Học sinh Sài Gòn nghỉ Hè đi… làm thuê

Làm thêm dịp Hè trước giờ thường gắn với những sinh viên nghèo sống xa gia đình, muốn tranh thủ thời gian nghỉ Hè ngắn ngủi để làm thêm với mục đích chính là kiếm thêm 'nguồn tài chính' tự trang trải cho cuộc sống của bản thân. Thế nhưng, Hè năm nay còn có thêm không ít bạn trẻ đang học phổ thông, gia đình ở ngay tại TP.HCM, vẫn xung phong 'gia nhập thị trường lao động'…

KHÔNG CHỈ “LÀM CHO VUI”!...

“Thỉnh thoảng đọc sách, xem phim, thấy có những người còn nhỏ tuổi nhưng vẫn tìm cách thoát khỏi sự bảo bọc và chi phối của gia đình, tương đối chủ động trong cuộc sống, em rất mê. Vì thế, Hè này em đã tự tìm cho mình một công việc tạm thời để có thể trải nghiệm cảm giác được “tự làm chủ” cuộc sống của mình”, Trần Thu Hiền, học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở quận 12, TPHCM chia sẻ.

Một số học sinh, sinh viên mặc dù có nhà ở Sài Gòn nhưng vẫn xin đi làm thêm để tìm những cơ hội trải nghiệm mới

Một số học sinh, sinh viên mặc dù có nhà ở Sài Gòn nhưng vẫn xin đi làm thêm để tìm những cơ hội trải nghiệm mới

Hiền có một người cô ruột mở quán ăn gia đình, và em “xung phong” vào làm một chân phụ bếp với tiền công 3 triệu đồng/tháng. Ngay sau khi nghỉ Hè được 1 tuần, Hiền đã đến nhận việc. Ban đầu, bị cha mẹ phản đối, vì “nhà mình đâu có nghèo đến nỗi phải cho con đi làm mướn” – như lời mẹ cô, nhưng Hiền vẫn một mực bảo vệ “cái lý” của mình. Vả lại, nơi làm việc cũng là của người trong nhà, nên chẳng có gì phải lo ngại. “Hàng ngày em làm theo ca từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều, công việc chủ yếu là chuyển thực phẩm từ kho lên bếp, nhặt rau, rửa thịt, cá trước khi đưa vào bếp để chế biến, rồi làm vài việc “lặt vặt” theo chỉ đạo của những người trực tiếp đứng bếp. Công việc tưởng đơn giản vậy, mà mấy ngày đầu chưa quen, em chạy việc không kịp, lúc nào cũng phải gắng sức nên mệt khủng khiếp!”, Thu Hiền tâm sự.

Đến giờ, sau 2 tuần “nhập môn”, em đã khá quen với công việc. Và quan trọng hơn là đã bắt đầu cảm thấy hứng thú khi biết cách tự sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học. “Trước giờ chỉ biết xài tiền của cha mẹ cho, đến giờ em mới biết là kiếm được đồng tiền thật sự là khó nhọc, vất vả”, em chia sẻ. Sau giờ làm, em lại về nhà để ôn bài và tận hưởng khoảng thời gian vui thú với bạn bè.

Không may mắn như Thu Hiền khi có sẵn một chỗ làm tại cơ sở của người nhà, em Hoài Trang, học sinh lớp 11 tại quận Thủ Đức, phải tự lần mò để tìm một chỗ làm thích hợp trong những tháng ngày nghỉ Hè. “Em không thích làm ở các quán cà phê hay quán nhậu, mặc dù việc ở đó khá nhiều, lương bổng cũng chẳng đến nỗi nào. Vì môi trường làm việc ở đó khá phức tạp, không phù hợp với những nữ sinh mới lớn như em. Trong khi đó, những cơ sở sản xuất thì lại thường tuyển lao động làm cố định. Phải nhờ bạn bè giúp đỡ, cuối cùng em mới được nhận vào làm tiếp thị cho một nhãn hiệu mỹ phẩm. Với công việc này, em chỉ được người quản lý chu cấp chi phí đi lại 1 triệu đồng/tháng, còn lại là hưởng “hoa hồng” trên sản phẩm mình bán được. Thú thực, đây là một công việc đầy khó khăn, nhưng em lại có cơ hội mở rộng quan hệ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Hy vọng với công việc này em sẽ trưởng thành hơn”, Hoài Trang tâm sự.

