Học sinh lớp 2 được học xác suất thống kê: Nên mừng hay lo?

Thông tin trong chương trình phổ thông mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Tức là trong 11 năm, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê khiến không ít người băn khoăn.

Liệu xác suất thống kê được dạy từ lớp 2 có quá sức với học sinh không và trình độ của giáo viên liệu có đáp ứng được?

Liên quan dến vấn đề này Thầy Vũ Khắc Ngọc (chuyên gia giáo dục) cho hay: “Chúng ta cần phải hiểu, xác suất thống kê ở đây chỉ là tên gọi của môn học. Ở thế hệ cũ, chỉ học xác suất thống kê ở bậc THPT và đại học và lượng kiến thức ở đây đưa ra rất hàn lâm và nặng nề. Vì thế khi nghe đến cái tên xác suất, thống kê thì trong ý niệm của mọi người nó rất “kinh khủng” vì vốn dĩ mọi người đã định kiến với cụm từ xác suất thống kê.

Vì thế, khi ai đó nói học sinh lớp 2 mà phải học xác suất thống kê thì mọi người nghĩ là phải học những thứ hàn lâm kia và đó là quá nặng nề, không cần thiết. Quan điểm của tôi, xác suất thống kê có tính ứng dụng và gắn liền với thực tế nhiều nhất ở trong Toán học. Vì thế, các đề thi tuyển sinh lớp 10, thi THPT quốc gia đều xuất hiện dạng bài thực tiễn liên quan đến xác suất, thống kê.

Việc cho học sinh tiếp cận xác suất thống kê cũng là điều tiến bộ. Thực tế chương trình Toán học của một số nước có nền giáo dục tiến bộ như Singapo hay chương trình Tú tài quốc tế họ cũng dạy xác suất thống kê cho học sinh tiểu học từ sớm.

Chúng ta đừng nghe tên xác suất thống kê rồi hình dung ra những thứ khó khăn. Quan trọng là với môn học đó với học sinh lớp 2 sẽ dạy các con lượng kiến thức nào, đặt ra mục tiêu gì và cho học sinh tiếp cận ra sao.

Hiện nay đổi mới giáo dục mới việc học không nặng về trang bị kiến thức mà ưu tiên việc hình thành năng lực và phẩm chất của người học, tôi nghĩ rằng các thầy cô phải tăng cường hoạt động trong các giờ học để học sinh tiếp cận kiến thức thông qua các trải nghiệm, các hoạt động chứ không phải việc thầy đọc, trò chép như xưa.

Tôi cũng đọc phần giải thích của các thầy trong ban soạn thảo chương trình môn Toán thì thấy yêu cầu dành cho các con rất đơn giản và trong hoạt động hàng ngày chính các con cũng đã thực hiện hàng ngày rôi, giờ chỉ lồng ghép trong giờ học và giúp các con hình thành khái niệm về xác suất thống kê”.

Học sinh lớp 2 được học xác suất thống kê (ảnh minh họa)

Học sinh lớp 2 được học xác suất thống kê (ảnh minh họa)

Còn thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân (giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay: "Chúng ta không nên chỉ vì thuật ngữ (có thể là "là lạ" với một số người) "xác suất, thống kê" mà nghĩ rằng nó là một cái gì đó quá xa vời và quá sức với các em học sinh Lớp 2. Thực ra chúng có ở khắp mọi nơi và rất gần gũi với chúng ta, ngay cả với các em nhỏ. Cũng xin nói thêm là tôi cũng có dịp đọc, giảng dạy, và tích hợp các chương trình Toán của Anh, Mĩ, Úc, Sing... trong nhiều năm thì họ đều đề cập đến "xác suất, thống kê" ngay từ Lớp 2”.

Về trình độ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy xác suất thống kê cho học sinh lớp 2, thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân (giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay: “Việc triển khai một chương trình gì mới thì ban đầu bao giờ cũng sẽ có khó khăn, nhất là khi đã quá quen với chương trình hay nếp dạy cũ. Tuy nhiên theo chủ quan của tôi là những khó khăn này hoàn toàn có thể khắc phục được, nhất là với những "Yêu cầu cần đạt" đã được Bộ Giáo dục và Đạo tạo đưa ra tương đối chi tiết và rõ ràng và không phải là cái gì quá xa vời như tôi đã nói ở trên.

Những khó khăn do việc chuyển từ "giáo dục tiếp cận nội dung" sang "giáo dục tiếp cận năng lực" có lẽ cần nhiều thời gian và phân tích cụ thể hơn. Ở đây tôi chỉ đề cập đến một ý kiến chủ quan của tôi. Đó là khi dạy theo "nội dung", các phần kiến thức có vẻ đã được thiết kế tương đối "hoàn chỉnh" và "độc lập". Giáo viên chỉ cần giảng theo sách giáo khoa, hướng dẫn đủ lượng bài tập là xong từng phần kiến thức.

Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân (giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI)

Tuy nhiên khi chuyển sang giáo dục tiếp cận "năng lực" thì các thuật ngữ, kiến thức, khái niệm có thể được giới thiệu ngay từ những cấp dưới, nhưng với những yêu cầu cần đạt khác nhau.

Chính vì vậy giáo viên cần phải hiểu rõ bản chất của phần nội dung đó, phải hiểu rất rõ yêu cầu của chương trình, để tùy từng với cấp học hay lớp học mình dạy, mà đưa ra các cách tiếp cận khác nhau, cách giải quyết, cách giải thích nông sâu khác nhau. Ví dụ trong chương trình Toán A-level của Cambridge, học sinh lớp 10 có thể đã phải làm quen với những bài toán liên quan đến "đạo hàm" và "tích phân xác định".

Nếu không hiểu rõ bản chất của kiến thức và yêu cầu của chương trình, thì rất khó để giáo viên có thể gợi mở cho học sinh một cách tiếp cận ngắn gọn và đúng đắn với những bài toán đó ngày từ lớp 10.

Theo chủ quan của tôi, để khắc phục trình độ của giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, trước tiên bản thân giáo viên phải luôn có ý thức "tự học, tự tìm tòi" để nâng cao trình độ của mình một cách liên tục và phải ý thức được việc mình giảng dạy chuẩn thì quan trọng như thế nào đối với học sinh.

Chúng ta có thể tự nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), kĩ năng tìm kiếm tài liệu, kĩ năng xây dựng bài giảng (powerpoint...). Tài liệu là rất nhiều, vấn đề là chúng ta tìm kiếm, chuyển đổi, và tận dụng chúng như thế nào để có thể biến chúng thành những bài giảng hay, mang tính gợi mở, dẫn dắt cho học sinh.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/hoc-sinh-lop-2-duoc-hoc-xac-suat-thong-ke-nen-mung-hay-lo-post319618.info