Học sinh tử vong khi chơi tàu lượn ở Đảo Ngọc Xanh: Có khép tội vô ý làm chết người?

Theo luật sư, trong các trường hợp khách hàng tham gia trò chơi bị tai nạn tại khu vui chơi - giải trí thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp kinh doanh khu vui chơi giải trí đó.

Tàu lượn là trò chơi mạo hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Tàu lượn là trò chơi mạo hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Các đơn vị quản lý trò chơi phải tuân thủ các quy định về quản lý vận hành, chịu trách nhiệm điều phối, đảm bảo an toàn cho người tham gia trò chơi. Cần phải có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn trong việc xác định lỗi.

Tùy vào kết quả xác minh, làm rõ của cơ quan chuyên môn, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm, với các khoản bồi thường như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý cho việc mai táng và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, cũng như các thiệt hại khác (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với cá nhân có trách nhiệm, tùy vào diễn biến của vụ việc, cũng như các hành vi vi phạm cụ thể, tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự; hoặc “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129. Mức hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù mức thấp nhất 01 năm và cao nhất có thể lên đến 12 năm tù cho cả hai tội.

Với các trò chơi mạo hiểm, các công ty kinh doanh trò chơi ý thức được nguy cơ tai nạn cho du khách nên họ mua bảo hiểm để chia sẻ rủi ro. Ngay cả khi khu du lịch không có lỗi, họ cũng nên hỗ trợ vì đó là đạo đức kinh doanh.

Ở trong vụ việc khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, để truy cứu trách nhiệm cần phải đợi thêm kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Như đã nói ở trên, cần phải xác định yếu tố lỗi để xảy ra sự việc này.

Trong trường hợp lỗi do phía Công ty Ao Vua, thì cụ thể là chủ khu du lịch Đảo Ngọc Xanh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự việc, sẽ phải bồi thường và chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tai nạn gây thương vong.

Nếu đủ cấu thành có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có lỗi trong việc quản lý, hướng dẫn và vận hành trò chơi mạo hiểm về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Về phía nhà trường và công ty du lịch, cần phải xem xét về quy trình quản lý học sinh khi đưa các cháu đến các khu vui chơi, khu du lịch. Việc các cháu học sinh tham gia trò chơi có đúng theo lịch trình của chuyến dã ngoại. Trong trường hợp có lỗi trong công tác quản lý học sinh khi đến các khu di lịch thì tùy theo từng mức độ mà lấy đó làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm.

Trong trường hợp của 03 cháu học sinh bị tai nạn, để bảo vệ quyền và lợi ích cho các cháu, gia đình cần phải bình tĩnh đợi kết luận điều tra của phía Cơ quan công an. Căn cứ vào nội dung Bản kết luận điều tra để làm cơ sở yêu cầu các bên có lỗi trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Hiện nay, để giải tỏa áp lực trong học tập, thi cử và thêm phần gắn bó, giao lưu giữa các học sinh với nhau, giữa các học sinh với thầy cô, nhiều trường học tổ chức cho học sinh đi dã ngoại. Để bảo vệ quyền và lợi ích cho các cháu, các bậc phụ huynh và nhà trường nên gặp mặt và thống nhất về trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức cho học sinh đi dã ngoại.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/hoc-sinh-tu-vong-khi-choi-tau-luon-chu-co-so-kinh-doanh-khu-du-lich-doi-dien-an-tu-275134.html