Học sinh nội trú phải được an toàn, yêu thương như trong gia đình

Tại hội nghị tổng kết 10 trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008-2018, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh yêu cầu học sinh trong môi trường này phải được đảm bảo an toàn, yêu thương như trong chính gia đình mình.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh nội trú - Ảnh TUỆ NGUYỄN

Nhắc lại trước hội nghị về sự việc hiệu trưởng bị tố cáo xâm hại học sinh gây chấn động dư luận thời gian gần đây, ông Phùng Xuân Nhạ nói bản thân ông rất đau lòng, đồng thời khẳng định đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường phổ thông dân tộc nội trú.

"Với các cháu trong trường nội trú, xa nhà, do vậy các thầy cô phải đóng vai trò như bố mẹ trong gia đình, nhưng nếu các thầy cô không gương mẫu, mà còn có những hành vi phi đạo đức như trên thì không thể chấp nhận được, đành rằng đây là trường hợp cá biệt", ông Nhạ bày tỏ.

Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường này hết sức quan trọng, ngoài việc đánh giá theo chuẩn chung về nghề nghiệp đạo đức, lối sống, các thầy cô trường phổ thông dân tộc nội trú còn có yêu cầu khác. Do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ nên bản thân các em và và gia đình đều coi các thầy cô như cha mẹ, chăm sóc, giáo dưỡng học sinh như cha mẹ trong gia đình. Do vậy, các trường nội trú phải có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh được an toàn, được yêu thương như chính trong gia đình mình.

Ông Nhạ cũng lưu ý vai trò của thầy giáo, cô giáo trong các trườn phổ thông nội trú không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, nếu như không chuẩn hóa đội ngũ, không rèn luyện thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, sẽ dẫn đến một số giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức từ nhận thức đến hành động, dẫn đến sự vụ rất đau lòng như vừa rồi. Mặc dù phòng, chống, giới thiệu giáo dục giới tính cho học sinh là cần thiết nhưng về phía nhà trường, sự gương mẫu của các thầy cô là quan trọng.

"Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, chúng ta phải đặc biệt quan tâm để làm sao một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác, nhưng mặt khác phải thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp, chế tài để nâng cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống hành vi ứng xử", ông Nhạ yêu cầu.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay, toàn quốc có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh/thành phố với 109.245 học sinh. Trong đó, có 58 trường cấp tỉnh (35.214 HS); 256 trường cấp huyện (74.031 học sinh), 3 trường thuộc Bộ GD-ĐT. Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 600 học sinh/trường, trường cấp huyện khoảng 290 học sinh/trường.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-noi-tru-phai-duoc-an-toan-yeu-thuong-nhu-trong-gia-dinh-1034546.html