Học sinh nhận xét giảng viên: Sao cho vừa thấu hiểu, vừa không lệch ý nghĩa vấn đề

Giáo dục hiện nay theo xu hướng mở, đó là sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học. Thay vì chỉ theo quan điểm cũ là chỉ thầy nói trò nghe, thì hiện nay, cấp ĐH đã có hoạt động sinh viên đánh giảng viên. Còn ở cấp phổ thông, làm sao để góp ý với thầy cô, làm sao để thầy cô thấu hiểu, để tránh xảy ra chuyện: Học trò nói xấu thầy cô trên mạng xã hội và bị đuổi học?

Nói xấu thầy cô, vì đâu nên nỗi?

Mới đây, một nhóm 8 học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã bị kỷ luật vì nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội. Trong đó có 7 học sinh bị đuổi học từ một tuần đến 1 năm.

Nguồn cơn để bắt đầu câu chuyện là sự việc rất nhỏ. Ngày 1-10, em Đào Minh Tr - học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp.

Đến buổi chiều cùng ngày, trong lúc trực giám thị, cô Đậu Thị Bích (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5) thấy trên màn hình điện thoại của em Tr hiện cuộc nói chuyện từ tài khoản facebook có tên là “Đ.C.B.”, nói xấu thầy cô, nhà trường, lời lẽ nhắn tin tục tĩu. Sự việc này tiếp diễn vào buổi tối cùng ngày.

Sáng 2-10, cô Bích đã báo cáo sự việc với ban nền nếp nhà trường. Sau đó, nhà trường đã mời phụ huynh của nhóm học sinh lớp 10A5 lên để trao đổi việc học sinh tham gia mạng xã hội. Về phía nhà trường cũng đã thành lập Hội đồng xét kỷ luật 8 em học sinh lớp 10A5, năm học 2018-2019 vì đã có hành vi lập nhóm facebook nói xấu thầy cô giáo và nhà trường. Trong nhóm 8 em học sinh bị kỷ luật, có 3 em bị buộc thôi học 1 năm.

Tuy nhiên, sự việc tưởng như “bé” này lại không “bé” khi nhiều ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật như vậy quá nặng đối với các em, nhất là nó còn liên quan đến mục đích của giáo dục: Là dạy các em làm người, là có trách nhiệm đối với giáo dục đạo đức của các em. Bởi nếu em nào vi phạm cũng thôi học, thì thời gian buộc thôi học ấy, ai giáo dục các em sửa sai và thành người tử tế? Chưa kể, ứng xử trong giáo dục vừa có xử phạt nghiêm để uốn nắn, nhưng cũng phải có sự thấu hiểu, có sự trao đổi, và cần sự cảm thông.

Mới đây, Hội đồng kỷ luật trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa, đã xem xét lại và quyết định hạ mức kỷ luật đối với 8 học sinh nói xấu, xúc phạm thầy cô trên facebook. Theo đó, 3 học sinh bị đuổi học 1 năm hạ xuống còn đuổi học 1 tuần, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần hạ xuống còn bị cảnh cáo, và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường hạ xuống còn bị khiển trách.

Nhiều ý kiến cho rằng: Kỷ luật học sinh nói xấu thầy cô giáo, là chúng ta chưa tìm ra giải pháp giáo dục học trò. Nếu học trò chưa rõ, phải dần dần nói cho hiểu, nếu học trò nhận xét có phần đúng, thầy cô cũng cần có điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Đấy mới đúng là giáo dục có sự trao đổi.

Giáo dục để học sinh có sự nhận xét trao đổi đúng đắn về thầy cô là việc làm cần thiết.

Hình thức xử phạt không nên quá cứng nhắc

Điều 41 trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư 12 năm 2011 của Bộ GD&ĐT) quy định các hành vi học sinh không được làm như sau:

Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; Làm việc khác; sử dụng ĐTDĐ hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi trụy; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.

Theo Điều lệ này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật. Các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Thông tư 8 năm 1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông có quy định: Khiển trách trước lớp với những học sinh phạm một trong các khuyết điểm sau đây trong quá trình thực hiện nội quy của nhà trường, quyền hạn và nhiệm vụ cấp bản thân sẽ bị khiển trách trước lớp; Nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian một tháng; Không thuộc bài hoặc làm bài, không chuẩn bị bài đầy đủ do thầy, cô giáo quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian một tháng; Đi học không đúng giờ hoặc đi lao động không mang theo dụng cụ lao động mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian một tháng; Nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề) hút thuốc lá... Mắc khuyết điểm sai phạm thuộc những điều nhà trường ngăn cấm, dù chỉ là một lần, song đã có tác hại nhất định đến việc giáo dục toàn diện của nhà trường như: quay cóp hoặc gà bài cho bạn trong giờ kiểm tra bài; có thái độ kém văn hóa hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh….

Những học sinh phạm một trong những khuyết điểm sau đây sẽ bị khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường: Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm, sai phạm đã bị khiển trách trước lớp; Mắc khuyết điểm, sai phạm thuộc những điều nhà trường ngăn cấm, dù chỉ là một lần, song đã gây nhiều tác hại ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục toàn diện của nhà trường như: ăn cắp bút, sách, tiền bạc, đồ dùng tư trang... của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình hoặc của nhân dân nơi mình ở; gây gổ, đánh nhau với bạn bè và những người ở ngoài nhà trường; tung dư luận xấu, phao tin đồn nhảm….

Điều lệ trường THCS, THPT nghiêm cấm học sinh xúc phạm nhân phẩm, danh dự giáo viên, nhưng không quy định vi phạm thế nào thì bị đuổi học. Vì thế, với mỗi vi phạm của học sinh, nhất là liên quan đến sử dụng mạng xã hội, nhận xét về thầy cô nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét vấn đề cụ thể. Để các em không nhận thức sai, còn thầy cô cũng xứng đáng đứng vai trò người làm công tác giáo dục.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoc-sinh-nhan-xet-giang-vien-sao-cho-vua-thau-hieu-vua-khong-lech-y-nghia-van-de-126484.html