Học sinh THPT nói gì trước ý kiến nam sinh nên mặc áo dài khi đến trường

Vừa qua, trong chương trình 'Truyền cảm hứng về áo dài' được tổ chức tại trường THPT Marie Curie (TP. Hồ Chí Minh) vào sáng 2/11, nghệ sĩ Kim Xuân đã nêu ý kiến mong muốn nam sinh sẽ mặc áo dài vào buổi chào cờ thứ 2 đầu tuần. Xung quanh đề xuất này nhiều học sinh đã đưa ra quan điểm, nhận định của mình.

Học sinh thấy "bất ngờ", "thắc mắc"

Chia sẻ về ý kiến này, nhiều học sinh nam tỏ ra bất ngờ. Đa phần các em không phủ nhận việc mặc áo dài là một cách lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt, tuy nhiên cũng bày tỏ nhiều lo ngại về sự hợp lý, tính thực tế của ý tưởng này.

Phạm Thành Vinh, sinh năm 2004, lớp chuyên Tin học, trường THPT Chuyên Hải Phòng chia sẻ thẳng thắn: "Em thấy quá rườm rà. Dù biết áo dài là trang phục truyền thống nhưng thực sự không thuận tiện với các bạn nam. Các bạn nam đa phần là thích hoạt động thể thao, vui chơi giải trí. Thật khó hình dung khi vừa mặc áo dài vừa đánh bóng chuyền hay chơi bóng rổ".

Hình ảnh các nam sinh lớp 12B10 (niên khóa 2015-2016) trường THPT Trần Hưng Đạo, Tiền Giang diện áo dài nữ sinh để chụp ảnh kỷ yếu đã từng "gây sốt" trong một thời gian dài. (ảnh: NVCC).

Hình ảnh các nam sinh lớp 12B10 (niên khóa 2015-2016) trường THPT Trần Hưng Đạo, Tiền Giang diện áo dài nữ sinh để chụp ảnh kỷ yếu đã từng "gây sốt" trong một thời gian dài. (ảnh: NVCC).

Đồng quan điểm, em Nguyễn Huy Lâm, lớp 10D5, THPT Phan Đình Phùng cho rằng: "Việc mặc áo dài với con trai khiến em rất bất ngờ. Chúng em thấy không tự tin khi mặc vì nhìn rất nữ tính. Đặc biệt là mặc áo dài mà đi giày thể thao thì không hợp. Chúng em không biết sẽ phối hợp với cái gì để phù hợp khi các bạn nữ thì đã có giày cao gót".

Không chỉ với các nam sinh, các học sinh nữ cũng bày tỏ thắc mắc về tính phù hợp của đề xuất này. Em Nguyễn Hồng Hiếu, lớp 12D3, trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội cho rằng: "Trước đây em cũng đã thấy các bạn nam cũng đã mặc áo dài trong các buổi diễn văn nghệ. Đây cũng là một cách để giữ gìn văn hóa nhưng mặc áo dài với các bạn nam trong những ngày thường thì thực sự bất tiện. Nhiều người cho rằng như thế là bình đẳng giới nhưng em thấy bắt con trai mặc áo dài cũng giống như bắt con gái phải mặc comple, đóng thùng đi dày bệt. Thực sự không phù hợp".

Chuyên gia văn hóa cho rằng "phải thận trọng"

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh: "Đề xuất này hoàn toàn không hợp lý. Chúng ta mất gần một thế kỷ để có thể tìm ra trang phục hợp chuẩn mực cho nam giới giờ lại quay lại mặc áo dài thì thật khó chấp nhận. Đặc trưng xã hội qua từng thời điểm là hoàn toàn khác biệt. Con trai thời xưa chỉ đi bộ, thời nay phải sử dụng nhiều phương tiện nếu mặc áo dài rất rườm rà nếu không muốn nói là phiền phức".

Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung

Không chỉ vậy, chuyên gia Phạm Ngọc Trung còn cho rằng nếu không nghiên cứu kỹ mà áp dụng sẽ gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Thứ nhất, không phải ở vùng miền nào áo dài truyền thống cũng là văn hóa. Mỗi dân tộc, địa bàn sẽ có một đặc trưng về trang phục riêng. Thứ hai, để có thể may áo dài cũng cần phải có kinh phí không phải học sinh nào, gia đình nào cũng đủ điều kiện để may áo. Chưa kể, cần phải có nhiều áo để thay đổi. Thứ ba, về đặc tính giới, con trai vốn thích vận động, chơi các môn thể thao mạnh thì việc mặc áo dài là hoàn toàn không phù hợp.

Trước đó, đại diện trường THPT Marie Curie cũng đã nêu rõ quan điểm về việc đề xuất này khó được thực hiện trong thời điểm hiện tại với lý do không phù hợp với nam giới và tốn kém trong chi phí cho phụ huynh, học sinh. Chiếc áo dài vốn từ lâu đã trở thành niềm tự hào với người phụ nữ Việt Nam nhằm tôn trọn vẻ đẹp, thần sắc của nữ giới. Nhưng việc đề xuất nam sinh mặc áo dài thì cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng tránh rập khuôn gây tranh cãi trong dư luận xã hội như câu chuyện nam giới mặc áo dài tại công sở ở Thừa Thiên Huế vừa qua.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoc-sinh-thpt-noi-gi-truoc-y-kien-nam-sinh-nen-mac-ao-dai-khi-den-truong-20201106170613647.htm