Học sinh nghịch ngợm trường nào chẳng có, nhưng đừng để hư cả lớp

Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của Ban giám hiệu nhà trường ở đâu mà để học sinh tự do quậy phá trong giờ học suốt cả thời gian dài?

Theo dõi câu chuyện học sinh quậy phá trong giờ học, viết lời tục vào bài kiểm tra, vở bài tập, chúng tôi thật sự lấy làm ngạc nhiên vì chưa thấy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường. Đã thế, người ta lại còn dồn trách nhiệm lên vai giáo viên bộ môn.

Giáo dục bằng tình yêu thương cũng sẽ bớt được tình trạng học sinh quậy phá trường lớp? (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và thời đại)

Giáo dục bằng tình yêu thương cũng sẽ bớt được tình trạng học sinh quậy phá trường lớp? (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và thời đại)

Học sinh hư, không nghe lời, luôn vi phạm nội quy và thường xuyên quậy phá trong giờ học hầu như trường nào cũng có. Giáo dục những học sinh này không phải trách nhiệm của một người. Tuy nhiên, vai trò của giáo viên chủ nhiệm vẫn nặng nề nhất.

Những tình huống dở khóc dở cười

Cô giáo Lan ở Bình Thuận kể rằng, trong giờ dạy của mình, một học sinh thường xuyên ngồi chọc phá bạn. Cô Lan đã phải dừng lại vài lần nhắc nhở. Không những Huy không nghe, còn văng tục chửi thề “đ…mẹ! nói hoài!”

Cô Lan nói dù rất giận nhưng vẫn phải nén lại để dạy cho hết tiết. Sau đó, cô báo với giáo viên chủ nhiệm cùng nhà trường mời gia đình em học sinh lên nói chuyện. Huy đã xin lỗi thầy cô, gia đình và hứa sửa chữa. Cũng từ ngày đó, Huy tiến bộ hơn nhiều.

Bạo lực tinh thần và hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều cô, thầy

Thầy Khánh, một đồng nghiệp khác kể với người viết, khi thầy đang say xưa giảng bài trên bảng, bỗng nghe tiếng khóc rấm rứt của một học sinh nữ. Hỏi ra mới biết, cậu bạn ngồi cùng bàn thường xuyên đưa tay quẹt ngang ngực cô bé.

Thầy Khánh nói cứ nhắc câu trước, câu sau Dũng vẫn làm. Vì thế, tiết học hôm đó luôn bị gián đoạn. Sự việc cũng nhanh chóng được báo với giáo viên chủ nhiệm, giám thị để mời gia đình học sinh lên làm việc.

Một trường hợp khác không chọc phá bạn trong giờ học, em học sinh tên Tuấn (lớp 8) đã đứng lên nói thẳng vào mặt giáo viên đang dạy bài giáo dục giới tính: “Cô chưa đủ trình để dạy em bài này! Mà nghe nói cô là thạc sĩ hả? Cô mua bằng à? Bằng cô mua ở đâu?”.

Không chỉ cô giáo choáng váng mà tất cả học sinh trong lớp đều bất ngờ, sửng sốt. Sau giây phút bất ngờ, cô Thúy nói với em học sinh: “Cô sẽ nói chuyện với em sau” và tiếp tục bài dạy.

Sau tiết học, cô đã báo cáo với nhà trường, với giám thị và gọi điện mời gia đình Tuấn lên trường làm việc. Mẹ Tuấn vừa chạy vào trường vừa khóc vì: “ở nhà nó vẫn thường hay lý sự như thế, mong cô thầy bỏ qua cho cháu”.

Thầy cô phải học chữ nhẫn, không được dùng bạo lực với học sinh

Trách nhiệm không của riêng ai

Học sinh hư, quậy phá trong giờ học không nên đổ trách nhiệm riêng ai. Điều cần làm là cùng chung tay để giáo dục các em mới mong tiến bộ.

Việc đổ trách nhiệm dễ dẫn đến sự bất mãn, buông tay và học sinh sẽ thiệt thòi nhiều nhất.

Học sinh hư, vi phạm nội quy, quậy phá trong giờ học nếu vào giờ dạy của giáo viên bộ môn thì sau tiết dạy những giáo viên này phải gặp gỡ để trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm.

Sự việc phức tạp thì giáo viên chủ nhiệm sẽ báo với giám thị và Ban giám hiệu nhà trường, đồng thời mời gia đình học sinh lên cùng làm việc.

Nếu là học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ có các thầy cô giáo trong đội tư vấn phối hợp nói chuyện.

Thường thì cứ sau những lần gặp gỡ như thế, phần lớn học sinh sẽ thay đổi khá nhiều.

Thế nên, nhiều thầy cô giáo khi theo dõi câu chuyện về cô giáo Tuất đã đặt câu hỏi trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của Ban giám hiệu nhà trường ở đâu mà để học sinh tự do quậy phá trong giờ học suốt cả thời gian dài?

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-nghich-ngom-truong-nao-chang-co-nhung-dung-de-hu-ca-lop-post216745.gd