Học sinh miền núi Đà Nẵng vượt khó học từ xa

Tại các xã miền núi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng rất nhiều học sinh không có điều kiện học qua truyền hình và internet.

Đại dịch Covid-19 kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định việc học sinh các bậc học tạm dừng đến trường nhưng không dừng học. Chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đã được Bộ hướng dẫn dạy và học qua truyền hình và Internet.

Thế nhưng, tại các xã miền núi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng rất nhiều học sinh không có điều kiện học với hình thức học này. Ngành giáo dục địa phương đang chỉ đạo các trường phải nỗ lực, triển khai nhiều kênh khác nhau để giúp các em học sinh được học tập tại nhà.

Học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Tri Phương ở xã miền núi Hòa Bắc học qua truyền hình vì nhà không có ti vi và mạng internet.

Học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Tri Phương ở xã miền núi Hòa Bắc học qua truyền hình vì nhà không có ti vi và mạng internet.

Xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 2 thôn là Tà Lang và Giàn Bí là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Nhiều em không thể tiếp cận với hình thức học từ xa qua truyền hình hay internet. Để giúp các em lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới; các thầy, cô giáo trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc chủ động chia 2 nhóm, tổ chức cho học sinh là đồng bào dân tộc Cơ Tu học qua truyền hình tại nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà Gươl).

Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, những em không có điều kiện học qua truyền hình và mạng internet ở nhà thì nhà trường tổ chức phát tài liệu tại nhà trưởng thôn. "Đối với các em học sinh trên làng Cơ Tu này thì rất khó cho việc học trực tuyến đặc biệt là các em khối lớp 9. Năm nay các em không được xét tuyển thẳng như các năm mà phải thi vào lớp 10. Do đó, chúng tôi tâp trung để bồi dưỡng, phụ đạo cho các em trước", thầy Phạm Minh Vũ chia sẻ.

Em Bùi Thị Thanh Tài, dân tộc Cơ Tu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc đang học lớp 12 trường THPT Phạm Phú Thứ, nhà không có máy vi tính, ti vi đã bị hỏng nên chiếc điện thoại là thiết bị hỗ trợ cho em học trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, do mạng 3G quá chập chờn, Tài không thể học tốt qua những buổi học trực tuyến: "Học trực tuyến rất khó khăn. Em học qua điện thoại thì mạng có lúc được lúc không, chậm hiểu. Trên lớp thì cô giáo giảng kỹ hơn, còn học qua điện thoại thì không hiểu vì họ giảng không kỹ giống như cô dạy trên lớp".

Nhiều em ở xã Hòa Bắc học qua điện thoại nhưng mạng rớt liên tục nên không hiệu quả.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn nên việc học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, chứ không thể thay thế việc dạy học trực tiếp. Phòng Giáo dục huyện đã giao cho các trường, tùy theo từng cấp học để soạn đề cương ôn tập và chương trình học trọng tâm (đã giảm tải) đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, phân công giáo viên đến từng thôn 1 lần/tuần giao bài để hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng học tập.

Ông Lê Văn Hoàng cho biết: "Sau khi các em đến trường học trở lại, các đơn vị trường học sẽ rà soát đánh giá từng em học sinh trong thời gian các em nghỉ học phòng dịch. Chúng tôi sẽ tiến hành phân loại đối với những em nắm được kiến thức trong thời gian nghỉ sẽ tiếp tục tăng cường việc dạy và học. Còn riêng với những em không theo kịp các bạn khác sẽ bổ sung, phụ đạo để cuối năm đánh giá theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Học từ xa qua ti vi hay trực tuyến bằng internet, rõ ràng tồn tại những bất cập, và không thể hiệu quả bằng việc dạy và học tại trường. Nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là giải pháp phù hợp. Để việc học thực sự hiệu quả, cần sự nỗ lực vượt khó của cả thầy và trò - nhất là tại những địa bàn khó khăn./.

Phương Cúc/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoc-sinh-mien-nui-da-nang-vuot-kho-hoc-tu-xa-1038425.vov