Học sinh náo nức đến thư viện sau khi trở lại trường

Hết cách ly xã hội, học sinh, sinh viên trở lại trường với bao niềm vui phấn khởi vì gặp thầy cô, bạn bè và nhất là được đọc những cuốn sách, quyển truyện, tờ báo mà mình yêu thích tại thư viện nhà trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều trường Đại học trên cả nước, các thư viện trường luôn đầy ắp học sinh. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Sinh viên Đại học Bách khoa đã phải xếp hàng để vào thư viện. Nhiều em còn sẵn sàng ngồi bên ngoài tại các bàn ở hành lang tự học cả trưa để chờ đến lượt vào thư viện buổi chiều. Nhìn các em chăm đọc, chăm học chúng tôi cảm thấy rất vui và luôn hỗ trợ các em đọc một cách hiệu quả nhất".

Bạn Trần Nhật Minh, Khoa Công Nghệ Vật Liệu, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: Thời gian nghỉ dịch quá dài nên chúng em rất nhớ thầy cô, nhớ các bạn, đặc biệt là những cuốn sách trong thư viện. Buổi đầu tiên trở lại học, địa điểm đầu tiên mà em đến chính là thư viện Tạ Quang Bửu. Mấy ngày nay, cứ hết giờ lên lớp, em lại vào thư viện để tìm những cuốn sách tài liệu giúp ích cho chuyên ngành của mình.

Trong khi đó, em Kiều Minh Tuyết, Trường THPT Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Lại được đến trường thật là vui. Em không chỉ được gặp lại thầy cô, bạn bè mà còn được đọc những cuốn sách, quyển truyện, tờ báo mà mình yêu thích ngay tại sân trường mình. Các bạn em, ai cũng háo hức, chia sẻ về những điều thú vị trong mỗi cuốn sách, quyển truyện đã đọc.

Các thư viện công cộng cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Bạn đọc đã đến các thư viện với niềm vui hân hoan. Không chỉ phục vụ tại thư viện, nhiều thư viện đã đưa xe thư viện lưu động đến phục vụ tại các điểm trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế, thư viện lưu động đã đưa sách đến từng lớp học để phục vụ các em.

Nhiều bạn đọc cho biết: Vì có thời gian nghỉ vì cách ly xã hội mới thấm thía thư viện thật quý giá và cần thiết cho cuộc sống biết nhường nào.

Nhìn các em sinh viên, và học sinh say mê với những cuốn sách, tờ báo, quyển truyện mới thấy không hẳn giới trẻ đã "hờ hững" với văn hóa đọc. Vì vậy, phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi học sinh là một cách thức dạy học sinh tự học, tự phát triển toàn diện theo sở thích, nhu cầu của mỗi cá nhân. Những tác động tích cực, thường xuyên từ giáo viên, nhà trường, gia đình sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng đọc và xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Qua đó, đem lại hiệu quả tích cực, xây dựng nền tảng tri thức cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Việc tạo cho học sinh có được thói quen đọc sách, hứng thú tìm hiểu kiến thức qua sách, báo chính là nền tảng để xây dựng một thế hệ tương lai độc lập, có kỹ năng và kiến thức. Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời.

Minh Ngọc

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoc-sinh-nao-nuc-den-thu-vien-sau-khi-tro-lai-truong-2020052623270764.htm