Học sinh nghỉ học do dịch Covid-19: Không dạy bài mới, không tổ chức kiểm tra

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài, gây xáo trộn việc học tập và sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhằm giúp phụ huynh và học sinh an tâm, biết cách phân bổ thời gian hợp lý trong thời gian nghỉ học, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo ghi nhận thực tế ở các trường học, hiện tại, hoạt động dạy học trực tuyến đang có nhiều bất cập, thiếu đồng bộ giữa các đơn vị trường học. Vậy Sở GD-ĐT TP đã có những chỉ đạo gì nhằm giúp các trường triển khai hiệu quả hình thức dạy học này?

° Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Sở GD-ĐT TP đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tất cả đơn vị trường học trên địa bàn TP triển khai các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học online cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học vì dịch bệnh.

Trong đó, mục tiêu học tập chủ yếu là ôn tập, củng cố nội dung các bài đã học, hệ thống kiến thức quan trọng trong chương trình, tuyệt đối không được dạy bài mới, không tổ chức kiểm tra, lấy điểm cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Như vậy, hiện nay trường nào đang tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra qua mạng, tổ chức cho học sinh làm kiểm tra trên giấy rồi scan/chụp hình bài làm gửi thầy, cô để lấy điểm kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra miệng là không đúng tinh thần chỉ đạo, trừ các trường hợp giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia các dự án học tập, đánh giá điểm số không qua một bài kiểm tra mà thông qua cả quá trình làm dự án.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, bộ sẽ tính toán lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020. Việc này đồng nghĩa với việc học kỳ II năm học 2019-2020 chỉ thay đổi về mặt thời gian, thay vì bắt đầu từ tháng 2 đến cuối tháng 5 thì nay có thể điều chỉnh lại từ tháng 3, 4 kéo dài đến tháng 6, 7, nhưng vẫn đảm bảo khung chương trình và thời gian phân bổ trong năm học.

Do đó, ngay khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố thời gian kết thúc năm học, Sở GD-ĐT TP sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường trong việc phân bổ kế hoạch năm học, tổ chức lịch học bù. Do đó, các trường không nên quá lo lắng dạy trước nội dung chương trình mà chỉ cần hỗ trợ học sinh duy trì nề nếp học tập, không dạy thêm kiến thức mới, không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh.

° Lẽ ra trong thời gian này, TPHCM sẽ triển khai tập huấn giáo viên lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ của dịch bệnh liệu có làm ảnh hưởng công tác chuẩn bị và triển khai sách giáo khoa (SGK) mới không, thưa ông?

° Trước khi xảy ra dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho giáo viên tìm hiểu, tiếp cận nội dung 32 đầu SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt ở các bộ môn; riêng môn tiếng Anh có 5 đầu sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Theo đó, các trường sẽ chủ động phân công tổ trưởng chuyên môn, giáo viên khối 1 tìm hiểu kỹ các đầu sách SGK để chọn ra sách phù hợp nhất với các tiêu chí theo chỉ đạo của UBND TP.

Cụ thể, việc chọn SGK phải phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương và điều kiện dạy học thực tế tại đơn vị, thể hiện được phương pháp làm việc tích cực của thầy và trò theo định hướng phát triển năng lực người học.

Trong đó, học sinh được trực tiếp tham gia quá trình dạy học chứ không chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều, thụ động ngồi nghe giáo viên giảng.

Trường học có thể tham khảo ý kiến phụ huynh, học sinh trước khi thành lập hội đồng chọn SGK và tổ chức cho giáo viên bỏ phiếu. Hiệu trưởng sẽ là người quyết định danh mục SGK và chịu trách nhiệm việc triển khai các đầu sách.

Các trường sẽ công bố và niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 năm học 2020-2021 trước ngày 1-5, đồng thời phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ SGK các môn học cho học sinh trước ngày 15-8-2020.

Như vậy, việc trường học tạm đóng cửa không ảnh hưởng tiến độ chọn SGK ở các trường học. Học sinh tạm nghỉ học có thể giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, lựa chọn SGK theo phân công của hiệu trưởng.

Một học sinh trường quốc tế đang học tương tác qua màn hình và camera. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Riêng về công tác tổ chức tập huấn giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện nay toàn bộ giáo viên cốt cán đã tập huấn xong. Công tác tập huấn giáo viên đại trà đang tạm hoãn do các trường tập trung phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, song song với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, TP còn tổ chức bồi dưỡng gián tiếp thông qua phần mềm trực tuyến với đầy đủ nội dung, cơ sở dữ liệu cung cấp cho giáo viên.

Dự kiến các hoạt động bồi dưỡng tập trung giáo viên sẽ tái khởi động trong hai tháng 3 và 4-2020, không ảnh hưởng tiến độ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

° Để đón học sinh trở lại trường học, các cơ sở giáo dục đã có những chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh, thưa ông?

° Hiện nay, tất cả đơn vị trường học đã chuẩn bị kỹ lưỡng việc sát trùng, khử khuẩn phòng học, đồ dùng, trang thiết bị dạy học cũng như tổ chức các phương án tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe học sinh trong ngày đầu tiên quay trở lại trường học.

Ngoài ra, một số trang thiết bị cần thiết hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh như máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay cũng được trang bị đầy đủ cho học sinh, giáo viên.

Trường học còn phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức khu vực cách ly tại phòng y tế đề phòng trường hợp phát hiện học sinh có biểu hiện nghi ngờ về sức khỏe.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hoc-sinh-nghi-hoc-do-dich-covid19-khong-day-bai-moi-khong-to-chuc-kiem-tra-646769.html