Học sinh lớp 5 hỗn láo, lớn lên nhân cách sẽ ra sao?

'Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Sài Sơn B là một bài học cho nhiều ngôi trường khác trong văn hóa ứng xử', cô Thủy nói.

Những ngày gần đây, vụ việc cô Nguyễn Thị Tuất là giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo bị lãnh đạo trường trù dập và học sinh cư xử hỗn láo có chủ đích, tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

Có 30 năm cống hiến trong ngành giáo dục, đào tạo bao thế hệ con em tại địa phương, vợ chồng cô Nguyễn Thị Tuất đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy và thi đua. Riêng cô Tuất đã nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Có hay không việc trù dập một giáo viên có thâm niên cống hiến cho giáo dục tại Trường Tiểu học Sài Sơn B đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Tuy nhiên, ngoài chuyện phân định đúng sai giữa cô Tuất với lãnh đạo trường thì còn một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là sự xuất hiện những hình ảnh hỗn loạn được cho là xảy ra tại lớp 5D Trường Tiểu học Sài Sơn B.

Cơ quan chức năng thanh tra sự việc ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Cơ quan chức năng thanh tra sự việc ở Trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.

Cảnh tượng khiến nhiều người bàng hoàng khi ngay trong giờ học, học sinh tự do đi lại, trêu đùa, thậm chí hỗn láo với giáo viên… Tất cả những hình ảnh được ghi lại trong clip nếu đúng là sự thật thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi xem clip phản ánh sự việc, Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy - chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, cho biết: “Nếu clip này phản ánh đúng thực tế đã xảy ra thì các em học sinh trong đoạn clip đó vi phạm những chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Truyền thống giáo dục của nước ta luôn tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đấy là nền tảng đáng tự hào của nền giáo dục và văn hóa Việt Nam.

Trong mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên hiện nay đã khá cởi mở hơn nhưng không có nghĩa là học trò được phép phạm phải những điều như thế, đó là những hành vi vô lễ”.

Việc có trù dập giáo viên hay không, ai đúng - ai sai là vấn đề cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nhưng điều khiến cho nhiều người lo lắng là liệu có ai lợi dụng những đứa trẻ để phục vụ cho âm mưu triệt hạ nhau?

Học sinh ở độ tuổi tiểu học hồn nhiên trong sáng, lẽ nào lại hỗn láo với cô giáo dạy mình?

Lẽ nào một học sinh lớp 5 lại gửi thư tới Hiệu trưởng, tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để "kể tội" cô giáo dạy mình?

Ai đã gieo vào đầu những đứa trẻ thơ ngây ý nghĩ xấu, những hành động phản giáo dục?

Những bài học đầu đời của các em được dạy là “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” chẳng lẽ bị quên nhanh đến vậy? Và điều quan trọng là với thái độ như thế thì những đứa trẻ này lớn lên nhân cách có bị méo mó?

Và chẳng lẽ những phụ huynh ấy chấp nhận im lặng để cho con cái họ bị lợi dụng lôi vào cuộc chiến của người lớn?

Chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy (Ảnh NVCC)

Theo Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh có những hành động khiếm nhã như vậy. Có thể do học sinh ở độ tuổi lớp 5 chưa kiểm soát được cảm xúc của mình dẫn đến nhiều hành động ngỗ ngược, bốc đồng, bướng bỉnh dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Cũng có thể ai đó tạo ra kịch bản này, có sự sắp đặt nào đó?

Đối với giáo viên, nếu chỉ là sự nghịch ngợm của học trò mà không xử lý được thì phần lớn lỗi thuộc về giáo viên. Nhưng nếu những đứa trẻ phá phách có sự chủ ý được kích động bởi người lớn thì đó là điều không bình thường. Cô Tuất thì nói rằng đã nhiều lần báo cáo lên Ban giám hiệu, nhưng phía lãnh đạo trường thì lại nói không hay biết gì, cô Tuất không báo cáo sự việc. Vậy đâu là sự thật?

“Trong câu chuyện của cô Tuất, tâm lý của học sinh đã bị ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài, từ lời lẽ, thái độ của phụ huynh, từ phản ứng thiếu tích cực của những đồng nghiệp với cô Tuất. Để học sinh biết được câu chuyện giữa nội bộ giáo viên với nhau, đó là điều tối kị trong môi trường giáo dục.

Vụ việc giáo viên hay học sinh có những sai phạm trong giáo dục không còn là những trường hợp cá biệt. Trong một số tình huống khi giáo viên hoặc học sinh của mình chưa chuẩn thì Hội đồng Sư phạm nhà trường, Ban Giám hiệu cần vào cuộc để xử lý một cách triệt để nhưng luôn luôn phải bảo vệ hình ảnh giáo viên trong mắt học sinh. Đó không chỉ là giữ cho giáo viên mà ngay cả tâm lý của học sinh cũng không để bị ám ảnh nếu chẳng may có vi phạm xảy ra. Cách xử lý của nhà trường phải nhân văn, chứ không thể là nơi tranh cãi rồi lôi học trò vào cuộc.

Thêm nữa, về phía phụ huynh học sinh, cần có sự tôn trọng nhất định đối với giáo viên và cần định hướng sự tôn trọng đó cho con em mình khi đến môi trường giáo dục”, cô Thủy nhận định.

Trước sự phức tạp và nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý.

Dù sự việc được kết luận như thế nào sau khi được thanh tra thì để xảy ra những hành động của học sinh tại trường học đối với giáo viên như tại Trường Tiểu học Sài Sơn B là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề văn hóa học đường. Đó là dấu hiệu của căn bệnh vô cảm trong giáo dục, manh nha của sự đổ vỡ trong hệ quy chiếu, dù đúng hay sai thì những đứa trẻ chính là nạn nhân đầu tiên trong sự đổ vỡ này.

Cao Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/hoc-sinh-lop-5-hon-lao-lon-len-nhan-cach-se-ra-sao-post216684.gd