Học sinh ngoan, giỏi, đứng đầu lớp là thế lực bắt nạt mới ở trường?

Bức tranh bắt nạt ở môi trường học đường đã thay đổi khi kẻ bắt nạt vừa có thể là những đứa trẻ có tính cách ưa bạo lực, vừa có thể là học sinh có thành tích tốt, được yêu mến.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên BBC, lý giải vì sao nhiều đứa trẻ ngoan, học giỏi, được yêu mến trở thành kẻ bắt nạt, chèn ép bạn bè tại trường học. Mặt khác, khi mạng xã hội lên ngôi, vấn nạn bắt nạt trên mạng tại môi trường học đường càng nghiêm trọng hơn.

Nhớ lại quãng thời gian năm cuối tiểu học bị trêu chọc, bắt nạt, Ruby Youngz vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác bị cô lập và tổn thương.

Khi ấy, Ruby là đứa trẻ 10 tuổi theo gia đình từ Anh sang sinh sống tại xứ Wales và những kẻ xấu tính ở trường nhanh chóng cười nhạo chất giọng khác biệt của cô.

Sau đó, ngoại hình của Ruby tiếp tục bị đem ra chế giễu. Cô trở thành đối tượng bị bắt nạt suốt những năm tháng trung học, trải nghiệm mà Ruby thừa nhận “ảnh hưởng xấu đến cả giai đoạn trưởng thành, khiến tôi tìm đến rượu và thuốc lá để giải tỏa”.

Trẻ em, với tất cả sự ngây thơ và non nớt, có thể trở thành một kẻ bắt nạt tại trường học. Hành động của chúng có thể chứa yếu tố bạo lực và để lại tác động tiêu cực đến nạn nhân trong một khoảng thời gian dài.

Nhưng điều gì làm cho một đứa trẻ trở thành kẻ bắt nạt?

Trong năm học 2017-2018, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực học đường. Ảnh: Nhân Lê - Nguyễn Sương.

Trong năm học 2017-2018, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực học đường. Ảnh: Nhân Lê - Nguyễn Sương.

Muốn đứng đầu, nổi tiếng ở trường học

“Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bạo lực, bị cha mẹ bạo hành trở thành người có tính cách hung dữ, có vấn đề về cái tôi, thích sử dụng nắm đấm với người khác. Đâu là suy nghĩ một thời được coi là mặc định trong mắt các nhà nghiên cứu”, Dorothy Espelage, giáo sư ngành Giáo dục tại Đại học North Carolina (Mỹ), đánh giá.

Nhưng hiện tại, bức tranh toàn cảnh đã thay đổi.

Mặc dù bạo lực gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhưng đó không còn là lý do duy nhất.

Hình ảnh của kẻ bắt nạt tại trường học giờ trở nên phức tạp hơn bởi học sinh có kỹ năng xã hội tốt, được nhiều người yêu mến và giáo viên ưa thích vẫn có thể trở thành kẻ đi bắt nạt người khác.

Điều quan trọng, đối tượng này có thể “bật và tắt” chế độ bắt nạt sao cho phù hợp với mục đích của cá nhân.

“Những kẻ bắt nạt muốn trở thành người đứng đầu đám đông và chúng đẩy các đứa trẻ khác xuống các thứ bậc thấp hơn để leo lên vị trí dẫn dẫu”, giáo sư Dorothy phân tích.

“Kẻ bắt nạt có tiếng nói hơn với bạn bè ở trường học, còn nạn nhân thì yếu thế. Sự khác biệt về ‘sức mạnh’ đó khiến nạn nhân khó tự bảo vệ mình hơn”, cô nói thêm.

Một học sinh có kỹ năng xã hội tốt, được nhiều người yêu mến cũng có thể trở thành kẻ bắt nạt người yếu thế hơn. Ảnh: Thrive Global.

Bắt nạt cũng diễn ra dưới các hình thức mới trong những năm gần đây.

Trước đây, đặc điểm chung của bắt nạt là sự gây hấn được lặp lại.

Hiện nay, mạng trực tuyến đang làm mờ đi lằn ranh này, khi chỉ một trường hợp đe dọa cũng có thể đem lại tác động đáng kể.

“Trong nghiên cứu của tôi, số lượng các vụ bắt nạt trường học đến từ việc quấy rối trên mạng ngày càng tăng. Học sinh có thể đang ngồi cạnh nhau nhưng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để bắt nạt người khác. Điều này mang lại cảm giác nổi tiếng, nhiều người biết đến hơn ở trường học", Calli Pepelasi, giảng viên Tâm lý học tại Đại học Huddersfield (Anh), cho biết.

Leo thang thành kỳ thị giới tính, quấy rối tình dục

Một trong những cách thức giải quyết vấn đề bắt nạt là nhà trường thiết kế hệ thống tư vấn bạn bè, trong đó học sinh sẽ được chỉ định một anh chị khóa trên để đồng hành khi bắt đầu đến trường.

“Môi trường học đường thân thiện đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề bắt nạt. Cần rất nhiều sự kiên trì và nhất quán từ giáo viên và nhân viên nhà trường, vì nếu không có họ, các nỗ lực đều công cốc”, Calli cho biết.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra tình trạng bắt nạt ít xảy ra hơn tại các trường học chú ý đến chuyện đảm bảo mọi đứa trẻ cảm thấy chúng thuộc về ngôi trường đó”, giáo sư Dorothy cho hay.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó vẫn ở mức ít ỏi.

Bắt nạt trên mạng trở thành hành động được nhiều kẻ ưa bạo lực học đường lựa chọn khi ngồi một chỗ vẫn có thể "tấn công" nạn nhân. Ảnh: Metro Parents.

Năm 2014, Dorothy và các đồng nghiệp của cô công bố một nghiên cứu cho thấy mối liên hệ đáng lo ngại giữa bắt nạt và quấy rối tình dục trong trường học.

Theo đó, tình trạng bắt nạt ở trẻ nhỏ thường liên quan đến những lời kỳ thị giới tính, sau đó leo thang thành quấy rối tình dục trong những năm học sau này.

Song những đứa trẻ liên quan đến quấy rối tình dục - cả thủ phạm và nạn nhân - thường không hiểu hết tính nghiêm trọng của sự việc. Lý do một phần đến từ việc giáo viên có thể không can thiệp để ngăn chặn.

Vậy liệu những kẻ bắt nạt có chấm dứt hành vi khi rời trường học?

Giáo sư Dorothy bày tỏ: “Một số có thể tìm lối thoát cho sự hung hăng của mình, nhưng không phải tất cả. Dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi thấy một số kẻ bắt nạt học đường làm những nghề nghiệp phù hợp với tính cách của họ, bất kể đó là cảnh sát, luật sư hay giáo sư đại học”.

Tuy nhiên, có lẽ đáng buồn nhất là tác động của chuyện bắt nạt đối với nạn nhân có thể kéo dài hàng thập kỷ, dẫn đến sức khỏe thể chất và tâm lý kém.

Ruby, người bị chế giễu trong suốt thời trung học, giờ trở thành chuyên gia tâm lý với hy vọng có thể giúp đỡ những người khác rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Kẻ bắt nạt từng liên lạc với cô qua mạng vào đầu năm nay để xin lỗi.

“Khi nhận được tin nhắn, tôi chỉ cảm thấy tức giận. Có thể lời xin lỗi khiến cô ta cảm thấy khá hơn, nhưng nó chẳng giúp giảm bớt nỗi đau mà tôi phải trải qua”, Ruby cho hay.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hoc-sinh-ngoan-gioi-dung-dau-lop-la-the-luc-bat-nat-moi-o-truong-post991706.html