Học sinh vi phạm luật giao thông: Đau đầu đi tìm lời giải!

Hiện nay, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi để sử dụng xe gắn máy có dung tích trên 50cc (phân khối) đang ở mức cảnh báo. Trong khi các vụ tai nạn giao thông thương tâm ở độ tuổi này càng tăng mà biện pháp phòng, chống lại đang chỉ mang tính chất 'răn đe'. Bài toán khó này dường như vẫn chưa có lời giải...

Nhà trường, phụ huynh có buông lỏng trong công tác quản lý?

Có mặt tại một trường THPT trên địa bàn quận Bình Thạnh, chúng tôi khá ngạc nhiên khi một lượng lớn học sinh “hồn nhiên” di chuyển trên các xe gắn máy phân khối lớn (trên 50cc) mà theo luật định, các em chưa được phép sử dụng.

Trong vai một phụ huynh đón con em ra về, PV hỏi chuyện một bảo vệ về vấn đề tại sao học sinh chưa đủ tuổi lại có thể sử dụng xe gắn máy một cách ngang nhiên như vậy thì anh này trả lời: “Theo quy định, nhà trường không cho học sinh đi xe phân khối lớn vào gửi trong trường. Tuy nhiên, ở ngoài trường học thì không thể cấm được các em. Các em đi xe và gửi xe ở ngoài khuôn viên trường vì vậy công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”.

Lân la hỏi chuyện một trong số những học sinh này, chúng tôi nhận được câu trả lời cũng “hồn nhiên” như cách mà các em điều khiển xe chưa đủ điều kiện vậy: “Thi thoảng em lấy xe gắn máy đi chứ bình thường em đi xe đạp điện, em thấy xe nào đi nhanh thì cũng chết thôi, đi xe máy em chạy chậm chắc cũng không sao đâu anh”.

Khi được hỏi về việc nếu bị cơ quan chức năng bắt và xử lý về hành vi trái pháp luật này, một nam sinh trả lời rằng: “Khi ra đường tụi em thường mặc áo khoác, “các chú” khó mà phát hiện, với lại ra đường tụi em chịu khó quan sát để né, nên bị bắt và xử lý rất ít, đôi khi xui mới bị thôi”.

Tại một trường THPT khác trên địa bàn quận 6 cũng bắt gặp số lượng lớn các em học sinh chưa đủ tuổi và điều kiện để điều khiển xe gắn máy. Các em vô tư đi trên những chiếc xe phân khối lớn, thậm chí còn không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng, vi phạm luật an toàn giao thông một cách nghiêm trọng.

Theo quan sát của phóng viên, có một lượng lớn xe dung tích trên 50cc được gửi trong khuôn viên của trường. Điều này làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên, đồng thời đặt ra câu hỏi: Nhà trường có đang giám sát chặt chẽ hay buông lỏng công tác quản lý học sinh về vấn đề an toàn giao thông?

Trao đổi với một phụ huynh học sinh về vấn đề này, anh K.D (ngụ Q. Bình Thạnh) cho hay: “Mình không cổ vũ cho việc con em đi xe máy phân khối lớn, tuy nhiên nhiều khi mình không có thời gian đưa đón cháu nên đành cho cháu đi một vài bữa chứ cấm triệt để cháu đi thì rất khó”.

Bãi giữ xe trong khuôn viên một trường THPT tại quận 6, số lượng xe phân khối lớn được gửi "khá" nhiều!

Thậm chí có một vài em học sinh tra chìa khóa vào ổ rồi rồ ga vụt đi mà... quên đội mũ bảo hiểm!

Lời giải nào cho bài toán tham gia giao thông của học sinh?

Có một thực tế đáng buồn là từ 3-4 năm nay, số vụ tai nạn giao thông, các lỗi vi phạm của người tham gia, các vụ tai nạn giao thông đối với trẻ em, đặc biệt là ở học sinh cấp 3 diễn biến phức tạp và không ngừng tăng.

Trả lời phỏng vấn báo chí về thực trạng trên, thầy Ca Thanh Tòng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6 tâm sự: “Nhà trường đã phổ biến rõ quy chế với học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, vấn đề này cần sự chung tay của toàn thể xã hội chứ chỉ riêng nhà trường thì không thể nào quản lý được”.

Ðể hạn chế hiểm họa từ xe máy phân khối lớn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có mức xử lý “nặng tay hơn” đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời trang bị kiến thức, pháp luật an toàn giao thông bằng giáo trình, lồng ghép ngay với bộ môn giáo dục công dân hoặc kỹ năng sống hiện đang có trong khối kiến thức các cấp học của học sinh.

Nhà trường cần quan tâm hơn đến việc học sinh đến trường và về nhà an toàn, thông qua các cán bộ đoàn, có giải pháp giám sát, giáo dục, thưởng phạt đối với học sinh; gắn trách nhiệm của nhà trường đối với ngành giáo dục địa phương. Với trách nhiệm gia đình, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm các thành viên gia đình trong giáo dục nội bộ, ngoài việc xử phạt người giao phương tiện cho con cái, cơ quan chức năng cần nghiên cứu có hình thức xử phạt tăng nặng để nâng cao tính răn đe.

Hy vọng với những quyết tâm của các cấp, ngành, các cơ quan chức năng và đặc biệt là của nhà trường, gia đình và chính bản thân các em học sinh, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi này sẽ tiếp tục được giảm sâu và giảm đều qua các năm học…

Khoác bộ đồ đồng phục của học sinh cấp 3 thế nhưng các em vô tư sử dụng xe máy phân khối lớn...

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.”

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-C:

“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).”

Tuệ Minh - Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/hoc-sinh-vi-pham-luat-giao-thong-dau-dau-di-tim-loi-giai-d71097.html