người đọc có thể hình dung về lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước một thời gian khổ mà hào hùng. Nhờ đọc sách, các em học sinh sẽ hiểu rõ hơn vì sao cho đến nay chỉ có Việt Nam mới bắn rơi được “siêu pháo đài bay” B.52 của Mỹ. Chắc chắn rằng, không chỉ bạn đọc trong nước mà bạn đọc quốc tế, trong đó có các cựu phi công Mỹ cũng rất quan tâm đến những tư liệu quý này.

Đọc, học, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử quân đội đâu chỉ có ý nghĩa đối với những người trẻ, mà việc làm này cũng mang lại giá trị tích cực cho mọi công dân. Bởi mỗi lần chúng ta tìm về lịch sử là một lần có cơ hội trở về cội nguồn để nhận diện lại gương mặt tổ tiên, ông cha đã làm nên hình hài, hồn cốt non sông đất Việt hôm nay. Trong bối cảnh thông tin bùng nổ, mạng xã hội tạo ra nguy cơ làm chao đảo tư tưởng, nhận thức, tâm hồn của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, thì việc tìm đến các cuốn sách hồi ký, lịch sử giàu ý nghĩa nhân văn chính là chúng ta đang cùng nhau định vị giá trị người Việt, khẳng định tinh thần dân tộc Việt để không ai bị chênh chao trong thời đại toàn cầu hóa.

THU HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/hoc-su-qua-tung-trang-sach-quy-647579