Học sinh lớp 8 đâm tử vong học sinh lớp 5: Trách nhiệm nhà trường?

Trường hợp có căn cứ cho thấy 2 học sinh có mâu thuẫn hoặc thường xuyên bị chặn đánh mà nhà trường và gia đình không có giải pháp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết cũng cần xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.

Do xích mích trên đường đến trường vụ học sinh Trương Văn Đ. (học lớp 8 Trường THCS xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) dùng kéo đâm tử vong em N.V.T (đang học lớp 5, Trường tiểu học Hạ Sơn, xã Hạ Sơn).

Vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, thời điểm phạm tội học sinh Đ. mới 14 tuổi, theo quy định của pháp luật, người dưới 16 tuổi phạm tội giết người bị xử như thế nào?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu của tội giết người. Do nghi phạm mới học lớp 8, do đó cơ quan điều tra sẽ làm rõ độ tuổi của học sinh này và mức độ nhận thức điều khiển hành vi của học sinh này khi thực hiện hành vi đâm kéo vào nạn nhân để có hướng xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Theo luật sư Cường, cây kéo sắc nhọn đâm vào người trẻ em hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Một người bình thường sẽ nhận thức được điều đó và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sử dụng vật sắc nhọn này để gây tổn thương đến cơ thể người khác.

Hành vi sử dụng kéo nhọn được xác định là hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm, việc sử dụng không khí nguy hiểm đâm vào những vùng trọng yếu của nạn nhân như vùng đầu, vùng cổ, vùng mắt, vùng ngực, vùng bụng, lưng... hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Một người bình thường sẽ nhận thức được điều đó và sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Do đó, trường hợp đối tượng đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực hành vi dân sự sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra cần thu thập thông tin về ngày tháng năm sinh của em học sinh lớp 8 này để xác định em này đã từ đủ 14 tuổi hay chưa, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa đồng thời có thể trưng cầu giám định tâm thần nếu như em này có biểu hiện tâm thần bất ổn để xác định mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

Như vậy, hành vi có thể được xác định là hành vi giết người, hậu quả nạn nhân cũng đã qua đời. Do vậy, nếu nghi phạm gây án bước sang tuổi 14 và không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015.

Với người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ được áp dụng những chính sách pháp luật về người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo đó người dưới 16 tuổi, không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình và hình phạt cao nhất không quá 12 năm tù.

Cụ thể điều 101 bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau : “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”.

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà trường và gia đình đối với công tác giáo dục để thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Làm rõ tình trạng bệnh lý (nếu có) của em học sinh lớp 8 về làm rõ mâu thuẫn giữa hai em này (nếu có) để xác định nguyên nhân điều kiện phạm tội.

Trường hợp có căn cứ cho thấy hai em học sinh có mâu thuẫn hoặc các em học sinh thường xuyên bị chặn đánh mà nhà trường và gia đình không có giải pháp gì can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết thì cũng cần xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.

“Với giáo viên, ban lãnh đạo nhà trường mà không sát sao, không kịp thời can thiệp xử lý các mâu thuẫn trong các em học sinh phải để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét kỷ luật và xem xét trách nhiệm, năng lực trong quản lý, lãnh đạo. Đối với gia đình, các bậc phụ huynh cũng sẽ là những bài học trong giáo dục và bảo vệ con em mình để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra” – luật sư Cường cho hay.

Mời độc giả xem thêm video Lời khai của kẻ giết người đốt xác ở Đồng Tháp

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hoc-sinh-lop-8-dam-tu-vong-hoc-sinh-lop-5-trach-nhiem-nha-truong-1486341.html