Học sinh lớp 9 thuyết trình ấn tượng về 'thuyết thả thính'

Dù không chuẩn bị trước nội dung nhưng phần thuyết trình của cậu bạn Bùi Anh Tài - học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) khiến người nghe tán thưởng bởi sự dí dỏm.

Mạng xã hội đang chia sẻ video thuyết trình của một học sinh đang đeo khăn quàng đỏ. Nội dung của bài nói liên quan đến cụm từ "thả thính" gây sốt trong giới trẻ thời gian qua. Cụm từ này hàm chứa nội dung nói về hành động đi tán tỉnh, cưa cẩm nhưng lại không chắc chắn trong một mối quan hệ nào đó. "Thả thính" được bạn trẻ sử dụng như một lối nói hài hước, mang ý nghĩa châm biếm nhiều hơn là tích cực.

Nam sinh nói về "thuyết thả thính" gây sốt mạng xã hội.

Anh chàng này lấy câu chuyện về một người đi câu, thả nhiều mồi câu (kèm thính) một lúc xuống nước. "Một người đi câu có bao giờ đem theo một chục cần câu quăng xuống nước một lần không? Thả thính diện rộng là một ví dụ. Quá nhiều cần câu", cậu bạn mở đầu.

Nam sinh tiếp tục đưa dẫn chứng để làm rõ "thuyết thả thính": "Khi cá thấy mồi thì không thể không đớp. Đói thì phải ăn, giống như buồn ngủ thì phải đi ngủ. Cá cứ thế đến đớp mồi theo quy luật tự nhiên".

Clip về "thuyết thả thính" của nam sinh lớp 9

Tuy nhiên, hậu quả của việc "đớp thính" là vấn đề mà anh chàng này muốn nhấn mạnh. "... Khi mà những người bị thả thính gặp nhau, trao đổi với nhau thì họ sẽ biết được sự thật, không chỉ riêng họ đau đớn, buồn tủi và nghĩ rằng mình không ra gì hay đang bị lợi dụng. Đây là tác hại đối với mỗi cá nhân bị thả thính. Khi mà họ nhận ra sự thật thì họ sẽ tự động rút khỏi cái cần câu", nam sinh lý giải.

Người thuyết trình còn nói về lý do không tồn tại một mối quan hệ bền vững ở trường hợp này. Nhiều người cứ nghĩ là do người thả thính gây nên nhưng sự thật là do một phần từ tâm lý của người "đớp thính". Người "thả thính" ở đây chỉ có vai trò khi mà người "đớp thính" không nhận ra được tác hại. Nếu người "đớp thính" nhận ra sự thật phũ phàng thì việc thả thính lúc này trở nên vô dụng.

"Cuối cùng, xung quanh chỉ còn lại một mình người thả thính. Người đó sẽ cô đơn, vô cùng cô độc giữa cái chốn cuộc đời bao la này. Từ đó dẫn đến buồn tủi, cảm thấy mình là một con người tệ hại, ảnh hưởng xấu đến người khác. Tóm lại đây là một trò chơi nguy hiểm", nam sinh nhấn mạnh ở phần kết.

Một trong những màn "thả thính" thành công.

Màn lý giải của nam sinh này sau khi đăng tải lập tức gây sốt với hơn 1,5 triệu like trên một fanpage sau vài giờ. Lối thuyết trình dí dỏm, minh họa sinh động của nam sinh này cũng nhận cơn mưa lời khen.

Clip được quay tại giờ học môn Tin của học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng. Nam sinh trong clip là Bùi Anh Tài. Người đứng lớp và chia sẻ clip là thầy Lê Quốc Hưng (sinh năm 1962) - giáo viên Tin học của trường.

Chia sẻ với iOne về clip này, thầy Hưng cho biết: "Đây hoàn toàn là phút ngẫu hứng của thầy và trò chứ không phải là được dựng lên từ trước. Nó diễn ra trong tiết học có nội dung Tin học và xã hội. Nội dung của bài học nói về việc tin học ra đời làm thay đổi nhận thức và phong cách con người. Trong phần thảo luận thì một học sinh nữ đưa ra một số ví dụ, trong đó xuất hiện cụm từ 'thả thính'. Lúc này, tôi chợt nhớ đây là một từ thịnh hành trong giới trẻ, cũng là một khái niệm mới. Thế nhưng nhiều người (thậm chí là các phụ huynh) còn thắc mắc về nó nên tôi cho học sinh nói rõ hơn. Sau khi em nữ nói về khái niệm, tôi mới đặt câu hỏi về tác hại của việc 'thả thính' thì một nam sinh xung phong lên bảng để trình bày".

Mục đích của việc ghi lại clip của học trò được thầy Hưng giải thích một phần làm kỷ niệm, một phần là để nói về sự giáo dục học sinh là trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình. Việc một học sinh có thể nói và hiểu được khái niệm trong thực tế liên quan đến bài học đã là một thành công.

Thầy Hưng cho biết cuộc thảo luận diễn ra một cách sôi nổi, khiến tiết học hôm đó trở nên thú vị, học sinh cảm thấy thích thú nhiều hơn.

Thầy Lê Quốc Hưng và học trò.

Nói về học sinh Bùi Anh Tài, thầy Hưng nhận xét em là một người có kỹ năng thuyết trình tốt, tự tin, ngoan ngoãn và cũng có khiếu hài hước.

Thầy Hưng chia sẻ thêm: "Một tiết học, một bài giảng người giáo viên cần tạo được sự vui vẻ, hứng thú để các em tiếp thu thay vì sự căng thẳng". Để làm được điều đó, thầy Hưng cũng thường tìm tòi, tìm hiểu những cách giảng dạy thú vị để áp dụng. Ngoài ra thầy còn viết sách, truyện thiếu nhi để gắn kết cũng như truyền đạt những giá trị, bài học cuộc sống tới học trò.

Nguồn iOne: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/hoc-sinh-lop-9-thuyet-trinh-an-tuong-ve-thuyet-tha-thinh-3504021.html