Học sinh vùng bão lũ khắc phục khó khăn đến trường dự khai giảng

Nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị chia cắt nhất là đường đến điểm trường, điểm phụ trên địa bàn vùng thượng nguồn. Đường ngập khiến hành trình đi tìm con chữ của thầy trò nơi đây cũng vất vả hơn nhiều nơi khác.

Lực lượng biên phòng hỗ trợ các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Lực lượng biên phòng hỗ trợ các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Đồng Tháp: Lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long năm nay về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 - 5cm. Mực nước năm nay so với cùng kỳ các năm trước cao hơn cả mét. Đến ngày khai giảng năm học mới, Đồng Tháp chưa có trường học nào bị ngập hoặc ảnh hưởng do lũ. Nhưng nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị chia cắt nhất là đường đến điểm trường, điểm phụ trên địa bàn vùng thượng nguồn. Đường ngập khiến hành trình đi tìm con chữ của thầy trò nơi đây cũng vất vả hơn nhiều nơi khác.

Ấp Giồng Bàng, nơi cách trung tâm xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự hơn 5 km, hiện đang bị chia cắt. Mọi nhu cầu di chuyển, đi lại của 70 gia đình với hơn 170 nhân khẩu đều phụ thuộc vào đường thủy. Trên tuyến dân cư được xây dựng theo cao độ của đỉnh lũ năm 2000 hiện có trường mầm non và 1 điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1 với gần 50 học sinh đang theo học.

Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng đưa các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Là giáo viên giảng dạy ở điểm phụ Giồng Bàng, Trường Tiểu học Thường Phước 1 gần 20 năm, thầy Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: Khi con nước tràn đồng, giáo viên ở đây đã quá quen với việc đi đò để đến lớp, đến trường, chuẩn bị cơm nắm cho những ngày lên lớp 2 buổi. Thời gian đến trường bằng đường thủy dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời gian đi xe vào mùa khô. Chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, tâm lý các thầy cô, học sinh phần nào cũng ảnh hưởng do nước chảy siết, nhất là khi trời mưa bão.

Khó khăn là vậy nhưng thầy Nguyễn Văn Hợp và các giáo viên ở điểm trường này đều kiên quyết bám trường, bám lớp, lặn lội mang con chữ "gieo" đến nơi được xem là "ốc đảo vùng rốn lũ" với mong muốn các em được đến trường. Dù nước thì ngập trắng đồng thì việc học của học sinh vẫn được đảm bảo.

Nếu như các em nhỏ cấp tiểu học và mầm non được học tại chỗ thì hơn 20 học sinh ở Giồng Bàng đang theo học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải băng đồng đến trường vào mùa nước nổi. Em Đỗ Thị Trúc Linh, học sinh lớp 7A7, Trường Trung học cơ sở Thường Phước 1 chia sẻ: Năm nào nước cũng ngập nên em đã quen với nước. Em đã biết bơi nhưng nước ngập sâu thì chỉ có thể đi học bằng xuồng. Do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa em đi học hàng ngày. Thật may là có phương tiện đưa đón miễn phí nên em tiếp tục có điều kiện đến trường.

Chính quyền địa phương cùng lực lượng biên phòng đưa các em ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đến trường trong mùa nước nổi. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: Là địa bàn đầu nguồn vùng lũ nên nhiều năm qua ngành giáo dục huyện cũng như chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan luôn có “kịch bản” ứng phó phù hợp với thực tiễn từng năm. Qua thống kê, năm 2018 toàn huyện có khoảng 26.000 học sinh đến trường. Do nước lũ dâng cao nên khu vực địa bàn ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 và ấp Giồng Duối xã Thường Thới Hậu A nước đã chia cắt hoàn toàn, có khoảng 45 học sinh học trung học cơ sở và trung học phổ thông cần được đưa đến trường. Công tác đưa đón học sinh đã được UBND xã, bộ đội biên phòng và người dân tổ chức 3 buổi/ngày.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 210 học sinh phải đi học bằng phương tiện đường thủy. Ngoài huyện Hồng Ngự, tại huyện Tam Nông, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường Tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kinh Kháng chiến) có hơn 150 em học sinh đi học bằng đường thủy. Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa đón qua sông... Vì vậy để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đưa đón học sinh bằng xuồng máy, được trang bị áo phao để bảo an toàn. Một số học sinh được cha mẹ trực tiếp đưa đến trường. Hoạt động đưa đón này sẽ được thực hiện đến khi hết lũ.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng 500 triệu đồng cho trường tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Nghệ An: Với nỗ lực của các thầy cô giáo, của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cùng lực lượng quân sự, Biên phòng, Công an... hàng chục trường học trên địa bàn các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (tỉnh Nghệ An) – những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 4 vừa qua đều đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ là trường dành cho học sinh 2 xã Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Chịu thiệt hại do cơn bão số 3 và số 4, hệ thống bờ rào lưới quanh trường, bể nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của học sinh bị cuốn trôi. Thầy Hoa Văn Ngành – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là trường không có điện, đường nước bị hư hỏng, đường giao thông bị chia cắt bởi khối lượng lớn đất đá trên núi đổ về chắn ngang con đường dẫn vào trường. Máy xúc không thể vào được đến nơi nên nhà trường và chính quyền địa phương cùng nỗ lực mở một lối đi nhỏ giúp các em thuận tiện tới trường.

