Học sinh thiết kế hệ thống chữa cháy tự động

Hệ thống này sẽ tự động phát tín hiệu khi có cháy, tự mở béc phun nước chữa cháy, mở cửa thoát hiểm, bung thang dây, giúp người ở trong khu vực cháy thoát nạn… Sản phẩm có những tính năng đặc biệt này do nhóm HS THPT ở Vĩnh Long sáng chế. Đó là hai em HS Đoàn Thanh Thường và Nguyễn Châu Bảo Duy, lớp 12A5 Trường THPT Trà Ôn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long).

Hai học sinh và mô hình hệ thống chữa cháy tự động

Hai học sinh và mô hình hệ thống chữa cháy tự động

Gia đình nào cũng có nguy cơ bị cháy

Nhiều lần xem các chương trình thời sự, đọc báo nói về những vụ cháy, có vụ làm chết cả chục người khiến Đoàn Thanh Thường, HS Trường THPT Trà Ôn băn khoăn. Nhận thấy kỹ năng thoát hiểm, kiến thức về phòng cháy chữa cháy của nhiều người còn hạn chế, Thường cùng với Duy đã trực tiếp khảo sát để tìm hiểu vấn đề này.

Hai em đã tiến hành khảo sát, ghi nhận thực tế tại địa phương và nhận thấy người dân cất nhà còn sử dụng các vật liệu như gỗ, lá... đều là vật liệu dễ cháy. Tại các hộ dân hầu như không có thiết bị chữa cháy. Mặt khác, kết quả khảo sát của nhóm đã thống kê nhiều nhà dân có thiết kế dạng nhà ống, không có cửa thoát hiểm, hoặc nếu có thì được khóa kỹ do sợ trộm. Qua nhiều vụ cháy ở nhà dân, hoặc ở các chung cư cho thấy nhiều trường hợp thương tâm.

Nếu có một thiết bị lắp đặt trong nhà với nhiều tính năng vừa tự động phát hiện nguyên nhân có thể bùng phát lửa, vừa nhanh chóng báo động, vừa phun nước dập lửa; đồng thời, hệ thống tự mở cửa thoát hiểm, bật thang dây nếu nơi xảy ra cháy là nhà cao tầng thì người dân không còn lo lắng khi xảy ra hỏa hoạn. Từ thực trạng trên, hai em HS đã mạnh dạn lên ý tưởng và chế tạo ra thiết bị chữa cháy cho hộ gia đình nhỏ.

Toàn bộ mô hình hệ thống chữa cháy tự động của nhóm

Chữa cháy, cứu hộ hoàn toàn tự động

Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, nhóm đã thiết kế hệ thống chữa cháy tự động cho gia đình nhỏ. Cụ thể, nhóm sẽ đặt cảm biến nhiệt độ ở các khu vực khác nhau trong nhà và đo nhiệt độ bằng nhiệt kế.

Sau đó, nhóm cài đặt nhiệt độ phù hợp để vận hành hệ thống. Ở các vị trí khác nhau, nhiệt độ sẽ được cài đặt khác nhau nhằm tăng khả năng tự kích hoạt chính xác của cả hệ thống khi có cháy. Khu vực bếp ăn sẽ có mức nhiệt được cài đặt cao hơn khu vực phòng khách hay phòng ngủ. Khi cảm biến ghi nhận nhiệt độ vượt quá cài đặt, hệ thống sẽ hoạt động. Chuông báo đặt ngay trên cửa thoát hiểm để người trong nhà, khách đến chơi hoặc công nhân trong các nhà xưởng... lần theo hướng đó (trong điều kiện khói bụi, hỗn loạn) và có thể nhanh chóng xác định được vị trí cửa thoát hiểm.

Hệ thống thang dây tự động thả xuống khi có cháy

Khi hệ thống hoạt động, khóa điện ở cửa thoát hiểm tự động bật mở. Theo Đoàn Thanh Thường, nhóm không sử dụng khóa thường ở cửa thoát hiểm vì thực tế nhiều vụ cháy xảy ra, khi người dân đến được cửa thoát hiểm rồi nhưng không thoát ra được.

Với nhà cao tầng, khi hệ thống cửa thoát hiểm hoạt động thì thang dây có khả năng chống cháy cũng sẽ tự động bật ra. Đồng thời, hệ thống bật cũng sẽ bơm nước để dập lửa ở các vị trí lắp đặt béc phun nước với đường phun dài hơn 5 mét. Khi đến một nhiệt độ giảm, hệ thống sẽ dừng hoạt động.

Khi tại khu vực xảy ra cháy bị cắt điện, cúp nước thì thiết bị này tự động chuyển sang sử dụng nguồn điện dự phòng và nguồn nước có trong bộ thiết bị, đảm bảo việc chữa cháy, cứu người diễn ra liên tục.

Hệ thống chữa cháy được bảo vệ an toàn, dây dẫn kết nối với các thiết bị được bọc chống cháy lên tới 500 độ C nên có thể hoạt động liên tục mà không sợ bị lửa làm mất kết nối.

Tại cuộc thi “Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2019 - khu vực phía Nam” vừa tổ chức tại ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM, sản phẩm của nhóm đã giành được sự quan tâm và kết nối của một doanh nghiệp để bàn cách hợp tác thương mại hóa sản phẩm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/hoc-sinh-thiet-ke-he-thong-chua-chay-tu-dong-3992275-b.html