Học sinh phải được phản biện, thể hiện cái tôi để phát triển toàn diện

PGS.TS. Lê Thanh Bình – Phó Đại sứ Việt Nam tại Na Uy, giảng viên cao cấp Học viện Ngoại giao đã nói như vậy với Thế Giới Tiếp Thị Online khi được hỏi về cách giáo dục học sinh tiểu học để các con phát triển một cách toàn diện nhất.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những ngày qua tại Hà Nội và một số địa phương xảy ra hiện tượng cô giáo ép học sinh tát các bạn. Ông nghĩ sao về chuyện này?

-Tôi không đánh giá hiện tượng này một cách chủ quan vì tôi không có nhiều thông tin. Theo tôi biết, ở Na Uy không bao giờ xảy ra vấn đề đó. Bởi họ dạy trẻ em nhận định vấn đề rất logic và cho các con phản biện, định hướng từ rất sớm. Và khi ngay từ nhỏ các con đã được tiếp cận sự nhân văn, có tính cộng đồng cao, có thực tiễn về kỹ năng sống thì những chuyện bạo hành như vậy là không xảy ra…

Vậy ở Na Uy đã dạy cho học sinh thể hiện cá tính và sự phản biện như thế nào để các con có thể tự bảo vệ mình?

-Ở Na Uy, ngay từ nhỏ các con đã được khuyến khích phản biện, trình bày ý kiến của mình. Nếu thầy cô, bố mẹ có sự ép buộc thì các con được quyền phản ứng. Nếu bố mẹ đánh con hay có hành động bạo lực thì các con có thể mách cô giáo.

Nếu cô giáo thấy học sinh của mình tay chân, thân thể bị bầm tím thì cô sẽ báo với cơ quan chức năng. Nếu bố mẹ tái phạm thì sẽ không được quyền nuôi con, các con sẽ được đưa vào các cơ sở xã hội Na Uy nuôi và bố mẹ chỉ được đến thăm theo quy định.

Tóm lại, chuyện phản biện để bày tỏ ý kiến của các học sinh là chuyện rất bình thường, không có chuyện các con học theo kiểu bị động, một chiều và càng không có chuyện các con bị bạo hành…

Na Uy lựa chọn giáo viên tiểu học như thế nào, thưa ông?

-Nói chung trình độ dân trí ở quốc gia này rất cao. Người dân sống hướng thiện, nhân văn, chân – thiện – mỹ, đề cao con người và rất quan tâm tới cộng đồng. Việc lựa chọn giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học rất quy củ và nghiêm ngặt. Thứ nhất, giáo viên tiểu học phải có học vấn tốt, phải biết cách trình bày, có năng khiếu sư phạm và đặc biệt họ phải yêu công việc này.

Những ứng viên được lựa chọn để trở thành giáo viên tiểu học phải qua vòng kiểm tra hồ sơ với điểm tâm lý, văn hóa cao; ứng viên phải có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, có tính hài hước, thông minh… và phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn để hội đồng đánh giá lựa chọn và đưa ra quyết định.

Đặc biệt, nhiều trường đại học tại Na Uy chỉ có thời gian đào tạo là 3 năm. Nhưng với ngành sư phạm tiểu học thì yêu cầu đào tạo chặt chẽ và lâu hơn, lên tới 4 năm. Và sinh viên sư phạm phải học rất nhiều cả về lý thuyết và thực tiễn. Sinh viên phải đi đến các trường thực tập, làm việc theo nhóm để bổ khuyết những cái thiếu và soi sáng lý thuyết…

Sinh viên sư phạm được đào tạo bài bản và yêu cầu cao như vậy thì khi trở thành giáo viên, các em lại truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà mình lĩnh hội được cho các học sinh. Và các bé học sinh tiểu học được học đều tất cả các lĩnh vực để sau này các con có thể phát triển mọi mặt.

Một điểm nữa, Na Uy là đất nước đa văn hóa, nên họ rất tôn trọng văn hóa của từng quốc gia. Cho dù bạn xuất thân từ nền văn hóa nào thì họ cũng tôn trọng và khuyến khích để mọi người biểu hiện cái tôi của nền văn hóa đó. Và những người kém may mắn, những người yếu thế trong xã hội luôn được phát biểu, trình bày những ý kiến, ý tưởng về văn hóa của đất nước mình.

Theo ông, tại Việt Nam, giáo viên tiểu học phải đáp ứng yêu cầu cơ bản gì?

-Tại thời điểm này khó có thể đưa ra được đầy đủ mọi vấn đề, vì hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn phát triển, điều chỉnh. Nhưng ngắn gọn lại và cũng là mấu chốt của vấn đề là phải lựa chọn kỹ người làm giáo dục, đặc biệt là giáo viên tiểu học phải là người giỏi sư phạm, phải là người có văn hóa và có tâm huyết với nghề... Chứ nếu là người làm công tác hành chính thuần túy thì không nên tham gia vào lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

HƯƠNG GIANG thực hiện

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hoc-sinh-phai-duoc-phan-bien-the-hien-cai-toi-de-phat-trien-toan-dien-19962.html