Để đến được trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ phải đi ô tô rồi di chuyển bằng xe máy và cuối cùng là đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Đường giao thông chia cắt bởi bùn và đất đá khiến việc vận chuyển lương thực thực phẩm đến cho 380 em học sinh và giáo viên rất khó khăn.

Sau cơn bão, ngoài nỗ lực khắc phục mọi thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà trường đã gửi văn bản và liên hệ bằng điện thoại với các trưởng bản thông báo lịch đến trường cho học sinh. Trường cũng giao trách nhiệm nắm bắt thông tin học sinh của từng bản cho các giáo viên phụ trách; nếu thiếu em nào thì phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao, do các em ốm đau, muốn nghỉ học hay đang bận đi rẫy cùng gia đình…

Thầy Ngành chia sẻ: Vì là trường bán trú, các em phải có mặt tại trường sớm để ổn định sỹ số, phân phòng ở, dọn dẹp vệ sinh… Đối với học sinh lớp 6 mới nhập học, phải dạy cho các em làm quen với nề nếp sinh hoạt bán trú. Ngoài ra, những em nào kết quả năm học trước chưa đạt thì thầy cô tập trung phụ đạo, cho thi lại để quyết định có lên lớp hay không. Mặt khác, học sinh đều ở cách xa trường nửa ngày đi bộ, vì thế khi các em tới trường, chúng tôi tổ chức ăn, ở bán trú luôn.

Theo quy định, các nguồn hỗ trợ, chính sách cho học sinh vùng biên giới, con em đồng bào dân tộc thiểu số… chỉ được chi trả từ tháng 9, khi học sinh khai giảng, bước vào học chính thức. Để đưa học sinh đến trường, trong suốt 2 tuần của tháng 8, nhà trường đã trích ngân sách, có khi tạm trích lương giáo viên để nuôi ăn học sinh.

“Sáng 5/9, lễ khai giảng của trường vẫn diễn ra bình thường. Trong điều kiện còn khó khăn chồng chất, nhà trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa cho các em học sinh”, thầy Ngành cho biết.

Không chỉ có Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ, ngày 5/9, hầu hết các em lứa mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều tham dự ngày khai trường, tuy nhiên cũng còn nhiều học sinh bậc trung học cơ sở chưa thể đến trường do đang bị chia cắt về giao thông.

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: “Trong cơn bão số 4 vừa qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 12 trường học bị ảnh hưởng, trong đó có 5 trường là trường Mầm non Mường Ải, Tiểu học Mường Ải, Mầm non Mường Típ, Tiểu học Mường Típ 1 và trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Típ là bị thiệt hại nặng nề. Những ngày qua, với sự hỗ trợ của các ban, ngành và người dân địa phương, việc dọn dẹp trường lớp cho các trường bị lũ lụt đã cơ bản hoàn thành. Ngành giáo dục huyện cũng đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất của các đơn vị với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Đúng ngày khai giảng, đại diện Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng trực tiếp đến Trường Tiểu học Mường Ải hỗ trợ xây nhà công vụ với tổng số tiền 500 triệu đồng”.

Không chỉ có huyện Kỳ Sơn tuy việc khắc phục hậu quả thiên tại còn nhiều khó khăn nhưng các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông của tỉnh Nghệ An vẫn đang nỗ lực để tất cả học sinh kịp có ngày khai giảng theo đúng lịch.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức khai giảng muộn một tuần so với kế hoạch. Sau trận bão số 4, trường ngập sâu đến gần 1m, bùn đất dày đặc ở các dãy phòng học tầng 1 và khu nhà ở nội trú của học sinh. Toàn bộ sách vở cùng với đồ dùng sinh hoạt của học sinh nội trú và 36 thầy cô giáo hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng bộ đội, đoàn viên thanh niên, nhân dân cùng với thầy trò khắc phục hậu quả chuẩn bị cho năm học mới. Được biết, đây cũng là địa điểm mà trường mượn của xã Bồng Khê để tổ chức học tập cho các em. Tuy nhiên, những năm gần đây trường liên tục chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất cũng như đe dọa đến an toàn của học sinh và giáo viên mỗi khi bão lũ về.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông là trường nội trú dành cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Năm học 2018-2019, trường có 300 học sinh, trong đó có 75 em khối 6 vào nhập học.

Đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, hiện trường đã được chuyển sang địa điểm mới tại Trường Trung cấp nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại thị trấn Con Cuông. Do các công trình phụ trợ cho học sinh chưa đảm bảo nên lễ khai giảng sẽ lùi lại một tuần so với kế hoạch. Việc tổ chức dạy học bù cho các em sẽ được triển khai ngay sau khi lễ khai giảng diễn ra. Hiện nhà trường đang di chuyển đồ đạc bàn ghế và các vật dụng cá nhân của giáo viên cũng như học sinh về địa điểm mới. Theo đó, trường sẽ tổ chức học văn hóa tại Trường Trung cấp nghề và tổ chức ăn ở tại Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên và trường chính trị của huyện.

“Việc học tập và ăn ở tại địa điểm mới sẽ giúp các em học sinh và giáo viên yên tâm hơn mỗi khi có bão lũ về, tuy nhiên cũng khiến cho nhà trường khá lo lắng ở khâu an ninh, quản lý học sinh khi ở nhiều địa điểm, việc quản lý và sát sao đối với học sinh sẽ vất vả hơn khi các em học một nơi và ăn ở một nơi khác... Ngoài ra, khi về địa điểm mới mới, nhà trường cũng bắt tay xây dựng, tổ chức lại từ đầu nơi ăn chốn ở, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày cho học sinh”, thầy giáo Nguyễn Đình Nhung – Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nói.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, để tổ chức dạy học và bắt đầu năm học mới, nhiều trường học miền núi Nghệ An đang rất thiếu sách vở và bàn ghế cho học sinh. Ngoài ra, giường, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt khác cũng rất cần thiết bởi đây là trường nội trú, tất cả học sinh đều là con em đồng bào dân tộc, nhà cách xa trường. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngành giáo dục rất cần sự sẻ chia và quan tâm hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Ngày 5/9, ngoài Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông sẽ tổ chức lễ khai giảng muộn một tuần, còn 783.000 học sinh và 53.000 giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều tham gia lễ khai giảng năm học mới. Phần lễ và hội được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ ý nghĩa của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường./.

Sơn La: Hòa chung không khí náo nức chào đón năm học mới trên cả nước, sáng 5/9, hàng nghìn học sinh các cấp trên địa bàn vừa bị ảnh hưởng của lũ quét tại tỉnh Sơn La đã vui mừng, phấn khởi đón lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019.

Từ sớm, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (huyện Mai Sơn) - một trong những trường chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề từ các trận lũ quét xảy ra vào cuối tháng 8/2018, đã nô nức đến dự lễ khai giảng được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Nà Ớt.

Em Quàng Thị Huyền Trang (học sinh khối 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt) nhà ở cách điểm tổ chức lễ khai giảng gần 10km song đã có mặt từ rất sớm. Em chia sẻ, đường từ nhà đến trường đồi núi sạt lở nên đi lại rất khó khăn, bùn bắn tung khắp người nhưng em rất vui vì được đến dự lễ khai giảng năm học mới. Em mong muốn, trường tiếp tục được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành để chúng em học tập tốt hơn.

Anh Lù A Chứ, trú tại Lụng Cuông, xã Nà Ớt xúc động nói: Trong đợt lũ quét vừa qua, đồ dùng trong gia đình tôi bị thiệt hại nặng, sách vở và đồ dùng học tập của các con bị hỏng, không sử dụng được. Nhờ có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và nhà trường nên các con tôi đã có đủ sách vở, đồ dùng học tập để tiếp tục đến trường, nhất là được tham dự lễ khai giảng năm học mới ý nghĩa này.

Đúng 8 giờ ngày 5/9, thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt đã đánh hồi trống khai giảng năm học mới 2018 – 2019. Toàn trường đã lắng nghe Thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước. Năm học này, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, đơn giản song vẫn giữ được không khí trang trọng. Trên khuôn mặt các thầy cô giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hi vọng một năm học diễn ra tốt đẹp.

Được biết, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt đã bị các trận lũ quét đã làm đổ 20m kè bê tông, 15m tường chắn đất, hệ thống nhà chức năng khung sắt bị ảnh hưởng nặng nề, hệ thống bếp ăn bán trú bị phá hủy và cuốn trôi toàn bộ đồ dùng nấu ăn. Theo thầy Nguyễn Trung Huấn, hiện việc khắc phục cơ sở vật chất vẫn đang được tiến hành nhưng chưa thể tổ chức khai giảng tại điểm trường. Thực tế nhiều khó khăn, thiếu thốn song nhà trường quyết tâm vượt khó, nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, ngày 10/9, các em học sinh có thể quay lại trường học.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, động viên thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt. Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tặng hơn 300 bộ sách giáo khoa cho học sinh và toàn bộ trang thiết bị giáo dục nhà trường phục vụ năm học 2018 - 2019.

Chương Đài- Bích Huệ- Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/hoc-sinh-vung-bao-lu-khac-phuc-kho-khan-den-truong-du-khai-giang-20180905111549057.htm