Học sinh vùng cao xứ Thanh khai giảng giữa ngổn ngang đổ nát sau lũ dữ

Đằng sau những đổ nát, thiệt hại nặng nề do mưa lũ, thầy và trò vùng cao Thanh Hóa đã nỗ lực để hàng nghìn học sinh kịp đến trường dự khai giảng năm học mới.

Sáng ngày 5/9, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa cố gắng khắc phục mọi khó khăn tại các điểm trường bị ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn sẽ kịp tổ chức khai giảng cho học sinh. Theo đó, tại các điểm trường bị ngập trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương khi nước rút khẩn trương tiến hành cào bùn đất, rác thải ra khỏi khu vực trường.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, đợt thiên tai vừa qua đã khiến 36 điểm trường trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, trong có có 24 điểm trường bị ngập sâu trong nước, 10 điểm trường bị thiệt hại do sạt lở đất và 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị sập hoàn toàn...

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Thanh Xuân đến trường khai giảng

Do ảnh hưởng của mưa, lũ, trên địa bàn huyện Quan Hóa chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục.

Tại Trường Tiểu học Trung Sơn, mưa lũ làm 5 phòng học kiên cố bị sập đổ hoàn toàn, 1 dãy nhà 4 phòng học bị hư hỏng nặng, không thể đưa vào sử dụng. Khu nhà ở giáo viên bị bùn đất lấp, toàn bộ tài sản trong phòng học và nhà ở của giáo viên bị hư hỏng không sử dụng được.

Trường Trung học cơ sở Trung Thành, khu nhà công vụ gồm 4 phòng và 1 phòng học đã bị sập. Trường Mầm non Trung Thành, khu phải bị nứt 2 phòng học, phòng ở của giáo viên có nguy cơ bị sập....

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Xuân

Tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân (huyện Quan Hóa), ngay từ sáng sớm 5/9 cờ, hoa , trang phục dân tộc sặc sỡ tràn ngập khắp sân trường. Mới cách đây 2 ngày thôi, khu vực xã Thanh Xuân còn ngập chìm trong lũ. Toàn xã có 3 bản bị cô lập hoàn toàn. Trường tuy không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất nhưng sau lũ, một khối lượng lớn đất đá đổ dồn về sân trường.

Để kịp tổ chức lễ khai giảng cùng các hoạt động dạy và học, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh và chính quyền tích cực khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với học sinh ở 3 bản bị cô lập, trường tổ chức cho các em sơ tán, ăn ở tại trường để đảm bảo an toàn. Đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh đã đến trường để bắt đầu học năm học mới.

Trước ngày khai giảng, Phòng Giáo dục huyện Quan Hóa đề nghị các đơn vị tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và lên kế hoạch tổ chức Lễ khai giảng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Ban Giám hiệu cùng bàn với lãnh đạo xã, Phòng Giáo dục thống nhất phương án phù hợp nhất.

Những đơn vị bị thiệt hại nặng không nhất thiết phải tổ chức lễ khai giảng ở điểm trường chính mà có thể tổ chức ở điểm trường lẻ, mượn địa điểm khác hoặc có thể ghép chung với một đơn vị trường học trong xã để tổ chức. Nhờ đó, tất cả các điểm trường đều được khai giảng đúng thời gian và kế hoạch chung của cả nước...

Vượt qua mọi khó khăn, thầy và trò trường Tiểu học Tam Chung đến trường khai giảng năm học mới

Tại Mường Lát, những thiệt hại do mưa lũ hiện vẫn chưa thống kê đầy đủ, sức tàn phá của thiên nhiên vô cùng khủng khiếp khiến cuộc sống của người dân vùng biên viễn vốn khó khăn nay càng khổ cực hơn. Vượt qua những tổn thất vô cùng to lớn, người dân và chính quyền nơi đây gắng gượng tu sữa trường lớp, trang thiết bị dạy học để các em kịp đến trường

Hiện, huyện Mường Lát có tới 112 điểm trường lẻ, trong đó có gần 30 khu lẻ các em học sinh phải học ở lớp tạm và lớp tranh tre nứa lá xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi, bàn ghế cũ kỹ. Trong khi đó, sau đợt mưa lũ vừa qua, có rất nhiều trường học trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhiều trang thiết bị dạy và học bị vùi lấp. Phòng giáo dục huyện Mường Lát đã chỉ đạo các nhà trường trước mắt khẩn trương dọn dẹp vệ sinh lớp học để đảm bảo việc dạy và học.

Công tác khai giảng của các nhà trường trên địa bàn huyện vẫn được tổ chức theo kế hoạch tại các trường học ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Duy nhất chỉ có 3 trường học tại xã Mường Chanh sẽ không tổ chức khai giảng do địa bàn bị chia cắt, học sinh không thể tập trung đến trường. Các trường này sẽ lùi thời gian khai giảng vào ngày 8/9.

Tiếng trống trường vang lên giữa đại ngàn núi rừng sau cơn mưa lũ kinh hoàng tàn phá khủng khiếp tại huyện vùng cao Mường Lát

Sáng ngày 5/9, hơn 11 nghìn học sinh và các thầy cô giáo trên vùng biên Mường Lát bước vào năm học mới với bộn bề khó khăn bởi những thiệt hại nặng nề khi mưa lũ đi qua. Trận mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua đã khiến huyện Mường Lát trở nên tan hoang, trong đó có 9 điểm trường bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều trang thiết bị dạy học, sách vở của học sinh bị đất đá vùi lấp.

Tại trường tiểu học Tam Chung vẫn còn ngổn ngang bùn đất nhưng từ sáng sớm phụ huynh đã chở con em mình vượt núi, băng rừng đến trường trong ngày khai giảng. Ngay sau lễ khai giảng, các em học sinh và thầy cô nhà trường tiếp tục việc dọn dẹp, vệ sinh lớp học, khắc phục hậu quả do sạt lở.

Học sinh huyện vùng cao Mường Lát đến trường nhân ngày khai giảng với những bộ áo, váy dân tộc sặc sỡ

Ông Mai Xuân Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp; phân công giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động và động viên các em học sinh vượt qua khó khăn chuẩn bị hành trang vào năm học mới.

Đối với các điểm trường còn đang bị cô lập và bị sạt lở nặng, phòng giáo dục huyện chỉ đạo các nhà trường có phương án bố trí dồn học sinh về các điểm trường, mượn nhà văn hóa thôn, bản hoặc nhà dân để làm lớp học tạm thời nhằm đảm bảo công tác dạy và học đầu năm học mới”.

Dù các trường học nỗ lực dồn sức cho ngày khai giảng đúng kế hoạch nhưng do lượng bùn đất trong các phòng học và sân trường vẫn còn rất lớn nên tiến độ khắc phục chưa thể đẩy nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học sau ngày khai giảng.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nhà ở, bếp ăn bán trú tại các nhà trường đều bị ngập bùn đất, hư hỏng không thể đủ điều kiện cho việc học tập và ăn ở của học sinh. Nguồn lương thực tại chỗ tại các bếp ăn bán trú bị thiếu hụt do hiện nay huyện Mường Lát chưa thoát hoàn toàn khỏi cảnh bị cô lập.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/hoc-sinh-vung-cao-xu-thanh-khai-giang-giua-ngon-ngang-do-nat-sau-lu-du-20180905123141902.htm