Học sinh tiểu học được hướng nghiệp: Sự thật là...

Một ngày, con có cả 3 ước mơ, mà lại còn ước mơ làm cắt tóc, gội đầu thì chị nên hướng nghiệp cho con thế nào?

Một ngày 3 ước mơ

Dự thảo thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, được áp dụng ngay từ bậc tiểu học đang làm các bậc phụ huynh băn khoăn.

Học sinh được hướng nghiệp từ bậc tiểu học thông qua nhiều hoạt động ở trường lớp. Ảnh: Dân trí

Học sinh được hướng nghiệp từ bậc tiểu học thông qua nhiều hoạt động ở trường lớp. Ảnh: Dân trí

Kể lại ước mơ của mình, chị Nguyễn Thanh Hằng (Hà Nội) chia sẻ, con chị khi được 6 tuổi thì ước mơ làm nghề lái xe.

Tâm sự của con rất giản dị đó là lái xe thì ngày nào cũng được đi chơi bằng xe ô tô, nên con thích làm lái xe.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, con lại thích làm cảnh sát giao thông vì làm cảnh sát giao thông được mặc quần áo đồng phục màu vàng rất đẹp.

Cảnh sát giao thông còn được đứng ở ngoài đường giơ tay ra hiệu lệnh, cho đi mới được đi, bảo dừng xe là phải dừng, khiến ai đi đường cũng phải nghe theo.

Thi thoảng, chú cảnh sát giao thông lại được thổi còi, vẫy vẫy, bắt lại một người vượt đèn đỏ, không nghe theo hiệu lệnh.

"Cháu thích làm cảnh sát giao thông vì rất oai, được điều khiển, bắt vi phạm, nói ai cũng phải nghe", chị Thanh Hằng kể.

Còn con trai của chị Phạm Thị Minh (Ba La, Hà Đông) thì tâm sự, thích làm người bán bánh mì.

"Con rất thích ăn bánh mì, nên hàng ngày thấy cô bán bánh mì bán rong đi qua là con lại ao ước được làm nghề bán bánh mì để được ăn bánh mì cả ngày", chị Minh kể.

Tuy nhiên, khi con vào lớp 2, con cũng đã lớn hơn thì con lại ước được làm bộ đội.

"Con thích làm chú bộ đội vì ngưỡng mộ chú bộ đội anh hùng, chú bộ đội đánh giặc, vì ngưỡng mộ chú bộ đội mà mọi thói quen sinh hoạt của con đều gắn với hình ảnh chú bộ đội, từ chuyện mặc quần áo bộ đội, đội mũ bộ đội cho tới xem phim, hát bài hát có chú bộ đội.

Đến khi lớn hơn một chút nữa, con đi đường thấy chú bộ đội phải đào đường, đi bộ, kéo cột điện... con sợ quá thì lại đổi ý không muốn làm chú bộ đội nữa.

Đến giờ thì chưa thấy con chia sẻ thích làm nghề gì nữa", chị Minh tâm sự.

Đặc biệt, con gái chị Vũ Như Quỳnh (Chương Mỹ, Hà Nội) thì chia sẻ cả 3 ước mơ chỉ trong một ngày.

"Sáng con muốn làm một người tạo mẫu tóc vì con thích chải tóc cho búp bê.

Chiều con lại thích là nhà thiết kế để may thật nhiều quần áo đẹp cho búp bê.

Đến tối, con lại muốn trở thành cô giáo để dạy búp bê học.

Mẹ cũng chóng mặt với ước mơ của con luôn", chị Quỳnh kể.

Khi được trao đổi về dự thảo mới Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vừa ban hành, trong đó có nội dung hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học hầu hết các phụ huynh đều băn khoăn.

Chị Quỳnh lo lắng, con chị một ngày có cả 3 ước mơ, mà lại còn ước mơ làm cắt tóc, gội đầu thì chị nên hướng nghiệp cho con thế nào?

Còn chị Hằng thì băn khoăn, các con còn bé chưa hiểu gì về nghề nghiệp, nếu tích hợp nội dung này trong giảng dạy thì việc giảng dạy và hướng nghiệp sẽ được thực hiện thế nào trên lớp học? Mục đích của việc hướng nghiệp này là gì, có phải cho các nhận thức sớm về nghề nghiệp hay chỉ là để làm quen, nhận biết công việc rồi từ đó hình thành nên ước mơ cho trẻ?

Không nên áp dụng cứng nhắc

Chia sẻ trước lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước về GDNN cho biết, hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học là xu hướng chung các quốc gia trên thế giới, quan trọng là cách hiểu và cách thực hiện như thế nào.

Trước hết, vị PGS khẳng định, mục đích là hướng nghiệp cho học sinh tiểu học không có nghĩa là định hướng ngay cho học sinh về nghề nghiệp một cách khô cứng, nguyên tắc mà cần phải hiểu hướng nghiệp là "cho học sinh làm quen với thế giới việc làm, làm quen để nắm bắt được tâm lý học sinh, xu hướng yêu thích công việc trong cuộc sống".

"Nếu hiểu hướng nghiệp là giáo dục nghề nghiệp cho học sinh là không đúng. Mục đích là để học sinh chơi với thế giới lao động, để nhận biết một số công việc nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội để khơi dậy niềm yêu thích công việc trong mỗi học sinh. Nói cách khác, là tác động nhằm tạo ra những con người làm việc thông qua việc phát hiện những sở thích, thế mạnh, sở trường của người học để khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển.

Việc này chỉ nên áp dụng từ học sinh lớp 3 trở lên, không nên áp dụng với học sinh học lớp 1", vị chuyên gia nói.

Cũng theo vị chuyên gia, muốn lồng ghép chương trình này vào trong giáo dục, giảng dạy thì đòi hỏi phải có những chuyên gia tư vấn hướng nghiệp rất chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nắm chắc tâm lý học sinh, có kỹ năng làm việc với học sinh mới đảm đương được công việc này.

"Không thể tổ chức theo hình thức chia giờ học và đến giờ học cơ khí, hay nghề mộc là lại bắt học sinh mang kìm, mang búa lên lớp nghe giảng hoặc xuống xưởng học nghề. Như vậy thì không khác nào đang bắt học sinh đi lao động, làm công nhân.

Càng không thể giao cho một giáo viên đứng lớp giảng dạy về nghề nghiệp cho học sinh như đọc bài cho học sinh chép được.

Học là phải gắn với chơi, nghĩa là công cụ tác động vào học sinh phải mới và hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý học sinh.

Nói tóm lại là phải thiết kế được đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp, cơ sở vật chất khoa học, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận mới của học sinh, tránh tình trạng nhồi nhét hóa, hình thức hóa", vị chuyên gia lưu ý.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-tieu-hoc-duoc-huong-nghiep-su-that-la-3419371/