Học sinh ngồi cách nhau 1,5m, không quá 20 em/lớp: Các trường kêu khó thực hiện

Nhiều lớp có sĩ số trung bình 40 em, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội có lớp đến 50- 60 em, vì vậy việc thực hiện giãn cách lớp học khó thực hiện.

Hiện một số tỉnh, thành phố cho học sinh lớp 9 và 12 quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ vì COVID-19. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang xem xét việc cho học sinh đi học lại.

Để đảm bảo an toàn cho các em, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Y tế ban hành công văn hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có quy định các trường phải cho học sinh ngồi cách nhau khoảng 1,5m. Nếu lớp học quá đông, thì phải tách ra làm đôi hoặc hơn nữa, đảm bảo trong phòng học không quá 20 em.

Một lớp chỉ ngồi được 15 học sinh

Đến ngày 23/4, cả nước có 8 địa phương cho học sinh trở lại trường, gồm: Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Phú Thọ. Tuy nhiên hiện hầu hết địa phương đang gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định học sinh ngồi cách nhau 1,5m, lớp học không quá 20 em do Bộ ban hành.

 Học sinh Phú Thọ trong ngày đầu tới trường (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Học sinh Phú Thọ trong ngày đầu tới trường (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Là địa phương đầu tiên thực hiện quy định giãn cách này, ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, hiện mới chỉ học sinh lớp 9, 12 tới trường nên việc sắp xếp chia ca, chia chỗ ngồi có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, ngày 27/4 tới đây học sinh cả khối THCS và THPT quay trở lại học, các trường không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các em là 1,5 m. Vì số lượng phòng học, diện tích phòng không thể đủ đáp ứng.

Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho rằng, phương án giãn cách lớp học đưa ra để đảm bảo chống dịch là rất lý tưởng, nhưng chưa bám sát vào điều kiện cơ sở vật chất của địa phương, các trường không thể đáp ứng được.

Vị này dẫn chứng, trung bình một lớp học có 40 học sinh, thực tế sẽ phải phân chia ra làm 3 hoặc hơn. Theo khung quy định diện tích phòng học trường chuẩn quốc gia, một lớp có chiều dài 12m (2m bục giảng) chỉ có thể bố trí được 5 hàng bàn. Còn chiều ngang lớp quy định là 7m, nếu kê sát bàn vào tường thì cố lắm sẽ được 3 dãy bàn. Như vậy mỗi lớp ngồi chỉ có thể sắp xếp 15 bàn học tương đương 15 học sinh.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã giao cho các trường tự sắp xếp điều chỉnh việc này, tuy nhiên hầu hết các trường đều đang phản ánh lại rất khó thực hiện. Sở có những kiến nghị lên Bộ GD&ĐT để tính toán phương án này khi học các khối lớp khác cùng tới trường, cần điều chỉnh lại cho phù hợp với địa phương.

Cần phân chia lại

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế cũng cho rằng, rất khó để thực hiện giãn cách 1,5m và 20 học sinh/ lớp học trong điều kiện cơ sở vất chất các trường học như hiện nay.

Nếu chỉ có học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đi học thì có thể huy động được lượng giáo viên đứng lớp 2 ca/buổi, nhưng toàn trường là rất khó.

Theo ông Tân, có thể tính đến giải pháp ở khối tiểu học các trường học 2 buổi/ngày thì phân chia sáng chiều, với THCS-THPT thì buộc phải học cách nhật, khối này học thì khối kia nghỉ và ngược lại.

Học sinh Thanh Hóa trong ngày đầu tới trường (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Ông Hoàng Công Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn II cho biết, hiện mới chỉ có học sinh khối 12 đi học nên trường có thể sắp xếp đủ phòng theo quy định giãn cách lớp học. Tới đây khối lớp 10 và 11 đi học, trường không đủ phòng học để sắp xếp cho các em ngồi học.

Song song với đó là câu chuyện bố trí giáo viên đứng lớp, chia 2- 3 ca học đồng nghĩa giáo viên làm việc gấp 2- 3 lần, như vậy không đảm bảo chất lượng giờ dạy.

Ngoài ra, các trường khi phân chia lớp, chia giáo viên cũng phải tính toán đảm bảo có đủ kinh phí để chi trả thêm cho người dạy. Nhìn chung bài toán tổng thể về sắp xếp lớp và phân bổ giáo viên là không thực hiện được.

Hầu hết các trường đều đang đặt câu hỏi, chia ca dạy thì phân bổ thế nào, phân công giáo viên dạy ra sao… trong khi Bộ GD&ĐT chỉ cho phép một ngày học 1 buổi, điều này chưa sát với thưc tế địa phương.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, bàn phương án thi và kết thúc năm học 2019-2020 chiều 22/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng bày tỏ, các trường học trên địa bàn Hà Nội tập trung rất đông học sinh, trung bình khoảng 45 học sinh/lớp.

Do đó, nếu sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, học sinh có thể học 2 ca/ngày, nhưng sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn số lượng 20 học sinh, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không để dịch Covid-19 lây lan trong trường học.

Hà Nội dự kiến cho học sinh THPT đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mầm non đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5.

Video: Nhiều địa phương có phương án cho học sinh đi học trở lại

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dien-dan/hoc-sinh-ngoi-cach-nhau-15m-khong-qua-20-emlop-cac-truong-keu-kho-thuc-hien-ar541956.html