Thị trường việc làm Hè cho sinh viên, học sinh khá phong phú, nhiều kênh để tìm việc mở ra tạo thuận lợi cho người có nhu cầu tìm việc

Còn Lê Hà My, học sinh Trường THPT Marie Curie, quận 3, lại xin làm “nhân viên” thời vụ của một nhà sách tư nhân. “Với em, bán sách là một công việc vô cùng thú vị vì em rất yêu sách. Không chỉ tập làm việc, mà ở đây em còn được đọc sách miễn phí trong những lúc rảnh rỗi, nhờ đó mà tiết kiệm được khá nhiều tiền mua sách. Em cảm thấy rất vui với công việc của mình”, My cho biết.

TỰ THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH HƠN

Trong khi thị trường việc làm mùa Hè cho sinh viên năm nay không quá sôi động khi số đầu việc khá hạn chế so với những năm trước, mức tiền công cũng không cao hơn, khiến cánh sinh viên có nhu cầu làm thêm mùa Hè cảm thấy khá thất vọng, thì với số học sinh, sinh viên có nhà ngay tại TP.HCM, chỉ coi đi làm thêm như một cơ hội để trải nghiệm và tích lũy vốn sống, còn thu nhập “không thành vấn đề” lại có khá nhiều lựa chọn.

Có rất nhiều loại hình công việc để những "người lao động nghiệp dư" lựa chọn

Khác với đa số các bạn nữ, công việc chạy bàn tại quán cà phê hay quán ăn được nhiều nam sinh lựa chọn. Hoàng Vũ, một học sinh lớp 10 ở quận Tân Bình, kể: “Khi nghe em trình bày sắp tới sẽ đi chạy bàn ở quán cà phê, cả ba và mẹ em đều muốn… xỉu luôn. Vì từ trước tới giờ em chỉ biết ăn học và chơi. Ngoài giờ học thì chơi game với bạn bè, chẳng bao giờ phải làm việc gì hết. Hơn nữa, nhà em cũng không nghèo, cả ba mẹ đều làm kinh doanh, em cần gì cũng đều được đáp ứng ngay lập tức. Thế nhưng, sau 10 ngày làm ở quán cà phê, điều khiến em ấn tượng nhất lại là… áp lực mà công việc mang lại. Áp lực ấy có thể khiến mình cảm thấy mệt mỏi, nhưng cũng buộc mình phải cố gắng, nỗ lực hơn. Hiện thời, cuộc sống của em là thuận lợi, nhưng làm chung với một số nhân viên khác trong quán, em mới nghĩ tới chuyện, liệu sự thuận lợi ấy có ở lại mãi với mình hay không? Liệu mình sẽ sống ra sao nếu như ngày nào đó cuộc sống không còn thuận lợi nữa, cha mẹ không còn bảo bọc, chu cấp đầy đủ cho mình nữa? Khi ấy, khả năng thích ứng với áp lực từ cuộc sống, mà công việc đã mang lại cho em những ngày qua, hẳn sẽ giúp ích cho em rất nhiều”.

Quả thực, chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi nghe dòng suy nghĩ ấy từ một cậu bé có vẻ mặt rất “bơ sữa”, phong cách cũng khá “công tử” như Hoàng Vũ.

Những việc làm thêm trong dịp Hè sẽ giúp nhiều bạn trẻ trưởng thành hơn, xác định rõ hơn hướng đi cho tương lai của mình

Qua tiếp xúc với một số “lao động trẻ” làm thêm trong kỳ nghỉ Hè, điều khiến chúng tôi nhận rõ sự khác biệt giữa họ với số còn lại, đó là khả năng định hướng cho tương lai. Nhiều em nói rằng, trước giờ các em chỉ nghĩ học là để được điểm cao, để vượt qua các kỳ thi, chứ không nghĩ học là để sau này đi làm việc. Vì thế mà các em chỉ biết học để mà… học! Còn đến giờ, các em đã biết cần phải học như thế nào, tập trung đầu tư học những gì để sau này có thể sử dụng kiến thức phục vụ cho công việc trong tương lai. Có lẽ đó chính là điều mà nhiều trường phổ thông hiện chưa đảm nhiệm được, và cần phải “nhờ” đến thực tế lao động mà các em trực tiếp tham gia thì mới mong bổ khuyết.

Mùa Hè với đa số học sinh là khoảng thời gian để “nghỉ xả hơi”, để cùng gia đình đi du lịch, thăm thú nhiều nơi, hoặc ít nhất cũng là lúc có thể tự do vui chơi theo sở thích. Thế nhưng, vẫn có một số bạn trẻ chọn cách “sử dụng” kỳ nghỉ Hè của mình nhằm tăng cường những cơ hội trải nghiệm, để qua đó có thể hiểu một cách sâu sắc hơn về cuộc sống, xác định những hướng đi thích hợp cho tương lai…

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hoc-sinh-sai-gon-nghi-he-di-lam-thue-d99366.html