Học sinh 'trường làng' xuất sắc thiết kế cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật

Đây là ý tưởng độc đáo của hai học sinh Nguyễn Thanh Bình và Lê Văn Cường (THPT Phù Cừ, Hưng Yên) về cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật sử dụng cảm biến EMG (cảm biến cơ). Đề tài này vừa đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 – 2018 được công bố vào sáng 13.3.

Học sinh Nguyễn Thanh Bình và Lê Văn Cường (THPT Phù Cừ, Hưng Yên) trong phần thi tiếng Anh, Vòng chấm thi chọn đội thi quốc tế. Ảnh: Huyên Nguyễn

Học sinh Nguyễn Thanh Bình và Lê Văn Cường (THPT Phù Cừ, Hưng Yên) trong phần thi tiếng Anh, Vòng chấm thi chọn đội thi quốc tế. Ảnh: Huyên Nguyễn

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng đề tài, học sinh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Theo con số của Bộ LĐTB&XH, tính đến tháng 6.2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó, rất nhiều người khuyết tật cánh tay, gây khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác, giá thành sản phẩm trên thế giới quá cao, không phù hợp với thu nhập của người Việt.

Vì vậy, các bạn học sinh đã hình thành ý tưởng thiết kế, chế tạo một cánh tay hỗ trợ người khuyết tật cánh tay do tai nạn trên nguyên tắc điều khiển cánh tay bằng tín hiệu cơ do chính cánh tay bị mất tạo ra thông qua cảm biến EMG.

Video thực hiện thử nghiệm. Nguồn: NVCC

Theo đó, cánh tay robot này có cấu tạo, hình dạng mô phỏng theo cánh tay người thật. Phần khung được sản xuất bằng công nghệ in 3D, kích thước, hình dáng có thể thay đổi phù hợp với người dùng.

Phần các ngón tay được thiết kế sao cho có thể chuyển động linh hoạt với các chuyển động cơ bản của ngón tay như cầm nắm, co duỗi. Bàn tay được thiết kế để có thể thực hiện được các chuyển động xoay trái, xoay phải, kết hợp cùng ngón tay để cầm nắm các vật.

Cảm biến EMG có nhiệm vụ nhận tín hiệu điện từ cơ tay của người khuyết tật, gửi tín hiệu đến bộ vi xử lý thông qua giao tiếp bluetooth để điều khiển hoạt động của các động cơ.

Em Bình chia sẻ, qua thử nghiệm thực tế, cánh tay này có thể đem lại cảm giác thực như thật.

Nói về rào cản kĩ thuật khi thực hiện, Bình cho hay, có khá nhiều linh kiện, vật liệu phải nhập khẩu chứ Việt Nam không có sẵn. Bên cạnh đó, chỉ có hai người phải vừa học vừa nghiên cứu quá nhiều việc nên khá mất công sức.

Kể về quãng thời gian thực hiện đề tài, em Lê Văn Cường chia sẻ: “Do là trường ở vùng quê nên việc để có thể nhận được sự trợ giúp của các giáo sư và chuyên gia là không có. Rất may, chúng em nhận được sự hỗ trợ của thầy hướng dẫn Lê Đức Thiện và các thầy cô giáo trong trường đã tạo động lực cho chúng em sáng tạo và tiếp tục thực hiện cánh tay robot này”.

Giai đoạn tâm đắc nhất của là khi hoàn thiện sản phẩm và đưa ra để thử nghiệm công trình. Việc người dùng phản hồi cánh tay hoạt động ổn định và rất hài lòng là niềm vui lớn nhất của hai cậu học sinh trường làng.

Được biết, tổng cộng giá vật liệu để sản xuất chỉ mất khoảng 8 – 9 triệu đồng/chiếc. Nếu được sản xuất đại trà, chi phí thấp hơn, sản phẩm này kì vọng giúp cho những người tàn tật có hơi hội tiếp cận, hỗ trợ trong cuộc sống.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hoc-sinh-truong-lang-xuat-sac-thiet-ke-canh-tay-robot-ho-tro-nguoi-khuyet-tat-595404.ldo