Học sinh là trung tâm của đổi mới giáo dục

Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ Giáo viên phải ứng biến linh hoạt

Nhờ đổi mới, sáng tạo không ngừng trong dạy và học theo quan điểm lấy HS làm trung tâm, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của HS, chất lượng giáo dục của TP. Bà Rịa đã và đang từng bước được nâng lên trở thành “điểm sáng” trong ngành GD-ĐT tỉnh.

GV, nhân viên Trường MN Phước Nguyên đã khéo léo biến ngôi trường thành một khu vui chơi kỳ thú để trẻ vui thích khi được đến trường.

GV, nhân viên Trường MN Phước Nguyên đã khéo léo biến ngôi trường thành một khu vui chơi kỳ thú để trẻ vui thích khi được đến trường.

NHỮNG TIẾT HỌC SÁNG TẠO

“Ai cũng có một ngôi nhà, nơi các thành viên cùng sinh sống. Các em có thể chia sẻ với cô và các bạn nhà của em ở đâu, xung quanh nhà em có gì?”. Cô Phạm Hoàng Quân, GV Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa) mở đầu bài học “An toàn khi ở nhà”, môn Tự nhiên Xã hội lớp 1. Vừa chăm chú nghe HS hào hứng chia sẻ về ngôi nhà của mình, cô Hoàng Quân vừa khen ngợi và tán thưởng bằng những tràng vỗ tay. Sau đó, cô trò cùng nhau hát vang, vỗ tay, lắc lư theo nhịp điệu bài hát “Bé quét nhà”.

Cô Quân tiếp tục gợi ý cho các bé chia sẻ về những việc bé làm ở nhà để giúp đỡ cha mẹ, kể tên những đồ dùng trong gia đình bé. Tiếp đến, cô đưa ra 1 bức hình và chia nhóm để HS cùng nhau quan sát, thảo luận, tự chỉ ra những đồ dùng khi sử dụng có thể gây nguy hiểm… Dựa trên những “phát hiện” của trò, cô khái quát lại để HS có thể ghi nhớ dễ dàng hơn.

Chúng tôi còn bị cuốn theo sự sôi nổi trong tiết hoạt động ngoài trời của cô Huyền Trang và các trò lớp 3-4 tuổi Trường MN Phước Nguyên (TP. Bà Rịa). Với những đạo cụ đơn giản như chiếc khăn, cuốn sách… từ “chiếc hộp thần kỳ”, cô Trang đã “hô biến” ra bông hoa, chú chim bồ câu trong tiếng reo hò náo nhiệt của các bé. Cô Trang cho các bé nhận diện màu sắc của những đồ vật này, từ đó giúp các bé hiểu được tác dụng của đôi mắt và cách bảo vệ mắt. Trong tiết dạy của mình, cô Huyền Trang còn cho cả lớp chơi trò thảy vòng với bộ đồ chơi vận động thông minh. Tiết học không dài nhưng đã tạo cơ hội để trẻ nhận biết về các bộ phận trên cơ thể, rèn luyện kỹ năng quan sát, vận động.

Không chỉ bị cuốn hút bởi những tiết học lý thú, chúng tôi còn bị hấp dẫn bởi khuôn viên như một khu vui chơi đầy màu sắc của trường. Với diện tích hơn 9.000m2, Trường MN Phước Nguyên rực rỡ bởi những chiếc đèn lồng, những bông hoa… làm từ vật liệu tái chế. Khu vui chơi ngoài trời được trải thảm cỏ nhân tạo xanh mướt, có cầu trượt, bập bênh, thang leo, khu vườn cổ tích, khu chợ quê… Góc thư viện nhỏ được bố trí khéo léo nép dưới chân cầu thang trông xinh xắn như trong một khu vườn nhỏ với những bộ bàn ghế, giá sách, hộp đựng sách… được làm từ vỏ xe, thùng phuy, can nước.

TP. Bà Rịa có 33/35 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 94,28%, cao nhất tỉnh), 2 trường còn lại chưa đạt chuẩn do không đủ diện tích theo quy định. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình cấp TH đạt trên 99%, cấp THCS trên 98%; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình TH vào lớp 6 đạt 100%; HS tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 99%. Thành phố duy trì, củng cố vững chắc thành quả phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi; 11/11 phường, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH mức độ 3.

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO LÀ YÊU CẦU TẤT YẾU

Cô Phạm Thị Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường MN Phước Nguyên cho biết, đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu và cũng là một trong những yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, nhà trường thực hiện chuyên đề xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm, bắt đầu từ việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi tới trường. Ở trường, GV tổ chức hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám phá, giao lưu, tự phát hiện những điều mới lạ. Trong các hoạt động học tập, HS ở vị trí trung tâm, GV chỉ là người gợi mở, định hướng. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa lý thú, để trẻ có cơ hội trải nghiệm như tham quan nông trại xanh, tìm hiểu làng nghề…

Cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy thì cho hay, nhà trường đã chú trọng tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực HS. GV dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp HS tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu tri thức được “sắp đặt” sẵn. Thầy cô tổ chức và định hướng cho HS tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn; chú trọng rèn luyện cho HS biết khai thác tài liệu, suy luận, tìm tòi. Lớp học trở thành môi trường giao tiếp giữa GV với HS và HS với HS nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, tập thể trong giải quyết nhiệm vụ học tập chung.

Bà Trần Thị Phương Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Bà Rịa cho hay, có được những thành quả trên là do ngành giáo dục thành phố đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; chỉ đạo việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy-học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Ngành cũng triển khai việc dạy học theo chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm” và theo hướng phát triển năng lực HS, sử dụng kỹ thuật đánh giá trong quá trình tổ chức dạy học ở cấp tiểu học, THCS.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202012/hoc-sinh-la-trung-tam-cua-doi-moi-giao-duc-915791/